Thứ 6, 29/03/2024 03:18:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 17:32, 29/09/2013 GMT+7

Truyền hình thực tế có thực tế

Chủ nhật, 29/09/2013 | 17:32:00 133 lượt xem

Ngày càng có nhiều khán giả đặt nghi vấn đã có sự sắp đặt của nhà sản xuất trong những chương trình truyền hình mang danh 'thực tế' đang được phát sóng.

Chương trình truyền hình thực tế đang ăn khách Giọng hát Việt - d
Chương trình truyền hình thực tế đang ăn khách Giọng hát Việt - Ảnh: Độc Lập

Cuộc đua kỳ thú (mua phiên bản của Amazing Race) là một trong những chương trình mang nhiều tính thực tế nhất hiện nay, bởi các đội chơi phải vượt qua thử thách trước máy quay mới có thể đi tiếp vào vòng trong. Nhưng từ trước đó, có thể thấy nhà sản xuất đã có sự sắp xếp trong việc tuyển lựa người chơi với các tính cách khác nhau, phù hợp với những “gu” khác nhau của khán giả. Bên cạnh cặp đôi đội hồng dễ thương Hari và Tiến Đạt dành được nhiều thiện cảm, cặp đôi đội đỏ Nhan Phúc Vinh và Linh Chi với tính cách quyết liệt, tham vọng giành chiến thắng cao, có phần “ăn thua” lại bị... “ném đá”. 

Trên Facebook của chương trình, một khán giả bày tỏ: “Không thích đội đỏ, mong đội này rời khỏi cuộc đua” đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Nhưng trên nhiều trang mạng, diễn đàn khác, không ít khán giả đặt câu hỏi nghi ngờ: liệu nhà sản xuất đã cố tình nhấn vào những hình ảnh, phần phỏng vấn của các đội chơi gây phản ứng cho người xem?

Trong khi đội hồng luôn xuất hiện với hình ảnh dễ thương thì đội đỏ hầu hết chỉ là những hình ảnh hiếu thắng. Sau khi trên mạng xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh đội đỏ gặp bà cụ bán chôm chôm rong trên đường, họ đã đổi được đủ số tiền lẻ bằng việc mua chôm chôm và biếu cụ số tiền còn lại, nhiều khán giả đã tỏ ra có thiện cảm với Linh Chi và Nhan Phúc Vinh hơn và cho rằng những nghi ngờ kia là có cơ sở. Những hình ảnh này đã không lên sóng, còn nhà sản xuất giải thích rằng do thời lượng phát sóng ngắn nên không thể đưa hết tất cả cảnh quay trong cuộc hành trình của thí sinh lên trên màn ảnh.

Với các chương trình có người nổi tiếng tham gia, nhà sản xuất sẽ lựa chọn những gương mặt với mức độ “hot” khác nhau. Thậm chí, đã có không ít lời nói bóng gió của người trong cuộc nghi ngờ về việc nhà sản xuất đã thỏa thuận kết quả từ trước với những nhân vật nổi tiếng để họ nhận lời, chẳng hạn Bước nhảy hoàn vũ hay Cặp đôi hoàn hảo.

Một nghệ sĩ sau ba năm ngồi trên ghế giám khảo của một chương trình truyền hình thực tế nay đã thoái lui, khi người viết hỏi lý do anh chỉ nói ngắn gọn: “Có nhiều chuyện phía sau đó”. Một chiêu nữa cũng được tính đến là tạo dựng scandal từ trước và trong khi chương trình diễn ra. Trong một gặp gỡ với các phóng viên báo chí, nhà sản xuất của một chương trình truyền hình thực tế khiêu vũ dành cho người nổi tiếng cũng lấp lửng về chuyện “khó tránh khỏi scandal”.

Những điều trên cho thấy dù là “truyền hình thực tế” nhưng không phải những gì khán giả được xem là những sự việc diễn ra khách quan trong thực tế. Tất cả các chương trình truyền hình thực tế đều phải qua bàn tay dàn dựng của nhà sản xuất. Để hấp dẫn khán giả, nhà sản xuất đã tung ra đủ các “chiêu trò”. Trong đó, các chương trình ghi hình trước được biên tập lại, sắp xếp để tạo kịch tính, đôi khi cả tranh cãi từ phía người xem.

Người chiến thắng là... nhà sản xuất

Đêm chung kết Giọng hát Việt nhí vừa qua gây ra nghi vấn nhà sản xuất chương trình đã tính toán được ngôi vị quán quân từ trước, và ưu ái đầu tư cho thí sinh này trong phần dàn dựng tiết mục và sắp xếp biểu diễn cuối cùng - vị trí vedette của chương trình. “Tiết mục của Quang Anh được dàn dựng công phu nhất. Cậu bé đã quá được ưu ái” - khán giả Van Nguyen bình luận trên Facebook.

Ngay sau khi có những nghi vấn này, giám đốc âm nhạc đã lên tiếng rằng: chỉ sắp xếp theo cảm xúc của bài hát, để làm sao khán giả được thưởng thức một chương trình hoàn hảo, chứ không còn cảm giác là cuộc thi nữa.

Năm ngoái chương trình Giọng hát Việt đã bị “lộ” chuyện dàn xếp kết quả, vì thế năm nay nhà sản xuất đã phải cẩn trọng hơn nhưng không phải vì vậy mà không có những nghi ngờ về việc ưu ái thí sinh.

Ngay từ vòng Giấu mặt, khi một thí sinh cũng là nhạc sĩ đang được giới trẻ yêu thích được chọn, nhà sản xuất ngay lập tức gửi bài viết về thí sinh “đặc biệt” này tới báo giới.

Ngay trong phần thi Đối đầu và Đo ván sau đó, thí sinh nào được xếp với thí sinh “đặc biệt” này đều đoán trước được số phận phải rời khỏi cuộc chơi. Trong phần thi Đo ván với anh chàng ca sĩ kiêm nhạc sĩ này, một thí sinh đã khóc nức nở khi vừa hát xong, vì dù phần thi được các huấn luyện viên đánh giá cao nhưng cô biết không thể bước tiếp. Đại diện phía nhà sản xuất Giọng hát Việt phân trần: “Không có chuyện ưu ái thí sinh nào hết. Huấn luyện viên biết có thể đi xa với thí sinh nào thì giữ lại. Chúng tôi không có bất cứ can thiệp nào với quyết định của huấn luyện viên”.

Dù bị mắc nghi vấn sắp đặt, nhưng đến giờ truyền hình thực tế vẫn chưa giảm sức hút. Nhiều người nổi tiếng tham gia để làm nóng lại hình ảnh, trong khi nhiều thí sinh tham gia các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng như một bước đưa chân vào showbiz, tăng giá cát sê, và xa hơn để tìm kiếm sự nổi tiếng. Nhưng ai mới thực sự là người giành chiến thắng trong những cuộc chơi này? Không khó để khán giả nhận ra: “Không ai giành chiến thắng ngoài nhà sản xuất”. 

Nước ngoài cũng vướng nghi vấn sắp đặt

Khi tham gia chương trình Dancing with the Stars (tại Việt Nam chương trình được mua phiên bản có tên Bước nhảy hoàn vũ), Steve Mozniak (người đồng sáng lập Apple) từng tỏ ra nghi ngờ việc kiểm duyệt bình chọn của chương trình.

Không ít lần khán giả yêu thích Dancing with the Stars tại Úc đã dọa tẩy chay chương trình vì họ nhận thấy sự can thiệp của nhà sản xuất vào việc bình chọn, người thắng cuộc cũng không xứng đáng.

Năm ngoái, chương trình này trên kênh ABC (Mỹ) bị tố cáo nhà sản xuất can thiệp vào việc bình chọn. Mùa The Voice vừa qua tại Anh, hai giám khảo Jessie J và Danny O’Donoghue cũng bị nghi ngờ đã thỏa thuận cứu thí sinh từ trước, nhưng trước màn hình họ lại tỏ ra hoàn toàn bất ngờ. Khán giả American Idol cũng từng nghi ngờ giám khảo đã can thiệp vào việc lựa chọn các thí sinh, trong khi tin nhắn của khán giả bị biến thành vô nghĩa. Các chương trình như American Idol, Britain’s Got Talent, The X Factor được cho là đã tìm kiếm thí sinh từ trước khi diễn ra vòng sơ tuyển. Những người này có tài năng hoặc không nhưng được tuyển chọn kỹ lưỡng phù hợp với “tiêu chí” của nhà sản xuất - những người biết rõ nhất làm sao để tạo dựng một chương trình nhiều cảm xúc, hài hước và giải trí.

(Theo TNO)

  • Từ khóa
90623

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu