Thứ 6, 29/03/2024 18:02:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:15, 18/01/2017 GMT+7

Trong bản tự kiểm điểm cần chỉ rõ những biểu hiện suy thoái

Thứ 4, 18/01/2017 | 15:15:00 15,726 lượt xem

BP - Là một người cộng sản chân chính, mỗi đảng viên phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc “tự soi mình”, đối diện với khuyết điểm của mình, đồng thời thẳng thắn, chân thành góp ý cho đồng chí, cho tổ chức đảng mà mình đang sinh hoạt để không ngừng hoàn thiện. Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc tự nhận khuyết điểm và lắng nghe góp ý đối với đảng viên này rất nghiêm túc và nhẹ nhõm, nhưng với một số đảng viên khác thì lại như một “gánh nặng ngàn cân”. Đây có phải là một biểu hiện suy thoái?

Ngày 30-10-2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW (Nghị quyết số 04-NQ/TW Trung ương 4 khóa XII). Nghị quyết số 04-NQ/TW Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 27 biểu hiện nêu trong Nghị quyết số 04-NQ/TW có những vấn đề rất khái quát, mang tầm vĩ mô, ví dụ như “Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, đồng thời có những biểu hiện được nêu rất cụ thể, chi tiết, như “...né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”, hay “...nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác...”.

Ngày 18-11-2016, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Công văn số 1825-CV/BTCTW về việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2016 và nội dung sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, về kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2016, ngoài việc thực hiện theo Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 25-9-2014 của Ban Tổ chức Trung ương, kiểm điểm kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần phải bổ sung một số nội dung sau: Trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình cần chú trọng nhận diện và xác định rõ những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Trung ương đã chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên “soi mình” tự phê bình và đấu tranh phê bình. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành đồng thời ở các cấp; cấp trên và người đứng đầu phải gương mẫu, tự giác kiểm điểm để cấp dưới học tập, làm theo; ở từng cấp phải xác định trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo, làm đến đâu chắc đến đó, nói ít làm nhiều; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Kết hợp kiểm điểm tự phê bình và phê bình với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm...  Đối với cá nhân, đối chiếu với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình; đồng thời, phê bình cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên tinh thần thẳng thắn, đoàn kết, xây dựng. Sau kiểm điểm cá nhân tiếp thu, hoàn chỉnh bản tự kiểm điểm, xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm và báo cáo cấp có thẩm quyền... Công văn số 1825-CV/BTCTW cũng hướng dẫn kiểm điểm trong từng trường hợp cụ thể cũng như việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên.

Nghị quyết số 04-NQ/TW và Công văn số 1825-CV/BTCTW đã nêu và hướng dẫn rất cụ thể, tỉ mỉ, rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện việc kiểm điểm năm 2016, có không ít đảng viên vẫn giữ “nếp cũ”. Trong bản tự kiểm điểm vẫn chủ yếu là “báo cáo thành tích”, nêu những ưu điểm của bản thân. Trong khi đó, phần khuyết điểm thì sơ sài, chỉ nhận những khuyết điểm mang tính hình thức và nhỏ nhặt, ví dụ như “ít tham gia dọn vệ sinh cơ quan”, “ít tham gia hoạt động phong trào của đơn vị”, “ít quan tâm đến tổ chức đoàn thanh niên”... Có trường hợp còn nêu đủ lý do để biện hộ cho những khuyết điểm ấy. Đặc biệt, có một điều dường như ai cũng thấy mà hiếm có người lên tiếng, đó là cho dù bản tự kiểm điểm của mình như thế nào đi nữa, phần ưu, khuyết điểm có nêu bao nhiêu cũng đều dẫn tới một kết quả. Đó là hầu hết đảng viên tự xếp loại bản thân “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Hiếm có đảng viên nào “dũng cảm” tự nhận thấy năm vừa qua mình chỉ “hoàn thành nhiệm vụ” và kết quả bỏ phiếu xếp loại cũng rất ít đảng viên bị xếp loại “hoàn thành nhiệm vụ” (về vấn đề này, xin được phân tích cụ thể trong một bài viết khác)... Tất cả những điều này diễn ra trước mắt mọi đảng viên trong chi bộ. Và mỗi đảng viên hiểu rõ đồng chí trong chi bộ của mình hơn ai hết. Thế nhưng, bên cạnh việc tự kiểm điểm theo hướng “tốt khoe xấu che”, đáng buồn là trước đồng chí của mình có nhiều khuyết điểm hoặc có khuyết điểm cần sửa chữa, có đảng viên lên tiếng một cách yếu ớt, có đảng viên không lên tiếng... Thậm chí có đảng viên không nói trong cuộc họp nhưng lại nói ở quán cà phê, trong tiệc nhậu... Lại có đảng viên trong cuộc họp không nói gì, không góp ý kiến nào, nhưng về nhà lại âm thầm nhấp chuột tố cáo nặc danh gửi tới các cơ quan chức năng nhằm hạ thấp uy tín đồng chí của mình.

Xin được trích dẫn nguyên văn biểu hiện thứ 5 trong nhóm biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết số 04-NQ/TW đã chỉ ra: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.

Mong rằng, mỗi đảng viên hãy đọc kỹ và suy ngẫm trích dẫn này để thấy bản thân mình có biểu hiện suy thoái hay không, suy thoái ở mức độ nào và cần phải khắc phục ra sao trong thời gian tới.

Trần Phương

  • Từ khóa
2565

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu