Thứ 3, 23/04/2024 22:40:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 07:22, 21/09/2013 GMT+7

Trong trường hợp đặc biệt Quốc hội có thể quyết định họp kín

Thứ 7, 21/09/2013 | 07:22:00 2,133 lượt xem

* Khoản 2, Điều 85 (sửa đổi, bổ sung Điều 98) viết: “Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản”. Theo tôi, quy định như vậy là đúng nhưng cách diễn đạt còn chưa thật rõ ràng. Tôi đề nghị bổ sung cụm từ “trực tiếp” vào trước cụm từ “trước Quốc hội”, bổ sung từ “của” vào trước cụm từ “Ủy ban Thường vụ Quốc hội”; bỏ cụm từ “trong trường hợp cần thiết” thay bằng “nếu người bị chất vấn có lý do chính đáng thì”, bổ sung từ “hoặc” vào giữa cụm từ “Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội” đồng thời bỏ dấu “phẩy”, bổ sung cụm từ “có thể xem xét” vào trước “cho trả lời bằng văn bản”. Trên thực tế, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thường diễn ra theo hai hình thức trực tiếp và gián tiếp. Nếu người bị chất vấn trả lời ngay tại hội trường trong kỳ họp của Quốc hội hoặc phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trả lời trực tiếp; còn trả lời bằng văn bản là trả lời gián tiếp. Việc sử dụng cụm từ “trong trường hợp cần thiết” ở đây là chưa hợp lý vì người bị chất vấn đôi khi xin “khất” các câu hỏi của đại biểu để trả lời văn bản bằng cách đưa ra các lý do. Nếu Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thấy lý do của người bị chất vấn đưa ra là chính đáng thì cho trả lời bằng văn bản. Từ đó, tôi đề xuất sửa lại Khoản 2, Điều 85 như sau: “Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; nếu người bị chất vấn có lý do chính đáng thì Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể xem xét cho trả lời bằng văn bản”.  

* Điều 86 (sửa đổi, bổ sung Điều 99) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết: “Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội; nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”. Tôi xin góp ý việc sử dụng từ ngữ và cách diễn đạt. Trong tiếng Việt, chúng ta thường dùng các cặp mệnh đề: nếu... thì...; tuy... nhưng; không những... mà còn... Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung từ “nếu” vào trước cụm từ “không có sự đồng ý”, bỏ cụm từ “và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của”, bổ sung từ “hoặc” vào trước cụm từ “Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, bổ sung cụm từ “trong thời gian Quốc hội không họp”, bỏ cụm từ “lập tức” và bổ sung từ “ngay” vào trước cụm từ “để Quốc hội” để tăng tính nhấn mạnh. Như vậy, Điều 86 sẽ được sửa lại như sau: “Nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội; nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải báo cáo ngay để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”.

* Điều 88 (sửa đổi, bổ sung Điều 86) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết: “Quốc hội họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín (Khoản 1). Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội (Khoản 2)”. Tôi cơ bản đồng ý với những nội dung này. Tuy vậy, tôi đề xuất nên bỏ cụm từ “cần thiết” và thay bằng cụm từ “đặc biệt” để nhấn mạnh tầm quan trọng khi Quốc hội tổ chức họp kín; bổ sung từ “nếu” và bỏ cụm từ “theo đề nghị của”, bỏ dấu “,” đồng thời bổ sung cụm từ “đề nghị thì” và cụm từ “có thể” vào trước và sau cụm từ “Quốc hội” tại Khoản 1. Thay cụm từ “yêu cầu” bằng cụm từ “đề nghị”, bổ sung cụm từ “có thể” vào trước cụm từ “họp bất thường” tại Khoản 2. Như vậy, Điều 88 sẽ được viết lại như sau: “Quốc hội họp công khai. Trong trường hợp đặc biệt nếu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị thì Quốc hội có thể quyết định họp kín (Khoản 1). Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị thì Quốc hội có thể họp bất thường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội (Khoản 2)”.

* Khoản 1 Điều 90 (sửa đổi, bổ sung Điều 88, Điều 93) viết: “Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp Hiến pháp quy định phải có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành”. Tôi đề nghị thay cụm từ “quá nửa” bằng “ít nhất một phần hai” cho lôgíc với cách diễn đạt “một phần ba, hai phần ba” tại các điều, khoản khác trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thay cụm từ “trừ trường hợp” bằng từ “riêng”, bỏ cụm từ “quy định”, thay từ “có” bằng từ “được”, thay cụm từ “quá nửa” bằng cụm từ “ít nhất một phần hai” trước cụm từ “tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Theo hướng đề xuất này, Khoản 1, Điều 90 sẽ được sửa lại như sau: “Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được ít nhất một phần hai tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, riêng Hiến pháp phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được ít nhất một phần hai tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành”.

Chính Trực (TX. Bình Long)

  • Từ khóa
108258

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu