Thứ 5, 28/03/2024 15:56:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:51, 25/05/2018 GMT+7

Tránh tình trạng “việc đã rồi”

Thứ 6, 25/05/2018 | 14:51:00 156 lượt xem
BP - Tại buổi gặp gỡ, trò chuyện của Thủ tướng Chính phủ với công nhân khu vực đồng bằng sông Hồng tại tỉnh Hà Nam sáng 20-5, sau khi nghe công nhân Phạm Thị Nga (Thái Bình) nghẹn ngào kể về việc chủ doanh nghiệp người nước ngoài nợ lương, nợ bảo hiểm và đã bỏ trốn, ngay lập tức Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xác minh, có biện pháp đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thủ tướng cũng nhắc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải xem xét kỹ năng lực tài chính của doanh nghiệp khi chọn đối tác.

Nhắc nhở của người đứng đầu Chính phủ không chỉ là lời cảnh tỉnh mà còn đòi hỏi cấp bách đối với các cấp và ngành chức năng phải tích cực, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ khi thẩm định năng lực tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất cho nền kinh tế đất nước và đời sống của người lao động.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hiện cả nước có hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) làm ăn thua lỗ, phá sản và chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước. Hầu hết các doanh nghiệp này nợ lương, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động trong một thời gian dài nên khi chấm dứt hoạt động, người lao động không được thanh toán bảo hiểm xã hội, không có thu nhập trong thời gian tìm việc khác và hơn thế nữa là đã làm xấu môi trường đầu tư của Việt Nam. Hệ lụy mà các doanh nghiệp FDI bỏ trốn không chỉ là những khoản nợ thuế, nợ ngân hàng, bảo hiểm và lương công nhân lên đến hàng trăm tỷ đồng mà còn ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, nhất là việc bố trí, sắp xếp lại công việc cho hàng ngàn lao động bị thất nghiệp.

Bình Phước cũng không nằm ngoài tình hình nói trên. Cụ thể là Công ty TNHH Sang Hun (100% vốn FDI), chuyên sản xuất quần áo may sẵn trong Khu công nghiệp Đồng Xoài I ngừng hoạt động từ ngày 22-9-2017, nhưng không thông báo cho công nhân và các cơ quan chức năng theo quy định. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này đã về nước và tắt điện thoại nên không thể liên lạc. Đến thời điểm khởi kiện (19-11-2017), công ty còn nợ lương 108 công nhân với tổng hơn 1 tỷ 463 triệu đồng; hơn 3 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; nợ ngân hàng, nợ xây dựng nhà xưởng, tiền cung cấp suất ăn công nghiệp, tiền thuê đất, bảo vệ và cơ sở hạ tầng gần 15 tỷ đồng.

Để việc thu hút đầu tư đi vào thực chất và giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp FDI bất ngờ bỏ trốn, các cấp và ngành chức năng cần sớm có chính sách, chế tài cụ thể để kiểm soát doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI. Trong đó, ưu tiên giải pháp thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư thông qua việc chấp hành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Bởi doanh nghiệp có tiềm năng, năng lực sẽ sản xuất - kinh doanh hiệu quả và nộp thuế đầy đủ, còn ngược lại phải đưa ra biện pháp đề phòng, ngăn chặn khi doanh nghiệp có dấu hiệu sản xuất - kinh doanh không hiệu quả, chậm nộp thuế, nợ thuế. Các ngành chức năng cần liên kết với nhau, thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp báo cáo UBND tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu bất thường để kiểm soát, hạn chế chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Mặt khác, khi xem xét đầu tư, phải chú trọng chất lượng hơn số lượng. Trọng tâm là xem xét kỹ về công nghệ, năng lực, nhu cầu sử dụng sản phẩm trên thị trường... của dự án trước khi cấp phép chứ không nên cấp phép ồ ạt, tránh phải xử lý hậu quả khi “việc đã rồi”.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu