Thứ 7, 20/04/2024 08:27:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:47, 19/09/2018 GMT+7

Trịnh - Nguyễn phân tranh

Thứ 4, 19/09/2018 | 09:47:00 26,956 lượt xem
BP - Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra triều Mạc, võ tướng Nguyễn Kim nổi lên chống lại. Năm 1545, Nguyễn Kim bị hạ sát, con rể là Trịnh Kiểm thay cha vợ nắm giữ binh quyền. Sau đó, Trịnh Kiểm đầu độc chết con trai trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông. Con thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng lo sợ nên xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa - Quảng Nam.

Năm 1593, con Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng triệu Nguyễn Hoàng ra Bắc hội quân cùng đánh nhà Mạc. Nguyễn Hoàng mang quân ra Bắc được 8 năm thì trốn về Nam. Trịnh Tùng cho người vào triệu về nhưng Nguyễn Hoàng tìm cách khước từ. Năm 1613, Nguyễn Hoàng chết, con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay. 10 năm sau, Trịnh Tráng lấy cớ chúa Sãi không triều cống nên viết thư trách tội, khơi mào cuộc chiến Trịnh - Nguyễn kéo dài 159 năm.

Tháng 3-1627, Trịnh Tráng đem 20 vạn quân chia làm 2 cánh thủy, bộ tiến vào cửa biển Nhật Lệ, chúa Sãi đưa quân nghênh chiến. Quân Trịnh ào ạt tấn công nhưng không chọc thủng được tuyến phòng thủ của quân nhà Nguyễn nên phải rút lui. Năm 1633, Trịnh Tráng Nam tiến lần thứ 2 nhưng bị quân Nguyễn đánh úp phải rút về Bắc. Năm 1643, quân Trịnh tiến vào Nam, nhưng buộc phải rút lui. Sau đó, chúa Trịnh nhờ 3 tàu chiến của Hà Lan đánh vào cửa Thuận An nhưng bị quân Nguyễn đánh bại. Đầu năm 1648, chúa Trịnh khởi binh Nam chinh lần thứ 4 bằng 2 ngả thủy, bộ nhưng không vượt qua được lũy Trường Dục và bị quân Nguyễn đánh đuổi chạy về bờ bắc sông Gianh. Năm 1655, chúa Nguyễn mang đại quân vượt sông Gianh tấn công ra Bắc, chiếm 7 huyện của tỉnh Nghệ An. Đầu năm 1656, quân Trịnh đánh bại quân Nguyễn tại sông Lam, nhưng đến tháng 8-1660, chúa Nguyễn đại thắng tại mặt trận này. Tháng 9 cùng năm, chúa Trịnh huy động toàn lực vượt sông Lam tấn công quân Nguyễn và chiếm lại 7 huyện ở Nghệ An trong tháng 11-1660. Sau đó 2 bên tạm thời đình chiến. Năm 1672, chúa Trịnh lại cử binh Nam tiến lần nữa nhưng đánh mãi không thắng đành rút về cố thủ vùng Bắc Bố Chính. Như vậy, từ tháng 3-1627, hai bên đã có 46 năm chiến đấu liên miên, trong đó 7 lần do chúa Trịnh phát động. Cuộc chiến kéo dài khiến cả 2 bên Trịnh - Nguyễn rơi vào tình trạng kiệt quệ về sức người, sức của nên phải chấp nhận đình chiến, lấy sông Gianh làm ranh giới chia nước ta thành đàng Trong và đàng Ngoài. Sau khi đình chiến, chúa Trịnh tập trung tiêu diệt nhà Mạc ở Cao Bằng vào năm 1677. Còn chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ về phía Nam và chấn hưng kinh tế, củng cố quốc phòng... Đến năm 1774, chúa Trịnh tấn công về phía Nam đánh chiếm được kinh đô Phú Xuân, chúa Nguyễn phải chạy vào Quảng Nam. Tháng 4-1775, quân Trịnh vượt đèo Hải Vân đánh vào Quảng Nam. Đến năm 1786, cả 2 tập đoàn phong kiến này bị nhà Tây Sơn tiêu diệt.

Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, cuộc chiến Trịnh - Nguyễn là vì lợi ích của các tập đoàn phong kiến gây hao tổn người và của, triệt phá ruộng đồng, làng mạc, chia cắt lãnh thổ, kìm hãm sự phát triển của đất nước ta về mọi mặt.

T.Phong
(Trích các sự kiện nổi bật trên thế giới)

  • Từ khóa
23121

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu