Thứ 4, 17/04/2024 05:07:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:15, 08/04/2015 GMT+7

Bù đốp: 3 vấn đề lớn còn “lỗi hẹn” người dân

Thứ 4, 08/04/2015 | 06:15:00 1,334 lượt xem

(Trả lời phỏng vấn của đồng chí Hà Anh Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp)

BP - PV: Là địa bàn vùng sâu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo cao và tới 6/7 xã biên giới, vậy trong công tác chuẩn bị Đại hội đảng các cấp, Bù Đốp sẽ phải quan tâm nhiều đến vấn đề gì, thưa đồng chí?

Với đặc thù là huyện biên giới, cửa ngõ phía bắc của tỉnh, 18,3% đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo 13,8% và có tới 6/7 xã biên giới nên công tác chuẩn bị đại hội đảng được thực hiện với tinh thần chủ động, nghiêm túc, đúng quy trình. Từ tháng 11-2014, Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng chuyên mục hướng về đại hội đảng các cấp phát trên hệ thống phát thanh của huyện; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo. Ban Thường vụ huyện ủy đã chỉ đạo Tiểu ban bảo vệ và tổ chức phục vụ tại đại hội xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau đại hội; chỉ đạo nắm chắc an ninh biên giới, an ninh nội địa; tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị vũ trang thuộc 2 huyện Sanoul và Keosima để nắm tình hình, chủ động với các tình huống có thể xảy ra. Trong quá trình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Bù Đốp luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Trên địa bàn huyện có Trung đoàn 717 là đơn vị vũ trang làm kinh tế, có Đại đội bộ binh 10 luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an ninh biên giới, nội địa. Huyện ủy cũng đã chỉ đạo tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tập trung cả hệ thống chính trị để tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp.

PV: Trước đây, Bù Đốp từng được áp dụng mô hình tăng cường sĩ quan biên phòng về tham gia công tác đảng, chính quyền tại các xã biên giới. Đồng chí cho biết hiệu quả của mô hình này? Nhiệm kỳ tới, vấn đề nhân sự cho cấp cơ sở có gặp khó khăn gì, thưa đồng chí?

Nhiệm kỳ 2010-2015, huyện Bù Đốp được tăng cường 4 sĩ quan biên phòng về công tác tại 4 xã biên giới, 3 đồng chí được phân công nhiệm vụ là thư ký đảng ủy xã, 1 đồng chí công tác tại Ban chỉ huy quân sự xã. Qua gần một nhiệm kỳ, các đồng chí được tăng cường đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của công tác đảng, chính quyền và nhiệm vụ sĩ quan biên phòng. Tuy nhiên, do số lượng, cơ cấu các chức danh cấp ủy xã hạn chế, không thể bố trí các đồng chí được tăng cường vào những chức danh chủ chốt nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của cán bộ tăng cường.

Thăm trang trại của cựu chiến binh, nông dân sản xuất giỏi Trần Ngọc Khanh ở xã Tân Thành (Bù Đốp)

Với đặc thù là huyện biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo chiếm tỷ lệ cao và xác định nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ tới rất quan trọng nên Ban Thường vụ huyện ủy đã đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục bố trí sĩ quan biên phòng về công tác tại 6 xã biên giới của huyện. Huyện ủy đã xin chủ trương của Tỉnh ủy về việc cho tăng thêm số lượng cấp ủy viên của đảng ủy các xã biên giới để cơ cấu, bố trí các sĩ quan biên phòng tăng cường. Huyện dự kiến cơ cấu lực lượng này vào chức danh phó bí thư đảng ủy phụ trách công tác cơ sở hoặc phó chủ tịch UBND phụ trách công tác nội chính để các đồng chí này phát huy năng lực, sở trường. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xét, chọn và gửi danh sách các sĩ quan biên phòng tăng cường để huyện căn cứ làm quy trình công tác cán bộ.

PV: Là địa bàn biên giới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, qua mỗi kỳ đại hội đảng, các tầng lớp nhân dân rất kỳ vọng một sự đổi thay theo chiều hướng tích cực. Nhiệm kỳ 2010-2015 sắp qua, đồng chí thấy những vấn đề gì mà Ban chấp hành, Ban Thường vụ huyện ủy còn “nợ” người dân và phương án giải quyết những “món nợ” ấy như thế nào?

Với cương vị là người đứng đầu của huyện, tôi rất trăn trở khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn và càng trăn trở hơn khi gần đến cuối nhiệm kỳ mà còn một số chỉ tiêu nghị quyết chưa hoàn thành, tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Tính đến hết quý 1/2015, Ban Chấp hành đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Bù Đốp nhận thấy có 3 vấn đề lớn còn “nợ” nhân dân:

Một là, công trình thủy lợi sau Cần Đơn do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Đây là công trình trọng điểm phục vụ nước tưới cho nhân dân. Qua gần 7 năm thi công nhưng công trình vẫn còn nhiều điểm chưa kết nối, trong khi có đến 95% diện tích đất ruộng không thể sản xuất trong mùa khô. Huyện đang tiếp tục có ý kiến với chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công và trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Bù Đốp tiếp tục có những giải pháp cụ thể để thực hiện, trước mắt là phải hoàn thành công trình thủy lợi sau Cần Đơn. Sau đó sẽ tập trung vào hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống mương nhánh để phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.

Hai là, việc cấp đất an sinh xã hội. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Vấn đề này liên quan đến dự án kinh tế quốc phòng của Trung đoàn 717 thuộc Binh đoàn 16. Trong quá trình thực hiện dự án chưa chú trọng đến an sinh xã hội, thu hồi đất của dân nhưng quy trình, thủ tục thực hiện thiếu chặt chẽ dẫn đến khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Việc này UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo giải quyết nhưng vẫn chưa thực hiện do chưa bố trí được quỹ đất. Hiện mới cấp được 24 ha cho 60 hộ, nhu cầu trước mắt là 101 ha, cấp cho 84 hộ. Nếu không giải quyết kịp thời trong năm 2015 thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo đại hội của huyện sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ba là, vấn đề kết cấu hạ tầng. Qua hơn 10 năm thành lập, phải thẳng thắn nhìn nhận là quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng tại khu trung tâm hành chính huyện và hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, chưa có chiều sâu. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, huyện đã ban hành chương trình đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông trên địa bàn huyện còn thấp, đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm. Số trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp (3 trường đạt ở mức độ 1); Trường THCS Thanh Bình chưa đạt chuẩn theo nghị quyết. Cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn còn hạn chế, nhất là các tiêu chí trong thực hiện nông thôn mới.

Trước thực trạng trên, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực, khai thác tối đa lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều kiện sẵn có của huyện, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các dự án xã hội hóa, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, y tế, thương mại, xây dựng nông thôn mới (phấn đấu 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới); nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!                   

Linh Tâm (thực hiện)

  • Từ khóa
12857

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu