Thứ 3, 19/03/2024 13:04:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 16:49, 07/04/2014 GMT+7

Trước mùa tuyển sinh

Thứ 2, 07/04/2014 | 16:49:00 105 lượt xem

Một mùa tuyển sinh nữa lại đang tới. Trong khi các em học sinh lớp mười hai đang chuẩn bị những cuốn lưu bút để sướt mướt với nhau trước ngày ra trường thì các bậc phụ huynh lại đang đau đầu với việc định hướng và chọn trường cho con em khi kết thúc quãng đường phổ thông.

Không đau đầu sao được khi lời cảnh báo 10 năm trước của một nghị sỹ Quốc hội về tình trạng dư thừa nguồn nhân lực, nay đã được cụ thể hóa bằng thống kê chính thức của Bộ Lao động - thương binh và xã hội và Tổng cục Thống kê: trong quý IV-2013, cả nước có khoảng 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ. Và theo số liệu của Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, trong năm 2014 sẽ có khá nhiều nhóm nghề chuyên môn bậc cao trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật rất khó tuyển dụng, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần tới gần 30.000 lao động.

Chưa hết, hiện nay không ít người đã tốt nghiệp đại học, cử nhân, thậm chí có trình độ thạc sĩ đã phải đăng ký học một ngành với trình độ trung cấp để có cơ hội tìm kiếm việc làm. Và ngành du lịch, ẩm thực đang rất hút đối với các học viên này. Tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2009 đến 2012, mỗi năm có khoảng 2.000 sinh viên tốt nghiệp không thể kiếm được việc làm hoặc làm những công việc trái ngành, thấp hơn ngành nghề được đào tạo. Riêng ngành sư phạm, trong năm 2012 đã có 1.400 cử nhân sư phạm không tìm được việc làm tại các trường công lập sau đợt tuyển dụng giáo viên. Để tìm được việc làm đúng với chuyên môn đào tạo, trước hết, những sinh viên tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ này cần phải sống đã. Và học một nghề trung cấp là sự lựa chọn thức thời của họ!

Có ý kiến cho rằng, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa cử nhân, thạc sĩ thì quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó, các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Lại có người cho rằng, do ngành giáo dục đã quá dễ dãi trong việc thành lập tràn lan các trường đại học, cao đẳng. Chỉ từ năm 2006 đến 2010, cả nước đã có thêm 64 trường đại học và cao đẳng, trong khi các trường hiện có vẫn thiếu giảng viên có trình độ trên đại học. Hiện nay, cả nước chỉ còn một vài tỉnh lẻ chưa thành lập trường đại học. Riêng Bình Phước, đề án nâng cấp trường Cao đẳng sư phạm Bình Phước thành trường Đại học Bình Phước cũng đã được thông qua hồi tháng 10 năm 2013. Có người nói đây là tin vui đối với tỉnh, cũng có người nói chỉ là chạy theo phong trào, bởi đào tạo tràn lan, không tính đến điều kiện cần và đủ và không gắn với sử dụng nhân lực thì sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý xã hội và gây tốn kém, lãng phí lớn thời gian, tiền của và công sức. Và trong thực tế, đã có một vài tỉnh thành công khai không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp tại các trường dân lập. Vẫn biết đây là việc làm trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng rõ ràng không thể làm như không biết gì về chất lượng đào tạo quá thấp tại các trường đại học dân lập, đại học thuộc tỉnh!

LT 

  • Từ khóa
108361

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu