Thứ 6, 29/03/2024 17:49:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:30, 25/01/2017 GMT+7

Trường THCS Phước Tín vượt khó “trồng người”

Thứ 4, 25/01/2017 | 07:30:00 2,106 lượt xem
BP - Hơn 20 năm thành lập, xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy - trò Trường THCS Phước Tín (Phước Long) đã vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội là tiền đề quan trọng giúp trường hoàn thành sự nghiệp “trồng người”.

VƯỢT KHÓ, TỪNG BƯỚC TRƯỞNG THÀNH

Thành lập năm 1993 và đi vào hoạt động trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bởi cả trường chỉ có 6 phòng học cấp 4 tạm bợ; dụng cụ học tập thiếu thốn, làm gián đoạn quá trình giảng dạy... Trong khi vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho giáo dục của Phước Long còn hạn chế; nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn không đóng góp các khoản phí. Ngoài thiếu cơ sở vật chất, trường chỉ có 14 cán bộ, giáo viên, trong đó 10 người có khả năng đứng lớp. Để hoàn thành kế hoạch giảng dạy đã đề ra, giáo viên phải luân phiên đứng lớp, một người dạy nhiều môn. Học sinh ở Phước Tín phần đông có hoàn cảnh khó khăn, ngoài giờ học trên lớp, các em còn phụ giúp gia đình việc nhà nên không chú tâm học tập, dẫn đến thiếu nhiều kiến thức nền. Nhiều em lại bị thu hút vào các trò chơi điện tử nên trốn tiết, bỏ bê việc học. Do đó, tỷ lệ học sinh ở lại lớp hằng năm cao, số học sinh giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại các đợt kiểm định chất lượng giáo dục do Sở GD-ĐT tổ chức, trường luôn thuộc cấp độ I (chất lượng thấp nhất).

Cô giáo truyền tải kiến thức về hình học cho học sinh của trường

Để khắc phục khó khăn, Ban giám hiệu đã vận động phụ huynh chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, mua sắm dụng cụ học tập cơ bản giúp con em có điều kiện học tốt hơn. Năm 2011, trường chuyển đến địa điểm mới với cơ sở hạ tầng khang trang, được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 17.000m2, đầy đủ dụng cụ học tập từ vốn chương trình nông thôn mới và ngân sách thị xã. Tuy nhiên, do địa điểm mới không đáp ứng đủ nhu cầu cho 523 học sinh học tập nên trường đưa khối 6 về học tại cơ sở cũ. Hiệu trưởng Đặng Văn Vàn cho biết: Dù còn khó khăn nhưng nhờ huy động xã hội hóa, trường đã có thêm điều kiện đưa hoạt động dạy và học đi vào chiều sâu. Hiện trường không còn cảnh học sinh ngồi chen chúc trong phòng học do thiếu bàn ghế mà thay vào đó là lớp học, sân chơi và bãi tập khang trang. Giáo viên cũng không còn phải dạy “chia ca, thêm giờ, dạy trái khối”.

Là giáo viên dạy môn Ngữ văn với 26 năm đứng trên bục giảng và trực tiếp chứng kiến quá trình “thay da đổi thịt” của trường, cô Nguyễn Thị Minh (51 tuổi) cho biết: “So với ngày đầu mới thành lập, trường đã đổi thay hoàn toàn. Giáo viên có điều kiện chăm lo, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh tốt hơn. Tôi được bổ sung nhiều giáo cụ trực quan hữu ích, nhất là tranh ảnh thực tế để dạy các bài đặc thù, giúp học sinh hiểu và nâng cao nhận thức”.

ĐÀO TẠO CÓ CHIỀU SÂU

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, những năm qua, trường luôn tạo mọi điều kiện cho giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài sinh hoạt chuyên môn, trường còn tổ chức hội thảo, sinh hoạt định kỳ hằng tháng với nội dung trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới kiểm tra đánh giá, dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng hướng đến học sinh; đẩy mạnh phong trào thi đua viết sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đưa các thiết bị hiện đại như máy vi tính, máy chiếu phục vụ giảng dạy. Đến nay, toàn trường có 43 giáo viên đứng lớp, trong đó 23 người có trình độ đại học, 12 người được công nhận giáo viên giỏi cấp trường.

Năm học 2015-2016, trường có 24 học sinh giỏi cấp thị xã, 16 học sinh giỏi cấp tỉnh, 56% học sinh có học lực khá, giỏi và 96% có hạnh kiểm khá, tốt. Em Mã Hoàng Khôi Nguyên, học sinh lớp 9/1 nói: “Được tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới, hấp dẫn cùng nhiều giáo cụ hiện đại đã giúp em hiểu bài, hứng thú với việc học hơn”.

“Thời gian tới, trường tiếp tục tập trung các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm lập danh sách học sinh yếu, kém để bồi dưỡng thêm kiến thức, đồng thời vận động học sinh khá, giỏi giúp đỡ theo mô hình “Đôi bạn cùng tiến”. Ban giám hiệu tiếp tục kêu gọi, vận động các nguồn vốn để hoàn thiện nhà hiệu bộ, phòng chức năng, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học” - thầy Vàn cho hay.

Thế Tường

  • Từ khóa
86538

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu