Thứ 6, 19/04/2024 06:23:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:06, 29/07/2016 GMT+7

Trĩu nặng đôi vai học trò

Thứ 6, 29/07/2016 | 09:06:00 166 lượt xem

BP - Vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia, tưởng đã đến lúc được thở phào nhẹ nhõm nhưng cô cháu họ của tôi vẫn ngày đêm phập phồng lo sợ. Cháu lo không đủ điểm để vào trường đại học theo nguyện vọng 1 (mà cái nguyện vọng này cũng là của cha mẹ cháu) nên phải cố tìm chọn một trường để nếu rớt nguyện vọng 1 thì sẽ chắc chắn vào được trường nguyện vọng 2. Cháu chỉ quan tâm có thể vào được trường nào mà không màng đến những chuyên ngành đào tạo của ngôi trường ấy có phù hợp với mình hay không. Thành ra sách vở đã xếp gọn vào giá nhưng suốt ngày cháu vẫn chúi đầu vào máy vi tính để tìm kiếm, để thở dài. Mẹ cháu nói có đêm đang ngủ, nó bật dậy quáng quàng vơ sách vở nhồi vào cặp rồi đi như mộng du ra cửa, va đầu đánh rầm vào cánh cửa mới tỉnh giấc. Lại có đêm nó ú ớ quẫy đạp trên giường. Đang tuổi ăn tuổi lớn mà mắt thâm quầng, mặt đầy mụn trông đến tội. Thấy cháu xuống sức quá, tôi bảo dì thu xếp nghỉ phép rồi đưa con bé đi du lịch cho khuây khỏa. Cứ ở nhà chúi mũi vào máy tính thế rồi có ngày mắc bệnh tâm thần. Mẹ cháu bảo đang lúc nước sôi lửa bỏng thế này, đi làm sao được. Không nguyện vọng 1 thì nguyện vọng 2, bằng mọi giá nó phải vào đại học!

Đây không biết lần thứ bao nhiêu cô em họ lặp lại điệp khúc “vào đại học bằng mọi giá” đối với con. Khổ thân con bé, do bị áp lực quá mức nên suốt ngày cắm đầu vào học. Nhiều hôm cha mẹ nó cãi nhau om sòm vì mỗi người muốn nó vào một trường, còn nó thì cứ cắm đầu giải Toán, Lý, Hóa, cứ như chuyện học trường này hay trường kia chẳng liên quan gì đến nó vậy. Lắm hôm nó học đến 2, 3 giờ sáng, ngủ thì mơ màng và giật mình thon thót. Do tinh thần không thoải mái, ít ngủ và ngủ không sâu nên 18 tuổi mà trông nó lòng khòng thiếu sức sống, mắt cận lồi ra, da xanh mái và mặt đầy mụn bọc. Nhiều lần đến chơi, thấy bộ dạng con bé thế, tôi bảo mẹ cháu phải xem sức học của con thế nào. Nếu lực học của nó chỉ trung bình mà khoác vào cổ nó “nghĩa vụ” phải vào đại học thì làm sao nó gánh nổi? Mẹ nó trợn mắt lên, bảo phải cố thôi. Em chẳng bắt nó làm gì, chỉ ăn và học. Nó học không phải chỉ cho nó mà còn cho gia đình, dòng họ và cả xóm giềng nữa!

 Đến lượt tôi trợn mắt, hỏi ủa sao một đứa trẻ lại phải học cho gia đình, dòng họ và cho xóm giềng thì cô em họ trả lời bằng một câu hỏi ngược, bộ chị không thấy ngày xưa các sĩ tử dùi mài kinh sử, đi thi và đỗ đạt là để về làng vinh quy bái tổ à! Cả họ, cả làng theo dõi, nó mà thi rớt là cả gia đình em nhục! Em tính rồi, sức khỏe kém như nó phải vào đại học ngành tài chính - ngân hàng. Ra trường làm văn phòng máy lạnh cho sướng tấm thân. Nó mà rớt năm nay thì em sẽ cho ôn thi lại. Dù 1 năm hay 5 năm, 10 năm cũng phải thi, phải đậu!

Có lẽ câu chuyện kể trên không chỉ xảy ra trong gia đình cô em họ tôi. Chỉ còn hơn tháng nữa là năm học mới lại bắt đầu. Cả xã hội lại chộn rộn, nháo nhác với chuyện thi đầu vào, bất kể mầm non hay đại học, không chỉ là trường công mà phải “chạy” vào trường chuyên, lớp chọn. Từ cấp khai tâm như mầm non cho đến cấp trưởng thành như đại học, nhìn đâu cũng thấy đầy những chuyện tréo ngoe. Áp lực từ chương trình giáo khoa nặng nề cộng với quán tính chỉ tiêu, thi đua trong toàn hệ thống giáo dục đang đè nặng lên người học từng giờ, từng ngày. Tình trạng trẻ buộc phải biết chữ trước khi vào lớp 1; chuyện dạy thêm, học thêm, bệnh thành tích, “đổi mới” trong mỗi lần thi tốt nghiệp THPT... Gần đây, một số trường đại học top đầu, trong đó có Đại học Kinh tế quốc dân tuyên bố tăng học phí. Rồi chuyện lạm thu trong các trường mầm non và trường phổ thông khiến các bậc phụ huynh luôn phải “tự nguyện đóng góp trong ấm ức”... trở thành những vấn đề giải quyết mãi không xong. Bệnh thành tích trong ngành giáo dục lan sang các bậc phụ huynh, ra toàn xã hội tạo nên tâm lý cho con cái phải học hành giỏi giang, đạt thành tích cao để làm rạng danh cha mẹ, họ hàng. Bởi thế, học sinh hôm nay đến trường, bên cạnh chiếc cặp quá tải còn trĩu nặng nỗi lo làm hài lòng người lớn.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
86083

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu