Thứ 6, 29/03/2024 22:20:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:11, 07/01/2013 GMT+7

Trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu

Thứ 2, 07/01/2013 | 14:11:36 407 lượt xem

LTS: Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có Thông tư số số 59/2012/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, việc đánh giá trường tiểu học được chia làm ba mức độ: Trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu; Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc và quý thầy cô giáo về những tiêu chuẩn đảnh giá trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu.

* Tiêu chuẩn 1 về tổ chức và quản lý nhà trường

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các hội đồng (hội đồng trường đối với trường công lập, hội đồng quản trị đối với trường tư thục, hội đồng thi đua khen thưởng và các hội đồng tư vấn khác) thực hiện theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học. Nhà trường có tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Sao Nhi đồng Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học. Nhà trường có các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và hoạt động theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học.

Lớp học, số học sinh, trường, điểm trường: Lớp học, số học sinh trong một lớp thực hiện theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học. Địa điểm đặt trường, điểm trường thực hiện theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học.

Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy Đảng, chấp hành sự quản lý hành chính của chính quyền địa phương, sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan quản lý giáo dục. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo quy định. Đảm bảo quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường.

Hồ sơ phục vụ hoạt động giáo dục của nhà trường thực hiện theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học. Lưu trữ đầy đủ, khoa học hồ sơ, văn bản theo quy định của Luật Lưu trữ. Thực hiện các cuộc vận động, tổ chức và duy trì phong trào thi đua theo hướng dẫn của ngành và quy định của Nhà nước.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý các hoạt động giáo dục và quản lý học sinh: Thực hiện chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành. Phân công nhiệm vụ cụ thể hàng năm cho từng giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường bao gồm nhiệm vụ giáo dục, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em gái. Có số liệu theo dõi đánh giá theo quy định về số lượng và chất lượng giáo dục học sinh trong từng năm học và trong 5 năm học liên tiếp. Có kế hoạch và biện pháp chỉ đạo về quản lý các lớp học ở điểm trường đảm bảo chất lượng giảng dạy. Có kế hoạch, thực hiện và phối hợp với cơ sở giáo dục mầm non để chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho học sinh trước khi vào học lớp 1. Thống kê và theo dõi học sinh đang học tại trường và số trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi ngoài nhà trường, trong địa bàn xã, phường mà trường theo dõi phổ cập (chia theo độ tuổi, giới tính, thành phần dân tộc, khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn). Thực hiện đúng các quy định pháp luật về quản lý tài sản, tài chính hiện hành; công khai các nguồn thu, chi hằng năm do hiệu trưởng quản lý. Có sổ liên lạc với cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh. …

Thực hiện các quy định và xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tai nạn thương tích, cháy nổ, phòng tránh các hiểm họa thiên tai, phòng chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, phòng tránh các tệ nạn xã hội trong  trường học. Bảo đảm an toàn cho học sinh và cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học. Không có hiện tượng kỳ thị, vi phạm về giới, bạo lực trong nhà trường.

* Tiêu chuẩn 2 về cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh

Trình độ đào tạo của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng từ trung cấp sư phạm trở lên. Hiệu trưởng có ít nhất 4 năm dạy học, phó hiệu trưởng có ít nhất 2 năm dạy học (không kể thời gian tập sự). Đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hàng năm theo quy định chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học đạt từ mức trung bình trở lên; Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được bồi dưỡng, tập huấn về chính trị và quản lý giáo dục theo quy định.

Bảo đảm đủ số lượng giáo viên để dạy các môn học bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đối với trường tiểu học dạy một buổi trong ngày có ít nhất bình quân 1,2 giáo viên/lớp; đối với trường tiểu học dạy hai buổi trong ngày có ít nhất bình quân 1,5 giáo viên/lớp. Có giáo viên làm tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; Có ít nhất 90% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên. Thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo được đánh giá theo quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học phải đạt từ trung bình trở lên. Có ít nhất  40% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường. Công tác đào tạo, bồi dưỡng: nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng để tất cả giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo; thực hiện nghiêm túc chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo; có ít nhất 50% giáo viên được xếp loại khá, giỏi về bồi dưỡng thường xuyên. Bảo đảm các quyền của giáo viên theo quy định của Điều lệ trường tiểu học và của pháp luật.

Nhà trường có nhân viên phụ trách và hoàn thành các nhiệm vụ; được bảo đảm các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước về kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế trường học, viên chức làm công tác thiết bị dạy học.

Bảo đảm quy định về tuổi học sinh theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học. Học sinh thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và không bị kỷ luật do vi phạm các hành vi học sinh không được làm theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học. Học sinh được đảm bảo các quyền theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học.

* Tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học

Diện tích khuôn viên và các yêu cầu về xanh, sạch, đẹp, thoáng mát đảm bảo tổ chức hoạt động giáo dục. Có cổng, biển tên trường, tường rào bao quanh. Có sân chơi, sân tập thể dục thể thao.

Số lượng phòng học đủ cho các lớp học để không học ba ca. Phòng học được xây dựng đúng quy cách, đủ ánh sáng. Bàn ghế học sinh đảm bảo yêu cầu về vệ sinh trường học; có bàn ghế phù hợp cho học sinh khuyết tật học hòa nhập. Kích thước, màu sắc, cách treo của bảng trong lớp học đảm bảo quy định về vệ sinh trường học.

Khối phòng phục vụ học tập bao gồm: thư viện, phòng để thiết bị giáo dục; khối phòng hành chính quản trị bao gồm: phòng hiệu trưởng, phòng họp. Phòng y tế trường học có tủ thuốc với các loại thuốc thiết yếu. Có các loại máy văn phòng (máy tính, máy in) phục vụ công tác quản lý và giảng dạy.

Có khu vệ sinh dành riêng cho nam, dành riêng cho nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên; riêng cho học sinh nam, riêng cho học sinh nữ. Có chỗ để xe cho cán bộ, giáo viên và học sinh đảm bảo an toàn, tiện lợi. Có nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng của cán bộ, giáo viên và học sinh; hệ thống thoát nước, thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Thư viện được trang bị sách giáo khoa, tài liệu tham khảo tối thiểu và báo, tạp chí phục vụ cho hoạt động dạy và học; Hoạt động của thư viện đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh; Thư viện được bổ sung sách, báo và tài liệu tham khảo hàng năm.

Thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ giảng dạy và học tập đảm bảo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo: Nhà trường có các loại thiết bị giáo dục theo danh mục tối thiểu do Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định. Mỗi giáo viên có ít nhất một bộ văn phòng phẩm cần thiết trong quá trình giảng dạy, một bộ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn giảng dạy và các tài liệu cần thiết khác. Mỗi học sinh phải có ít nhất một bộ sách giáo khoa, các đồ dùng học tập tối thiểu. Học sinh người dân tộc thiểu số được áp dụng các phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục, được hỗ trợ các tài liệu, đồ dùng học tập phù hợp để hỗ trợ học tiếng Việt. Giáo viên có ý thức sử dụng thiết bị dạy học trong các giờ lên lớp và tự làm một số đồ dùng dạy học đáp ứng các yêu cầu dạy học ở tiểu học.

* Tiêu chuẩn 4 về quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành. Nhà trường tạo điều kiện để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động. Tổ chức các cuộc họp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh để tiếp thu ý kiến về công tác quản lý của nhà trường, các biện pháp giáo dục học sinh, giải quyết các kiến nghị của cha mẹ học sinh, góp ý kiến cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Nhà trường tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh trong nhà trường và ở địa phương. Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, thiết bị dạy học, khen thưởng học sinh học giỏi, hỗ trợ học sinh nghèo.

Phối hợp hiệu quả với các tổ chức, đoàn thể để giáo dục học sinh về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Tuyên truyền để tăng thêm sự hiểu biết trong cộng đồng về nội dung, phương pháp và cách đánh giá học sinh tiểu học, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia thực hiện mục tiêu và kế hoạch giáo dục tiểu học.

Thực hiện công khai các nguồn thu của nhà trường theo quy định hiện hành về công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

* Tiêu chuẩn 5 về hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục

Xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn từng năm học, học kỳ, tháng, tuần của nhà trường thực hiện theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường tiểu học. Dạy đủ các môn học theo quy định ở tiểu học; có kế hoạch tăng thời lượng dạy hai môn Tiếng Việt và Toán cho học sinh có khó khăn về nhận thức; bám sát yêu cầu cơ bản của chuẩn kiến thức, kỹ năng; lựa chọn nội dung, thời lượng, phương pháp, hình thức phù hợp với từng đối tượng học sinh để đảm bảo chất lượng dạy và học, đáp ứng khả năng nhận thức và yêu cầu phát triển trong điều kiện thực tế của địa phương. Thực hiện bồi dưỡng học sinh năng khiếu, phụ đạo học sinh yếu.

Có chương trình, kế hoạch các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp theo kế hoạch, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Phân công, huy động giáo viên, nhân viên tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Tham gia thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, ngăn chặn hiện tượng tái mù chữ ở địa phương. Tổ chức "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường"; huy động được ít nhất 95% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; tỷ lệ học đúng độ tuổi đạt từ 85% trở lên. Hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ khuyết tật tới trường.

Tỷ lệ học sinh xếp loại trung bình trở lên đạt ít nhất 90%. Tỷ lệ học sinh xếp loại khá đạt ít nhất 30%; xếp loại giỏi đạt ít nhất 5%. Có học sinh tham gia các hội thi, giao lưu do các cấp tổ chức.

Giáo dục ý thức tự chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Tổ chức khám sức khỏe, tiêm chủng cho học sinh. Tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm học đạt ít nhất 85%. Trẻ 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 90% trở lên.

Giáo dục, rèn luyện các kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi học sinh. Tạo cơ hội cho học sinh tham gia vào quá trình học tập một cách tích cực, chủ động, sáng tạo. Khuyến khích học sinh sưu tầm và tự làm đồ dùng học tập; chủ động hợp tác, giúp đỡ bạn trong học tập.                                                                         

TH

  • Từ khóa
82245

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu