Thứ 5, 28/03/2024 16:46:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:11, 23/04/2019 GMT+7

Trường THPT Lộc Ninh đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học

Thứ 3, 23/04/2019 | 14:11:00 1,535 lượt xem
BP - “Những năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường tuy không đạt 100% nhưng có nhiều em đậu đại học điểm cao vào các trường danh tiếng. Có được kết quả đó là nhờ nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng thật” - cô Trần Thị Mỹ Huệ, Hiệu phó Trường THPT Lộc Ninh cho biết.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá

Cô Trần Thị Mỹ Huệ cho biết: THPT Lộc Ninh tiền thân là trường cấp 1-2 Lộc Ninh, thành lập từ năm 1982. Sau 37 năm xây dựng và phát triển với không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, chất lượng giáo dục nhà trường từng bước được khẳng định, năm sau cao hơn năm trước. Hiện trường có 1.309 học sinh/38 lớp. Chất lượng đầu vào cao, hằng năm có 700 hồ sơ dự tuyển, nhưng chỉ lấy trên 500 em. Năm học 2018-2019, trường có 4 cán bộ, 87 giáo viên, 11 nhân viên, trong đó 4 giáo viên trình độ trên chuẩn, 2 giáo viên đang học thạc sĩ. Phần lớn giáo viên yêu nghề, tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Năm học 2017-2018, trường có 31 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 5 giáo viên giỏi cấp tỉnh. Cơ sở vật chất trường lớp dù xuống cấp nhưng vẫn đảm bảo việc dạy học 2 buổi/ngày theo quy định. Đối với học sinh học lực yếu, kém, trường tăng cường củng cố kiến thức cơ bản bằng cách dạy phụ đạo. Với các lớp khá, giỏi, trường mở rộng, nâng cao kiến thức. Riêng khối 12, trường đưa chương trình luyện thi đại học theo khối thi và tổ hợp môn vào giảng dạy, nâng cao tính tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Việc học ngày 2 buổi đã đem lại hiệu quả tích cực trong nâng cao chất lượng, nhất là các lớp khối 12. Ngoài ra, trường còn phân phối 1 tiết giáo dục kỹ năng sống/tuần cho cả 38 lớp.

Học sinh Trường THPT Lộc Ninh trong giờ họcHọc sinh Trường THPT Lộc Ninh trong giờ học

Nhằm đổi mới phương pháp, hình thức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, trường cử cán bộ, giáo viên cốt cán tham gia tập huấn tại Sở GD-ĐT, sau đó về triển khai toàn trường. Chỉ đạo các tổ chuyên môn đổi mới sinh hoạt tổ, chú trọng sinh hoạt theo hướng chuyên đề, thảo luận những đề tài sáng kiến, phương pháp dạy các bài học cụ thể; đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học. Nghiêm cấm kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Thực hiện đánh giá thường xuyên với tất cả học sinh bằng nhiều hình thức như qua việc quan sát các hoạt động trên lớp, hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; qua kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, kết quả thực hành, thí nghiệm...

Để học sinh chọn đúng nghề, đúng trường, đúng khả năng, trường phân công giáo viên tăng cường hướng nghiệp cho học sinh lớp 11 và 12 bằng việc lồng ghép, tích hợp ở một số môn học; đồng thời định hướng học sinh thi vào các trường phù hợp với khả năng. Riêng khối 10, 11, trường định hướng các em chọn khối thi, ngành, nghề ngay từ cuối năm học. Thời gian tuyển sinh hằng năm (khoảng tháng 2, 3, 4), trường đón hơn 20 trường đại học, cao đẳng và trung cấp đến tư vấn tuyển sinh, giới thiệu ngành nghề và định hướng nghề nghiệp cho các em. Vì thế, tỷ lệ học sinh vào học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề hằng năm của trường đạt trên 70%. Đặc biệt, trường chú trọng dạy nghề Tin học phổ thông đảm bảo theo quy định. Kết thúc năm học hằng năm, học sinh khối 11 đều đủ điều kiện hoàn thành chương trình tin học.

Cách làm sáng tạo

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được trường chú trọng thực hiện bằng hình thức đa dạng, phong phú thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, sinh hoạt, lồng ghép trong tiết dạy. Từ đó, tình trạng bạo lực học đường giảm hẳn, không có trường hợp học sinh đánh nhau với mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là khối 11, 12 không xảy ra đánh nhau. Học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá năm học 2017-2018 đạt 98,6%.

Nhằm giúp học sinh khó khăn, ở xa trường vươn lên học tập tốt, trường có nhiều cách làm hay, sáng tạo thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Cô Huệ chia sẻ: Nhiều học sinh nhà cách trường 20km phải ở lại buổi trưa để buổi chiều học, trong đó có em mang cơm theo. Từ thực tế đó, đầu năm học 2014-2015, trường xây dựng Quỹ vượt khó vận động các nhà hảo tâm, học sinh, phụ huynh, giáo viên đóng góp hỗ trợ các em. Có nguồn quỹ, trường xây dựng ngay “Bếp ăn tình thương” nhờ căn tin nấu suất ăn trưa miễn phí cho các em. Những ngày đầu trường nấu 10 suất/bữa, đến nay bếp ăn phục vụ miễn phí cơm trưa cho 26 em, trị giá mỗi suất 15 ngàn đồng. Ngoài ra, nguồn Quỹ vượt khó còn trao tặng 20 suất học bổng cho học sinh khó khăn/năm, mỗi suất 500 ngàn đồng.

Với nhiều cách làm ý nghĩa, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm, riêng năm học 2017-2018 chỉ có 8 em bỏ học do học lực quá yếu, chiếm 0,58%; học lực khá, giỏi chiếm 68,51%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 đạt 99,48%, tăng 1% so năm 2017. Học kỳ I, năm học 2018-2019, trường có 23 em lớp 12 đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, hằng năm trường đều có học sinh đậu điểm cao vào đại học như năm học 2016-2017 có em Phùng Quang Nghĩa, lớp 12A2 đậu Trường Sĩ quan lục quân 1 Hà Nội; em Phạm Hoàng Hải, lớp 12A2 đậu Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; năm học 2017-2018 có em Nguyễn Ngọc Hân, lớp 12A13 đậu Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh... Từ năm học 2000-2001 đến nay, trường đều đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến và xuất sắc, được tặng nhiều phần thưởng cao quý; 5 cá nhân được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen...

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
2241

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu