Thứ 6, 29/03/2024 16:01:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 13:14, 15/11/2019 GMT+7

Trường phổ thông DTNT THCS Điểu Ong nâng chất

Thứ 6, 15/11/2019 | 13:14:00 807 lượt xem
BP - Trường phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) THCS Điểu Ong thành lập năm 1991, với mục đích đào tạo nguồn cán bộ cho huyện Bù Đăng. Vì vậy, ngoài học tập, các em còn được rèn luyện thể chất, duy trì nền nếp, kỷ luật chặt chẽ bởi những giáo viên tâm huyết, yêu nghề.

Thầy Phạm Thành Đô, Phó hiệu trưởng trường cho biết: Tất cả học sinh đều phải sinh hoạt tập trung tại trường dưới sự quản lý của thầy, cô giáo. Mỗi tháng, các em chỉ về thăm nhà một lần, trừ trường hợp gia đình có việc đột xuất. Do đó, trường đã xây dựng nội quy, quy định chặt chẽ về nếp sống, tác phong sinh hoạt thường ngày cho học sinh. Những thói quen như ăn, ngủ, học bài không đúng giờ, để đồ đạc lộn xộn, quên tắt điện hay khóa nước, vứt rác không đúng nơi quy định... đều bị nhắc nhở nhằm tạo cho các em có thói quen tốt, lối sống lành mạnh”.

Theo đó, đúng 5 giờ 30 phút hằng ngày, học sinh tập trung tại sân trường tập thể dục buổi sáng với những động tác đơn giản, giúp các em tăng cường sức khỏe, chuẩn bị cho một ngày học tập mới. Tiết học đầu tiên bắt đầu lúc 7 giờ. Mỗi sáng thứ 2, các em tham gia chào cờ đầu tuần. Học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong lễ chào cờ. Theo quy định dành riêng cho trường nội trú, các em học văn hóa 2 buổi trong ngày. Sau bữa cơm tối, học sinh có mặt ở phòng học lúc 19 giờ và ôn bài dưới sự giám sát của quản sinh. Với học sinh Trường phổ thông DTNT THCS Điểu Ong, ngoài giờ lên lớp các em còn được thầy, cô phụ trách hướng dẫn tham gia các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn... theo sở thích và năng khiếu của học sinh. Cùng với đó là tham gia các trò chơi dân gian hay học nghề dệt thổ cẩm.

Học sinh Trường phổ thông DTNT THCS Điểu Ong biểu diễn văn nghệ và dệt thổ cẩm

Để cải thiện bữa ăn cho các em, trường tham mưu UBND huyện hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng nấm bào ngư. Hằng ngày, giáo viên và học sinh thay nhau chăm sóc. Em Điểu Thị Hương, dân tộc S’tiêng, học sinh lớp 8A chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm, động viên của các thầy, cô giáo, ngoài được hướng dẫn học tập, chúng em còn có những bữa ăn chất lượng, tham gia văn nghệ, chơi thể thao và làm quen với nhiều bạn bè”. Còn em Thị Giàu, dân tộc Mơnông, lớp 9B cho biết: “Ở trường, chúng em không chỉ được học văn hóa mà còn học nghề dệt thổ cẩm. Nhiều bạn đã dệt thành thạo những tấm thổ cẩm với hoa văn đơn giản. Điều đó càng làm chúng em thích thú và đam mê với nghề truyền thống của dân tộc mình”.

“Trường phổ thông DTNT THCS Điểu Ong có 45 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 8 lớp với 276 học sinh. Trường có diện tích 10.500m2, bình quân 39m2/học sinh. Trường hiện có 52 phòng, gồm 11 phòng học, 30 phòng ở cho học sinh, 4 phòng tập thể giáo viên, khu hiệu bộ, nhà bếp và một số phòng chức năng khác. Tất cả phòng được khai thác sử dụng hiệu quả, phục vụ công tác dạy - học và các hoạt động ngoài giờ lên lớp của các em”.

Thầy Phạm Thành Đô, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT THCS Điểu Ong

Thầy Phạm Thành Đô chia sẻ thêm: Trường là nơi đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số nên chất lượng đầu vào của học sinh còn thấp, các em thụ động trong giao tiếp; số đông chưa hứng thú với việc học tập. Mặt khác, học sinh thuộc nhiều dân tộc, với phong tục tập quán khác nhau nên công tác quản lý và giảng dạy gặp không ít khó khăn. Vì vậy, trường luôn đề cao vai trò của thầy, cô giáo và chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Hằng năm, trường tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên trẻ tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên đạt trên chuẩn; trường có nhiều giáo viên giỏi các cấp.

Song song đó, ngay từ đầu năm học, trường tổ chức tuyên truyền rộng rãi để nâng cao chất lượng đầu vào. Đặc thù của trường là ngày học 3 buổi, trong đó buổi sáng và chiều chính khóa, còn buổi tối các em tự học trên lớp dưới sự giám sát, quản lý của giáo viên và quản sinh. Vì vậy, ngoài giờ học chính khóa, giáo viên được phân công tăng cường kiểm tra hoạt động tự học của các em và hướng dẫn học tập theo nhóm. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng giáo dục của trường ngày một nâng cao. Năm học 2018-2019, trường có 276 học sinh, trong đó 41 em học lực giỏi, 134 em loại khá, 99 em trung bình, 2 em xếp loại yếu; 5 học sinh giỏi cấp tỉnh, 12 học sinh giỏi cấp huyện; tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%. Cùng với những thành tích về học tập, các hoạt động bề nổi của trường đạt nhiều kết quả cao như: giải nhất đồng đội nữ thanh niên; giải nhì đồng đội nữ thiếu niên; giải ba đồng đội nam thanh niên và nhiều giải cá nhân ở các giải việt dã chào mừng ngày tái lập huyện, ngày giải phóng Bù Đăng...

Trường được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm học 2014-2015. Năm học 2015-2016, trường là đơn vị đầu tiên của huyện Bù Đăng được Sở GD-ĐT công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ III. Năm học 2018-2019, tập thể trường được UBND tỉnh tặng bằng khen. Hiện nay, trường đang trong quá trình chuẩn bị để nâng cấp thành Trường phổ thông DTNT THCS-THPT nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn.

Xuân Túc

  • Từ khóa
89116

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu