Thứ 6, 19/04/2024 02:59:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 19:20, 09/01/2019 GMT+7

Bộ GD-ĐT triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ 4, 09/01/2019 | 19:20:00 361 lượt xem
BPO - Chiều 9-1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM).

Giáo sư, tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Bình Phước, Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở GD-ĐT dự hội nghị cùng đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; các phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố, các trường học trực thuộc Sở GD-ĐT và các trường học trên địa bàn TP. Đồng Xoài.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình cho biết: Điểm khác biệt đáng kể của CTGDPTM so với chương trình hiện hành là quá trình 12 năm học được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản bao gồm cấp tiểu học (5 năm), cấp THCS (4 năm); giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, tương ứng với cấp THPT (3 năm). Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tất cả học sinh đều học nội dung giáo dục về cơ bản giống nhau. Ở giai đoạn giáo dục sau THCS, học sinh được phân luồng và lựa chọn môn học theo sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước

Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Đồng thời, thiết kế một số môn học (tin học và công nghệ; tin học; công nghệ; giáo dục thể chất; hoạt động trải nghiệm; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) theo chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.

Một điểm mới đáng chú ý của CTGDPTM, đó là tăng thêm thời lượng các môn học giáo dục thể chất và thẩm mỹ. Bên cạnh đó, ở cấp THPT, học sinh còn được học giáo dục quốc phòng và an ninh, một môn học có tác dụng hỗ trợ giáo dục thể chất.

Lộ trình áp dụng CTGDPTM bắt đầu từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Đây là đợt đổi mới lớn theo tinh thần của Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng và Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn băn khoăn, lo lắng đề nghị được Bộ GD-ĐT hỗ trợ, như khi dạy tích hợp liên môn thì làm thế nào để giáo viên không thừa, không thiếu; đầu tư trang thiết bị dạy học như thể nào để tránh lãng phí…

V.T

  • Từ khóa
88381

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu