Thứ 7, 20/04/2024 15:23:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 17:00, 29/08/2015 GMT+7

Trồng cỏ nuôi bò - tại sao không?

Thứ 7, 29/08/2015 | 17:00:00 2,805 lượt xem
BP - Huyện Hớn Quản hiện có tổng đàn trâu, bò 4.022 con, trong đó trâu, bò chủ yếu chăn thả tự nhiên. Phát triển chăn nuôi trong bối cảnh diện tích đồng cỏ tự nhiên ngày càng bị thu hẹp thì trồng cỏ để chủ động thức ăn là giải pháp hữu hiệu.

Lợi ích từ trồng cỏ nuôi bò

Dọc những con đường vào ấp 1, 2, 3, xã Tân Khai, nếu để ý sẽ thấy hầu như nhà nào cũng có một đám cỏ xanh tốt. Đó là cỏ được trồng để chăn nuôi bò.

Anh Nguyễn Thành Long ở tổ 8, ấp 1, xã Tân Khai đã trồng cỏ nuôi bò hơn 10 năm. Lúc cao điểm gia đình nuôi 7 con bò (4 con cái). Để chủ động thức ăn cho đàn bò, anh đã trồng hơn 2 sào cỏ giống BA06 vào những chỗ trống trong vườn. Theo anh Long, khi nuôi từ 2 con bò trở lên nên nghĩ đến việc trồng cỏ. Bởi nuôi bò bán giống hoặc bò thịt đều phải tính đến lợi nhuận. Khi bò được cho ăn đầy đủ sẽ phát triển nhanh, chất lượng thịt tốt hơn chăn thả tự nhiên. Hơn nữa, những giống cỏ trồng hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều so với cỏ tự nhiên. Một cặp bò anh nuôi khoảng hơn 1 năm cho lãi 40 triệu đồng.

Chủ động thức ăn xanh cho bò giúp gia đình anh Nguyễn Thành Long thu lãi cao

Trồng cỏ còn tránh được những rủi ro đáng tiếc như bò ăn phải cỏ bị phun thuốc trừ sâu. Nếu không may bị như vậy, nhẹ thì bò đau bụng, tiêu chảy vài ngày, nặng thì nông dân mất vốn. Hộ chị Trần Thị Lý ở ấp 1, xã Tân Khai vừa mua 10 con bò được hơn 1 tháng. Do không chủ động nguồn thức ăn nên phải chăn dắt khắp nơi. Vài ngày trước, một con trong đàn ăn phải cỏ xịt thuốc trừ sâu nên đau bụng, tiêu chảy. Nghĩ không thể tiếp tục mạo hiểm, gia đình chị Lý đã trồng 1 ha cỏ voi, cỏ sả ở xã Tân Hiệp.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Hon ở tổ 8, ấp 1 tuy đã bán bớt 2 con bò nhưng diện tích cỏ trồng vẫn còn nguyên 2 sào dành nuôi 2 bò mẹ và 1 bò con. Sở dĩ ông giữ lại số cỏ này vì gia đình neo người, không thể cắt cỏ tự nhiên và cũng là để dành cho mùa khô. Với 3 con bò, 2 sào cỏ mới đáp ứng đủ nhu cầu trong mùa khô. Trước đây, ông đã vài lần bán cỏ giống cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh. Theo ông, trồng cỏ để bán cũng là hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp giúp nông dân thoát nghèo.

Chủ động trồng cỏ để chăn nuôi bền vững

Đầu năm 2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Hớn Quản triển khai mô hình trồng cỏ nuôi bò cho 2 hộ dân trên địa bàn xã Tân Khai theo hình thức đối ứng, quy mô 2 sào/hộ. Tham gia mô hình, các hộ chịu 50% kinh phí và bỏ công chăm sóc; trung tâm hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón, lắp đặt hệ thống ống tưới. Giống cỏ được chọn triển khai là BA06.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tính đến tháng 7-2015, trên địa bàn tỉnh có 13.131 con trâu (giảm 6,41% so với cùng kỳ năm trước); 26.359 con bò (giảm 11,23%) và không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc. Nguyên nhân đàn trâu, bò giảm so với cùng kỳ là do đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp, nguồn thức ăn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu sức kéo giảm nên người dân ít chăn nuôi.

Hộ anh Nguyễn Văn Hùng ở ấp 3, xã Tân Khai là một trong 2 hộ thực hiện mô hình cho biết: “Lúc cao điểm tôi nuôi khoảng 6 con bò vỗ béo. 2 sào cỏ cơ bản đáp ứng nhu cầu thức ăn xanh cho đàn bò. Nuôi khoảng 8 tháng, khi bán tôi lãi khoảng 30 triệu đồng/cặp. Hiện tôi còn 7 sào đất có thể trồng cỏ”.

Một hộ chuyên cung cấp giống cỏ nuôi bò trên địa bàn xã Tân Khai cho biết, hiện số lượng người mua giống cỏ chưa nhiều. Để đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi bò, người nuôi cần tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là trồng các loại cỏ cao sản để chủ động nguồn thức ăn xanh cho bò, như vậy mới giữ được đàn bò.

Trạm Khuyến nông huyện đã tham mưu UBND huyện Hớn Quản thực hiện điểm trình diễn nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có mô hình trồng cỏ và chế biến thức ăn gia súc nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn và đã được UBND huyện thuận chủ trương. Hiện trạm đang thực hiện các bước tiếp theo để xúc tiến triển khai.

Do quá trình đô thị hóa, diện tích đồng cỏ tự nhiên ngày càng bị thu hẹp. Vì vậy, nếu không bắt tay vào việc trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn xanh, ngành chăn nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước nguy cơ thiếu bền vững trong phát triển. Vì vậy, để hướng đến chăn nuôi bền vững, hiện đại người dân cần thay đổi tư duy.

H.Cúc - T.Mai

  • Từ khóa
39564

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu