Thứ 5, 25/04/2024 13:09:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:07, 05/08/2018 GMT+7

Trường thi thời xưa

Chủ nhật, 05/08/2018 | 09:07:00 4,091 lượt xem
BP - Khoa cử là một trong những hình thức cơ bản để tuyển dụng nhân tài, phục vụ đất nước ngày xưa. Để có thể tuyển dụng nhân tài phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhà Lý bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền giáo dục nước nhà. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1070, vua Lý Nhân Tông cho thành lập Văn Miếu, 1 năm sau cho lập Quốc Tử Giám (trường học đầu tiên của quốc gia).

Tiếp đó, năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho tổ chức kỳ thi tuyển chọn người tài đầu tiên, được gọi là “Minh kinh bác học”. Kể từ đây, nền khoa cử Việt Nam chính thức ra đời. Sau thời Lý, các triều đại phong kiến tiếp tục hoàn thiện nền giáo dục nước nhà. Phần lớn các triều đại về sau đều có một số cải cách về nội dung giáo dục và thi cử để phù hợp hơn. Tuy nhiên, điểm chung là dù bất cứ triều đại nào, việc giáo dục và thi cử dưới thời phong kiến vẫn luôn tồn tại những quy định hết sức ngặt nghèo, bắt buộc học sinh phải vượt qua.

Minh họa: S.H

Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, triều Nguyễn quy định, thí sinh không được mang tài liệu vào trường thi, không được nói chuyện ồn ào, lộn xộn, phải đóng dấu “nhật trung” (dấu xác định bài thi được làm tại trường thi), cấm ngồi không đúng chỗ quy định, tự ý vứt bỏ hoặc sửa chữa bảng tên, cấm kê khai gian lận tên tuổi, cấm nộp bài trễ hạn. Nếu vi phạm, sĩ tử sẽ bị phạt rất nặng. Người bị phát hiện mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị gông 1 tháng, sau đó bị đánh 100 roi. Các vị quan đốc học, giáo thụ và huấn đạo ở địa phương có thí sinh vi phạm đều bị truy tội.

Bài thi có những quy định khác, rắc rối và ngặt nghèo hơn, chủ yếu là những lỗi về hình thức mà thí sinh phải tránh. Đầu tiên là lỗi khiếm tị (phải biết tránh chữ húy). Chữ húy ở đây chính là tên của tất cả đời vua, hoàng hậu, kể cả ông bà tổ tiên vua, tên lăng, miếu, cung, điện, làng quê của vua, con vua, vợ vua... Bài thi nếu bị phát hiện phạm húy thì dù hay đến mấy cũng chắc chắn sẽ bị đánh hỏng.

Sau khiếm tị là lỗi khiếm trang và khiếm đài. Khiếm trang nghĩa là bài thi thiếu phần tao nhã, dùng những từ thô tục về ngữ nghĩa và âm luật, thiếu tôn kính với các từ tôn nghiêm. Đang hành văn mà gặp những từ tôn kính như thiên, địa, đế, hậu... thì phải tự động sang hàng và đài (nâng cao lên trong dòng chữ), nếu không sẽ mắc lỗi khiếm đài.Bài thi phải viết loại chữ chân phương, thiếu một nét, một chấm xem như mắc lỗi, phạm luật. Khi làm xong bài, cuối quyển thi phải ghi rõ số chữ đã xóa, bỏ sót, sửa chữa.

Trước thời gian thi 4 tháng, những người muốn dự thi phải ghi danh tại địa phương để xem xét tư cách đạo đức, lý lịch. Những người đang chịu tang cha hoặc mẹ, đang chịu tang ông bà nội mà đương sự là người phải lo việc thờ phụng không được tham gia kỳ thi. Những người bất hiếu, không hòa thuận với anh em, tàn bạo... cũng không được thi. Những người thân thuộc với kẻ phạm tội đã bị chém, giảo (thắt cổ), đi đày, sung quân (dù đã được tha về)... cũng không được thi.

Tội thân thuộc với giặc được chia làm 4 khoản quy định từ nặng đến nhẹ với mức độ khác nhau. Nếu giặc là chánh yếu phạm (những người mang chức tước cao nhất) không kể đã bị xét xử hay chưa, dù đã chết hay đã ra đầu thú được khoan dung, thì từ con cho đến cháu, chắt cùng những người chịu tang từ 9 tháng trở lên đều không được dự thi. Nếu là kẻ tòng phạm theo giặc nhưng không có chức tước, hoặc nhỏ thì con cháu không được đi thi. Nếu đã ra đầu thú, lập công được giảm án, cháu được đi thi. Nếu là kẻ tòng phạm nhưng bị giặc ức hiếp phải theo chẳng có chức tước gì thì con không được đi thi nhưng cháu trở xuống đều được đi thi.

Dưới thời phong kiến, phụ nữ bị cấm không được dự thi. Chính vì lý do này nên xuyên suốt thời kỳ phong kiến, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 tiến sĩ nữ là Nguyễn Thị Duệ. Bà đã cải trang thành nam giới và đi thi đỗ vào thời nhà Mạc.

Lời bàn:

Trong lịch sử khoa bảng nước ta, các hành vi vi phạm quy chế thi cử hay gian lận đều bị xử rất nặng. Thí sinh có thể bị gông cổ, đánh trượng, bỏ tù nếu phạm trường quy. Còn quan lại gian lận trong thi cử thì có thể bị bắt làm nô lệ, đi đày, bỏ tù cho đến bị thắt cổ chết. Thế nhưng nạn gian lận trong thi cử vẫn cứ xảy ra. Và cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại câu thành ngữ trong dân gian: “Sinh đồ ba quan” - nhằm chỉ các cống sĩ tuy chữ nghĩa thì ù ù cạc cạc, văn dốt vũ dát..., mà vẫn có tên trong bảng vàng. Đó là kết quả của tệ nạn gian dối trong thi cử.

Ngày nay, với một số người, thi cử chỉ là một phương tiện để vào trường đại học, cao đẳng, nhờ đó xin được việc, kiếm được tiền. Với một số phụ huynh, con em đỗ đạt là để “mát mặt” mẹ cha, để vinh thân phì gia. Thậm chí với một số “quan chức”, những kỳ thi còn là cơ hội kiếm tiền béo bở. Thế cho nên, cái sự thi cử thời nay mới xảy ra nạn gian lận, đút lót và ngay cả những người thầy có gần 30 năm trong nghề, nhưng vì tiền họ sẵn sàng đổi trắng thay đen mà chẳng thấy hổ thẹn lương tâm. Cụ thể như vụ sửa điểm thi ở Hà Giang, Sơn La vừa qua. Nếu vụ việc không bị phát hiện thì 6 năm nữa, những thí sinh đáng lẽ rớt tốt nghiệp, nhưng lại trở thành bác sĩ thì quả thật là tai họa cho xã hội. Vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã quá rõ, nhưng đến nay người đứng đầu ngành giáo dục của nước nhà vẫn chưa có được lời xin lỗi trước quốc dân, thật đáng buồn.

ND

  • Từ khóa
110073

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu