Thứ 7, 20/04/2024 18:55:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:25, 09/06/2015 GMT+7

Những chuyện ngỡ ngàng

Thứ 3, 09/06/2015 | 14:25:00 302 lượt xem

BP - Những ngày qua, thông tin về kỳ sát hạch tuyển dụng công chức năm 2015 của TP. Hà Nội được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. 63 thí sinh thuộc diện đặc cách, là những thủ khoa đại học trong nước, tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài nên không phải thi tuyển công chức mà chỉ qua sát hạch bằng hình thức viết bài và phỏng vấn trực tiếp. Nhưng điều không ngờ là có tới 30 người không đạt yêu cầu, trong số đó 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài.

Từ kết quả sát hạch năm nay, dư luận bắt đầu “xâu chuỗi” những điều bất thường trong công tác tuyển dụng của TP. Hà Nội. Năm 2013 có 9 thủ khoa bị trượt kỳ sát hạch tuyển dụng công chức. Năm 2014 có 10 người diện “bằng đỉnh” trượt công chức. Đặc biệt, trong năm 2014 có 14 thủ khoa dù đã vượt qua kỳ sát hạch vẫn không được tuyển dụng. Câu hỏi đặt ra là tại sao những thủ khoa, những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi lại không “lọt mắt” các nhà tuyển dụng của TP. Hà Nội? Và tại sao số sinh viên giỏi bị loại ngày càng tăng? Phải chăng chất lượng đào tạo của các trường đại học trong và ngoài nước đang đi xuống nên không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng?

Những người trong cuộc - những sinh viên giỏi bị loại đương nhiên là có nhiều nỗi niềm bức xúc. Bởi trong số họ, có người đã từ chối những cơ hội việc làm với mức lương khá cao ở nước ngoài hoặc công ty nước ngoài tại Việt Nam để đầu quân vào cơ quan nhà nước. Họ muốn được đóng góp một phần công sức để xây dựng nền hành chính nhà nước. Thế nhưng, cách tuyển dụng cũng như ứng xử của những người làm công tác tham mưu tuyển dụng của TP. Hà Nội đã khiến họ thất vọng. Từ sự việc trên, cũng có người nhìn nhận vấn đề theo hướng khác. Họ cho rằng, giáo dục trong nước chỉ thiên về kiến thức chứ ít quan tâm đến dạy kỹ năng. Giỏi chuyên môn là một chuyện, còn kỹ năng về hành chính - công vụ lại là chuyện khác. Bởi thế, chuyện sinh viên giỏi bị loại cũng là chuyện bình thường.

Nhưng có một thực tế không riêng gì TP. Hà Nội mà ngay ở Bình Phước cũng gặp, đó là việc tuyển công chức đôi khi đòi hỏi các ứng viên những kiến thức không đúng chuyên môn được đào tạo và cũng không cần thiết. Ví dụ tuyển giáo viên thì chỉ nên thi dạy thế nào, xử lý các tình huống trong lớp học ra sao. Nếu kiểm tra kiến thức luật thì cũng chỉ nên hỏi đến Luật giáo dục chứ không nên hỏi những thứ xa xôi. Thế nhưng đề thi tuyển giáo viên thời gian qua lại toàn nội dung liên quan đến thủ tục hành chính. Như vậy, giáo viên khó mà bộc lộ được khả năng chuyên môn để chinh phục nhà tuyển dụng.

Mỗi năm, cả nước có hàng trăm thủ khoa ra trường, nhưng chỉ rất ít người vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Bởi môi trường nhà nước có rất ít yếu tố thu hút người có năng lực. Đó là chưa nói nơi này nơi khác còn có sự kìm kẹp, áp chế, chế độ đãi ngộ gần như không có hoặc chỉ mang tính tượng trưng. Trong khi đó, những người giỏi thường nhạy cảm, tự trọng cao, lại luôn được các công ty ngoài nhà nước mời gọi. Nếu khả năng của họ không được nhà nước đón nhận thì họ sẽ ra bên ngoài, nơi năng lực thực sự được trân trọng.

Còn nhớ năm 2014, một thạc sĩ ngành giáo dục từ nước ngoài về dạy tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, từng tham gia các cuộc thi khoa học quốc tế, từng dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi trường “Am” và giành nhiều giải cao lại trượt kỳ thi tuyển vào biên chế. Anh này sau đó được mời về làm phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông FPT. Điều đó cho thấy sự linh hoạt của các đơn vị ngoài nhà nước trong công tác mời gọi nhân tài.

Những bất cập trong tuyển dụng của các cơ quan nhà nước ở Hà Nội không còn là chuyện hiếm. Thế nhưng nó vẫn khiến người ta ngỡ ngàng hỏi: Bao giờ, ở đâu người tài năng mới được trọng thị?!

Linh Tâm

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu