Thứ 3, 16/04/2024 18:15:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:41, 18/03/2011 GMT+7

6 nhiệm vụ cơ bản của Mặt trận trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016

Thứ 6, 18/03/2011 | 14:41:00 1,716 lượt xem

(Phó chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh, Ủy viên Ủy ban Bầu cử tỉnh Đinh Văn Tiếng trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Bình Phước)

PV: Thưa ông, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 có ý nghĩa chính trị to lớn ở nước ta, trong đó Mặt trận các cấp có vị trí, vai trò rất quan trọng. Xin ông cho biết những nội dung chính mà Mặt trận phải thực hiện?

Ông Đinh Văn Tiếng: Nhằm thực hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về công tác chuẩn bị và tiến tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, MTTQVN các cấp trong tỉnh đã và đang tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ cơ bản như sau: Một là, tham gia với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp để thành lập Ủy ban Bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử. Hai là, tổ chức thực hiện các bước của quy trình hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử và các văn bản liên tịch liên quan. Ba là, tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, ấp, tổ dân phố để lấy ý kiến nhận xét của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cư trú thường xuyên tại địa phương. Bốn là, phối hợp với chính quyền tổ chức hội nghị cử tri để những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND gặp gỡ, tiếp xúc cử tri thực hiện quyền vận động bầu cử. Năm là, thực hiện chức năng giám sát và vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức thực hiện cuộc bầu cử nhằm bảo đảm thực hiện dân chủ và đúng luật. Sáu là, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về cuộc bầu cử nhằm tạo nên không khí ngày bầu cử là ngày hội của toàn dân.

PV: Tiến trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử ở tỉnh ta đến nay đã cơ bản bảo đảm theo quy định. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã được tiến hành với số lượng ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh dự kiến là 123 của 61 cơ quan, tổ chức, đơn vị... Xin ông cho biết: Căn cứ vào đâu để chúng ta có 2 con số này?

Ông Đinh Văn Tiếng: Căn cứ theo sự thống nhất giữa Thường trực HĐND - UBND và Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh; Thường trực HĐND đã công bố và có văn bản gởi đến Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu HĐND tỉnh được bầu trong nhiệm kỳ 2011-2016. Đồng thời căn cứ hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN và quy trình hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh theo Luật Bầu cử đại biểu HĐND; để bảo đảm tỷ lệ người ứng cử HĐND (kể cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) có đủ số dư theo quy định của pháp luật về bầu cử thì ngay tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ban Thường trực UBMTTQ các cấp tổ chức hiệp thương bầu cử đại biểu HĐND cần dự kiến phân bổ, giới thiệu người ứng cử phải nhiều hơn ít nhất gấp hai lần trở lên so với số lượng đại biểu được bầu, để lựa chọn dần đến Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, ở mỗi đơn vị bầu cử phải bảo đảm có số dư ít nhất là hai ứng cử viên, để chuyển danh sách đó sang Ủy ban Bầu cử cùng cấp.

Từ quy định này, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban MTTQVN tỉnh, căn cứ số lượng đại biểu được bầu của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 63 đại biểu, đã tiến hành hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu HĐND do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử là: 123 người và dự kiến người tự ứng cử từ 2 đến 3 người, để bảo đảm quy định nêu trên.

PV: Những người tự ứng cử đại biểu HĐND (kể cả 3 cấp) phải làm những thủ tục gì? Đến nay đã có ai tự ứng cử chưa?

Ông Đinh Văn Tiếng: Theo Luật Bầu cử đại biểu HĐND hiện hành quy định mọi công dân Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật bầu cử muốn ứng cử đại biểu HĐND thì liên hệ với Ủy ban Bầu cử của cấp mình dự kiến ứng cử để nhận hồ sơ, bao gồm: Đơn xin ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt, bảng kê khai tài sản, thu nhập cá nhân. Sau đó sẽ thực hiện các nội dung theo hướng dẫn của Thường trực Ủy ban Bầu cử cấp đó và nộp hồ sơ tại cơ quan Thường trực Ủy ban Bầu cử cùng cấp.

Hiện nay, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh chưa có thông tin về người tự ứng cử ở 3 cấp, vì còn trong thời gian cho phép theo quy định và Thường trực Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND của tỉnh chưa có thông báo cho Ban Thường trực MTTQVN tỉnh về những người tự ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016.

PV: Trong thời gian từ nay đến ngày 22-5-2011 (ngày bầu cử), Mặt trận các cấp sẽ làm gì để cử tri hiểu biết kỹ về ứng cử viên mà lựa chọn trong lá phiếu của mình?

Ông Đinh Văn Tiếng: Từ nay đến ngày bầu cử, MTTQVN các cấp còn rất nhiều việc phải làm, trong đó phải tập trung thực hiện tốt 6 nội dung của công tác MTTQVN tham gia cuộc bầu cử và một số nội dung trọng tâm khác. Theo đó, tiếp tục thực hiện các bước của quy trình hiệp thương. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện bước hai, sẽ tiếp tục thực hiện 3 bước còn lại. MTTQ phối hợp với Thường trực HĐND - UBND thực hiện chức năng giám sát theo kế hoạch chung của Ủy ban Bầu cử cùng cấp. Tổ chức và phối hợp với chính quyền tuyên truyền về cuộc bầu cử, tổ chức các hội nghị cử tri và tạo điều kiện cho các ứng cử viên gặp gỡ tiếp xúc cử tri để thực hiện quyền vận động theo quy định của pháp luật. Phối hợp với chính quyền từng cấp, nhất là ở xã, phường, thị trấn để vận động cử tri thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình nhằm bảo đảm cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, thực sự dân chủ và đúng pháp luật.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiến Bình (thực hiện)

  • Từ khóa
4916

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu