Thứ 7, 20/04/2024 04:06:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:10, 23/12/2015 GMT+7

Chung tay chăm sóc người cao tuổi

Thứ 4, 23/12/2015 | 13:10:00 219 lượt xem

BP - Tháng 12-2015 là Tháng hành động quốc gia về dân số với thông điệp: “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”, đồng thời đây cũng là chủ đề kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26-12). Sở dĩ ngành dân số chọn chủ đề này bởi lẽ vấn đề “già hóa dân số” đến quá nhanh và đã hiện hữu ở nước ta!

Theo kết quả điều tra, tuổi thọ bình quân đầu người ở Việt Nam vào năm 2010 đạt 73 tuổi. Năm 2014, cả nước có 9,4 triệu người cao tuổi, chiếm 10,5% tổng số dân và số người có tuổi thọ cao càng tăng nhanh. Đây chính là thành tựu đáng tự hào về sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm qua. Sau cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Tổng cục Thống kê đã dự báo vào năm 2017, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số, tức là tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 7%. Nhưng chỉ sau 2 năm (năm 2011), tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam (trên 65 tuổi) đã đạt 7%, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 10%. Nghĩa là dự báo trước đó đã trở nên lạc hậu, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tỉnh Bình Phước được coi là địa phương đang thời kỳ “dân số vàng” nhưng người cao tuổi trên địa bàn tỉnh cũng đã chiếm trên 6% số dân (trên 55 ngàn người).

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, điều đáng quan tâm là chỉ có 4,8% người cao tuổi có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% yếu và rất yếu. Trong đó, có hơn 26% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm nào, trên 51% người cao tuổi không đủ tiền chi trả cho việc điều trị bệnh. Trong khi đó, xu hướng mô hình gia đình ở Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Việc phải sống một mình là điều bất lợi đối với người cao tuổi, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất rất quan trọng đối với người cao tuổi.

Số người cao tuổi tăng nhanh đang đặt ra những thách thức lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội của nước ta. Già hóa dân số sẽ làm cấu trúc gia đình thay đổi. Già hóa dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và trợ cấp lương hưu. Già hóa dân số sẽ kéo theo những thách thức về kinh tế - xã hội. Dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn... Tất cả những hệ lụy đó nếu không được giải quyết sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước.

Già hóa dân số không phải là một gánh nặng nhưng nó sẽ làm cho kinh tế - xã hội trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có những chiến lược và chính sách thích ứng. “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi” không chỉ là khẩu hiệu mà phải bằng các giải pháp thiết thực. Theo lãnh đạo ngành dân số, để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp lớn, đó là chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách về bảo hiểm cần được xây dựng, sửa đổi cho phù hợp với việc dân số ngày càng già đi. Phải làm sao để người già không bị lãng quên, đồng thời khuyến khích sự đóng góp của cộng đồng, xã hội. Tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về người cao tuổi, đặc biệt là quy định chăm sóc sức khỏe, miễn giảm một số loại phí cho người cao tuổi; sửa Luật Người cao tuổi để điều chỉnh đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội. “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi” là để người già được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản của đời sống, bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí bệnh tật; hướng tới “già hóa” thành công và khỏe mạnh.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu