Thứ 4, 24/04/2024 22:44:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:44, 05/03/2017 GMT+7

SỰ KIỆN VÀ BÌNH LUẬN

Trực tiếp, đối thoại - xu thế chủ đạo và hiệu quả

Chủ nhật, 05/03/2017 | 07:44:00 110 lượt xem
BP - Thời gian gần đây, ở nhiều tỉnh, thành có phong trào “cà phê với doanh nhân”. Người đầu tiên đề ra sáng kiến này là Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Ngay trong khuôn viên văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp có kê mấy cái ghế đá và bảng chữ “Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp”. Khách đến quán là những chủ doanh nghiệp được ông chủ tịch tỉnh mời cà phê và được “tố” khổ.

Từ những câu chuyện bên tách cà phê buổi sáng ngay tại quán, đã có rất nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ kịp thời. Và cũng không ít chính sách không còn phù hợp đã được sửa đổi, bổ sung từ góp ý của doanh nghiệp. Điều mà ai cũng thấy rõ là khi bước ra khỏi quán cà phê này, doanh nghiệp được tạo thuận lợi để làm ăn và phát triển. Còn ông chủ tịch tỉnh thì rất hài lòng khi giúp doanh nghiệp trút được gánh nặng “xin - cho”.

Câu chuyện “cà phê doanh nhân - doanh nghiệp” ở Đồng Tháp đã truyền đến tai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chính Thủ tướng đã hai lần đề nghị các tỉnh học tập lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp dành thời gian gặp gỡ, trực tiếp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Không dừng lại ở đó, đầu tháng 8-2016, Thủ tướng đã chỉ đạo lập một website của Chính phủ, giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp cùng các chuyên gia và các tổ công tác tiếp thu, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp tới Chính phủ. Và ngày 1-10-2016, website doanhnghiep.chinhphu.vn đã đi vào hoạt động. Như vậy, Thủ tướng cũng đã có một “quán cà phê doanh nhân” của mình trên mạng. Với sự điều hành mới mẻ, hiệu quả này của người đứng đầu và bộ máy Chính phủ, hẳn mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp sẽ không chỉ là con số ảo.

Bình Phước hiện chưa có “quán cà phê doanh nhân - doanh nghiệp”, nhưng ngay từ khi triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến hoạt động đối thoại và giải pháp tích cực để nắm bắt thông tin không chỉ đối với doanh nghiệp mà đối với mọi người dân, trên mọi lĩnh vực. Cùng với thiết lập đường dây nóng, công khai số điện thoại của Bí thư Tỉnh ủy, hàng loạt cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp do các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì đã được thực hiện. Gần đây nhất là ngày 22-2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo một số sở, ngành, huyện, thị và chủ đầu tư để xem xét tình hình thực hiện các dự án: BOT đường Đồng Phú - Bình Dương và BT đường Trần Hưng Đạo nối dài. Đây là hai dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh, đang có những khó khăn, vướng mắc trong thi công. Tại cuộc gặp, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đã cam kết “UBND tỉnh sẽ đồng hành với nhà đầu tư giải quyết khó khăn tại hai dự án trọng điểm này”.

Tiếp đó, ngày 28-2, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền ký ban hành Công văn số 1126-CV/TU của Tỉnh ủy về việc tổ chức gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đầu tư trên địa bàn; thực hiện nghị quyết năm 2017 của Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất định kỳ hằng tháng tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, xu thế đối thoại, trực tiếp đã trở thành xu thế chủ đạo và đang mang lại hiệu quả rõ rệt trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của lãnh đạo các cấp, trong đó có Bình Phước. Người lãnh đạo hôm nay không còn có thể ngồi trong phòng lạnh, chỉ đạo qua giấy tờ mà phải “lăn” vào cuộc sống, trực tiếp cảm nhận, trực tiếp giải quyết những bức xúc phát sinh từ hiện thực.

Linh Tâm

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu