Thứ 4, 24/04/2024 13:56:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 13:41, 14/03/2019 GMT+7

Trường tiểu học và THCS Phú Trung có lạm thu?

Thứ 5, 14/03/2019 | 13:41:00 1,138 lượt xem

BP - Năm học 2018-2019, Trường tiểu học và THCS Phú Trung, huyện Phú Riềng được thành lập trên cơ sở sáp nhập các trường Tiểu học Phú Trung và THCS Trần Quốc Toản với 24 lớp/517 học sinh. Bậc tiểu học không có học sinh bỏ học; THCS có 2 em do sức học yếu đã bỏ học dù được thầy cô vận động đến lớp nhiều lần (không thuộc hộ nghèo). Trong năm học 2018-2019, có phụ huynh nêu ý kiến rằng do trường lạm thu, bắt cô giáo chủ nhiệm đứng ra thu tiền gây ức chế cho học sinh dẫn đến bỏ học hoặc không muốn học… Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Bình Phước đã gặp gỡ các bên liên quan làm rõ vấn đề.

NỖI NIỀM XÃ NGHÈO, HỘ KHÓ KHĂN

Là xã nghèo nên Phú Trung hạn chế nguồn lực trong đầu tư cơ sở vật chất trường học, ảnh hưởng đến tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như công tác dạy học, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia của trường tiểu học và THCS. Tại điểm trường chính, phòng học là cấp bốn, xây dựng lâu năm nên xuống cấp; bàn ghế học sinh, giáo viên đều cũ kỹ; thiếu phòng chức năng. Nhà trường đề ra mục tiêu phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia vào năm học 2024-2025. Cùng với đó, đời sống nhiều hộ dân ở Phú Trung còn khó khăn nên ảnh hưởng đến sự đồng thuận trong đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp và các trang thiết bị, sân chơi, sân thể dục phục vụ học tập cho con em.

Trường tiểu học và THCS Phú Trung, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng

Ông N.P.B ở thôn Phú Tâm, xã Phú Trung có con đang theo học bậc THCS tại Trường tiểu học và THCS Phú Trung kiến nghị, Ban giám hiệu trường có một số việc chưa thực hiện đúng quy định về thu, chi. Năm học 2017-2018, ông đã có đơn kiến nghị gửi Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phú Trung. Ngày 20-4-2018, UBND xã mời ông và Ban giám hiệu cùng họp làm rõ sự việc. Theo đơn của ông B, tại cuộc họp, Hiệu trưởng trường thừa nhận những việc làm sai như: Thu tiền xã hội hóa 5 năm liền (từ năm 2013-2018) là sai. Ông B còn thắc mắc, dự kiến làm nhà thi đấu cầu lông hết 160 triệu đồng, vậy tiền chênh lệch để làm gì? Nhà trường ép cả những em không có nhu cầu phải học và đóng 900 ngàn đồng/học sinh/năm. Vì vậy, ảnh hưởng không nhỏ tới hộ khó khăn như gia đình ông B. Ông B cũng đề nghị trường không được phân công giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở và thu tiền, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Thu tiền vệ sinh và nước uống 90 ngàn đồng/học sinh nhưng các em vẫn phải dọn vệ sinh, nước uống không có do cách tổ chức không chặt chẽ. Các khoản tiền do Nhà nước hỗ trợ cho học sinh nghèo, kể cả học bổng nhà trường cũng thu lại. Khi ông B đến hỏi thì hiệu trưởng giải thích, sợ hộ nghèo không có tiền đóng nên nhà trường phải thu trước. Vận động học sinh tiết kiệm bỏ heo đất nhưng đầu năm học giáo viên chủ nhiệm thu nên không còn ý nghĩa. Theo ông B, năm học 2018-2019, lỗi vi phạm của nhà trường càng tăng thêm khi thu nhiều tiền quỹ gồm: Quỹ phụ huynh 300 ngàn đồng/học sinh/năm học; quỹ lớp 200 ngàn đồng/học sinh/năm học; tiền quét dọn 450 ngàn đồng/học sinh/năm học. Đồng thời, trường vẫn cho giáo viên chủ nhiệm hối thúc học sinh xin tiền phụ huynh để nộp, khiến hộ nghèo chưa có tiền đóng dẫn đến tự ái, muốn bỏ học...

KHÔNG CÓ TÌNH TRẠNG LẠM THU HAY BIỂN THỦ CÔNG QUỸ

Làm rõ những vấn đề phụ huynh thắc mắc, ông Lại Minh Kha, Hiệu trưởng trường cho biết, trường chỉ duy trì công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém dưới các hình thức bồi dưỡng và phụ đạo tập trung tại trường. Giáo viên tự sắp xếp phụ đạo trái buổi cho học sinh sau khi xin ý kiến phụ huynh trong buổi họp phụ huynh đầu và giữa năm học. Trường không ép buộc. Thậm chí trường còn miễn cho học sinh nghèo và giảm 50% cho học sinh cận nghèo tiền phụ đạo, khi có xác nhận của ban thôn. Nhiều phụ huynh muốn con học 6 buổi/tuần nhưng trường chỉ tổ chức 3 buổi, học phí 900 ngàn đồng/năm học.

Ông Lại Minh Kha khẳng định: “Việc phụ huynh kiến nghị những nội dung nêu trên là của năm học trước. Ban giám hiệu cùng Hội cha mẹ học sinh đã khắc phục ngay sau đó, không kéo dài sang năm học 2018-2019. Việc thu xã hội hóa xây dựng nhà thi đấu cầu lông và sân học thể dục cho học sinh trong 5 năm liền phát sinh từ thực tế nhu cầu học của học sinh, trong khi cả trường và xã đều không có nguồn để xây dựng. Việc xây dựng do tâm huyết của một thầy giáo dạy thể dục của trường bỏ ra xây trước và thu lại vốn sau thông qua xã hội hóa, kêu gọi cha mẹ học sinh đóng góp, được Đảng ủy xã đồng ý bằng văn bản và đến năm học 2017-2018 đã thu xong. Số tiền còn dư khi thu xã hội hóa, trường tiếp tục tu bổ bàn ghế và sửa chữa nhà vệ sinh cho học sinh...”.

Chị Trần Thị Liễu, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh của trường năm học 2018-2019 cho biết: “Khi tôi đại diện hội phụ huynh nêu ý kiến thì không ai phản đối hay có ý kiến khác. Chúng tôi đã làm từ đầu năm đến giờ, chưa thấy ý kiến nào phản ánh. Việc dạy học sinh học tập cần gắn với lao động là phù hợp nên chúng tôi chỉ thực hiện một phần chứ không thuê lao công toàn bộ với mục đích hỗ trợ các em và giúp các em biết lao động. Cụ thể, bậc tiểu học vệ sinh trong lớp, quét dọn sân trường thì thuê. Ngược lại, bậc THCS thì thuê quét dọn phòng và để các em lao động ngoài sân (tuy sáp nhập 2 trường tiểu học và THCS nhưng 2 trường này vẫn có khuôn viên riêng và cách nhau một con đường liên thôn). Việc thu tiền 4 loại quỹ: vệ sinh, nước uống (tự phục vụ), phụ huynh và lớp tổng 950 ngàn đồng/học sinh/năm học hoàn toàn do hội phụ huynh của trường và từng lớp lấy ý kiến đầu năm rồi mới thống nhất thu. Việc chi tiêu cũng do các phụ huynh tự cân đối, trường không can dự”.

Với kiến nghị giáo viên đòi thu tiền hỗ trợ học sinh nghèo, chị Liễu nói: “Học sinh nghèo được hưởng học bổng “Tiếp sức đến trường” do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao tặng và học sinh đã trực tiếp về tỉnh nhận. Cô giáo chủ nhiệm chỉ nhắc nhở, có tiền rồi nên đóng góp các khoản không được miễn giảm, chứ cô giáo không đi cùng để thu”.

Đem những thắc mắc của ông B đến trao đổi với chính quyền xã Phú Trung, ông Lê Văn Phương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những vấn đề này là của năm học trước và đã được giải quyết. Còn vấn đề cô giáo nhắc nhở học sinh nộp tiền hoặc giáo viên thu tiền giúp cho phụ huynh là sự nhờ vả cá nhân, phù hợp thực tế nhưng không đúng quy định, khiến một số phụ huynh không hài lòng. Nhưng điều này lại gây khó cho chính phụ huynh khác khi lên trường không gặp được kế toán, tài vụ... Vấn đề nước uống đã được khắc phục khi bố trí đặt bình nước nơi thầy cô dễ quản lý, giúp học sinh đều có nước uống, tránh việc học sinh hiếu động làm bẩn ly, bình nước... Tôi khẳng định, hoạt động của Ban giám hiệu trường và thầy cô trong năm học 2018-2019 luôn được lãnh đạo xã kiểm tra, giám sát nên không có tình trạng lạm thu hoặc biển thủ công quỹ. Lãnh đạo xã đã làm việc và giải đáp mọi thắc mắc với phụ huynh nhưng vẫn chưa hài lòng. Hy vọng phụ huynh thông cảm, chia sẻ với khó khăn hiện nay của xã, của trường để cùng giúp con em có môi trường học tập tốt”.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
88450

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu