Thứ 6, 19/04/2024 02:25:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 10:26, 07/01/2014 GMT+7

Ngày đầu xét xử siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như:

Tranh cãi về trách nhiệm của VietinBank

Thứ 3, 07/01/2014 | 10:26:00 4,208 lượt xem

Sáng 6-1, hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử công khai 23 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như chủ mưu.


Cách thức chiếm đoạt tiền ngân hàng và doanh nghiệp của Huỳnh Thị Huyền Như

Đến tòa bằng áo đỏ, tóc cắt ngắn, được các cảnh sát tư pháp che chắn rất kỹ càng trước ống kính máy ảnh của phóng viên, cái tên Huỳnh Thị Huyền Như không chỉ “nóng” trên sàn chứng khoán vài năm trước mà còn nóng ngay trong phiên xét xử đầu tiên.

VietinBank từng bị khởi kiện ra tòa dân sự

Ngay trong phần làm thủ tục phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank, đơn vị thiệt hại 200 tỉ đồng), cho rằng ngân hàng này mới chỉ nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử trong những ngày gần đây chứ không hề nhận được kết luận điều tra vụ án. Bởi vậy, Nam Việt không kịp chuẩn bị để tham dự phiên tòa nên luật sư yêu cầu HĐXX hoãn phiên tòa. Ngoài ra, luật sư này còn đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của Ngân hàng TMCP Công thương VN (VietinBank) trong vụ việc này cũng như tư cách của Nam Việt trong vụ án, bởi: “Nam Việt không làm đơn khởi kiện các bị cáo trong vụ án này ra tòa mà Nam Việt xác định tiền của Nam Việt bị mất sau khi gửi vào VietinBank thì VietinBank phải có trách nhiệm đối với số tiền bị mất của Nam Việt”. Đây cũng là nội dung kiến nghị của nhiều nguyên đơn dân sự và bị hại trong vụ án này được gửi đến HĐXX.


Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như sau phiên tòa sáng 6-1

Luật sư Lưu Xuân Tám, đại diện cho bốn luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), yêu cầu HĐXX triệu tập thêm hàng loạt lãnh đạo của ACB và VietinBank, trong đó VietinBank là ông Phạm Huy Hùng (chủ tịch HĐQT VietinBank), ông Nguyễn Văn Thắng (tổng giám đốc) và kế toán trưởng của ngân hàng. Luật sư này cho rằng đây là những người phải có trách nhiệm với vụ việc.

Lý do luật sư Tám nêu ra: “Bởi 19 cá nhân gửi tiền ký 32 hợp đồng với VietinBank có số tiền là hơn 700 tỉ đồng. Sau khi chuyển tiền cho VietinBank thì quyền chiếm hữu và sử dụng đã thuộc VietinBank. Do vậy, khi Huyền Như chiếm đoạt tiền thì VietinBank chính là nguyên đơn dân sự của vụ việc”. Hai là, trước đây ACB mất tiền nên đã khởi kiện VietinBank ra tòa tại các tòa án huyện Nhà Bè, quận 3 và hai tòa án này đã thụ lý. Tại vụ khởi kiện này, ACB đã xác định VietinBank chính là bị đơn dân sự.

Ngoài ra, luật sư Tám cũng đề nghị triệu tập thêm các ông bà giám đốc, phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè và TP.HCM bởi đây là những người ký trực tiếp 19 hợp đồng với các nhân viên của ACB. “Hiện nay 19 cá nhân của ACB đã được tòa mời với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Do vậy, phía ký hợp đồng từ VietinBank cũng cần phải đến tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan” - luật sư Tám đề nghị.

Ngoài ra, luật sư Tám cũng cho rằng vụ mất tiền của ACB có liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB), ông Trần Xuân Giá (nguyên chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB) và Lê Vũ Kỳ (nguyên phó chủ tịch ACB). Bởi vậy, đề nghị HĐXX cần phải triệu tập các cá nhân trên đến tòa để xác định trách nhiệm bồi thường hoặc không bồi thường của các cá nhân trên.

Ngay sau kiến nghị của luật sư Tám, luật sư Nguyễn Thị Bắc, bảo vệ quyền lợi cho VietinBank, “đáp trả” khẳng định VietinBank chỉ là đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Đồng thời, luật sư này cũng cho rằng không cần thiết phải triệu tập lãnh đạo VietinBank, bởi đại diện VietinBank đã có mặt tại tòa.

Ông Nguyễn Đức Sáu, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, liền lên tiếng: “Đây mới chỉ là phần thủ tục khai mạc, chưa bắt đầu mà đã giống như tranh luận rồi”. Thẩm phán chủ tọa cho rằng chưa phải là phần xét hỏi và diễn biến của phiên tòa, nên các luật sư chỉ có thể nêu việc có hoãn phiên tòa không và triệu tập những ai, còn mọi lập luận liên quan đến hành vi, xác định trách nhiệm thế nào thì để đến phiên tranh luận.

Sẽ xem xét các kiến nghị của luật sư

Trả lời cho kiến nghị hoãn phiên tòa của Navibank, đại diện VKS đã công bố biên bản làm việc diễn ra giữa điều tra viên và đại diện Navibank tại trụ sở của Navibank. Tại biên bản này, đại diện Navibank xác nhận “còn 200 tỉ đồng gửi tại VietinBank đã quá hạn tất toán nhưng chưa được VietinBank tất toán bởi lý do Huỳnh Thị Huyền Như dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt”. Văn bản này cũng xác định số tiền chênh lệch do Navibank nhận từ Huyền Như là do Huyền Như phạm tội mà có. “Như vậy, ngay trong quá trình điều tra, Navibank đã được biết về hành vi của bị cáo Huyền Như. Bởi vậy, việc Navibank cho rằng không biết gì là không có cơ sở” - đại diện VKS nói.

Sau những kiến nghị của các luật sư, ý kiến của VKS, HĐXX đã tuyên bố tiếp tục phiên tòa và trong quá trình xét xử sẽ xem xét có triệu tập các cá nhân như kiến nghị của các luật sư hay không.

Kết thúc ngày xét xử đầu tiên, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố cáo trạng và cáo trạng bổ sung vào tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đối với hai bị hại là bà Lê Thị Kim Tuyến (quận 3, TP.HCM) và ông Phạm Anh Huấn (quận 1 TP.HCM).

Hôm nay 7-1, phiên tòa sẽ tiếp tục.

Chiêu thức chiếm đoạt tiền

Theo cáo trạng, lợi dụng là cán bộ của VietinBank và uy tín của ngân hàng này, Huỳnh Thị Huyền Như đã huy động vốn từ các ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân với mức lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng cao. Sau đó, Như làm giả các hợp đồng ủy thác đầu tư vốn, hợp đồng tiền gửi rồi đề nghị các cá nhân, doanh nghiệp có tiền gửi tiền vào VietinBank thông qua tài khoản do Như chỉ định. Sau đó Như rút tiền ra để trả lãi tín dụng đen mà Như đã vay để đầu tư bất động sản và tiêu xài cá nhân trước đó.

Cách thứ hai mà siêu lừa này thực hiện là lợi dụng việc muốn gửi tiền vào VietinBank của các doanh nghiệp, Như gặp gỡ và yêu cầu họ làm hồ sơ mở tài khoản tại VietinBank. Sau đó, Huyền Như làm giả hồ sơ, con dấu, chữ ký, lệnh chi của các doanh nghiệp này để rút hết tiền hoặc giữ thẻ tiết kiệm của họ để thế chấp vay tại chính VietinBank dưới tên người khác. Tổng số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt của 9 doanh nghiệp, 3 ngân hàng, 3 cá nhân là 4.000 tỉ đồng.

Huỳnh Thị Huyền Như sinh ngày 15-1-1978 tại Tiền Giang, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Trước khi bị bắt là phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương VN chi nhánh TP.HCM.

Vốn chỉ là một nhân viên ngân hàng bình thường, nhưng với việc tham gia đầu tư bất động sản và chứng khoán đã biến một cán bộ ngân hàng thành đại gia.

Biến 500 triệu thành 10 tỉ

Năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như thành lập hai công ty tư nhân mang tên Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Khải và Công ty cổ phần đầu tư Phú Gia, đảm nhiệm chức vụ giám đốc. Tháng 10-2011 Huỳnh Thị Huyền Như bị khởi tố và bắt giam. Lý lịch của bị cáo này cho thấy bị cáo có chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn. Sau khi bị bắt phục vụ quá trình điều tra, truy tố, Huỳnh Thị Huyền Như đã sinh con vào năm 2012.

Trước khi trở thành đại gia trên sàn chứng khoán, tạo được sự tin tưởng của hàng trăm người để có thể cho mình vay tiền đầu tư vào chứng khoán chưa niêm yết, Huyền Như là nhân viên ngân hàng bình thường có mức thu nhập trung bình. Là người có mối quan hệ mật thiết với Võ Anh Tuấn nên cùng Võ Anh Tuấn thành lập Công ty cổ phần Hoàng Khải để kinh doanh xuất nhập khẩu gạo. Với hình thức kinh doanh theo kiểu vốn góp, trong đó Huyền Như sẽ góp đất làm nhà xưởng, còn Võ Anh Tuấn góp vốn. Tuy nhiên, Công ty Hoàng Khải được thành lập nhưng không hề kinh doanh một ngày nào mà chỉ mở các tài khoản để nhận tiền chuyển từ những cá nhân, ngân hàng, doanh nghiệp đã tin tưởng uy tín của VietinBank mà chuyểntiền vào.

Với số tiền góp vốn để làm ăn ban đầu là 500 triệu đồng của Võ Anh Tuấn, trong khoảng thời gian ngắn, chỉ để đầu tư chứng khoán trên sàn chứng khoán, Huyền Như đã khiến số tiền này “đẻ” thành 10 tỉ đồng. Số tiền này được Võ Anh Tuấn tiếp tục “tái” đầu tư xây dựng nhà máy lau bóng gạo khi thị trường chứng khoán đã chìm vào im ắng. Với “tài năng” biến ảo trên sàn chứng khoán, thời gian từ năm 2007-2008 cái tên Huỳnh Thị Huyền Như đã nổi lên như là một trong những đại gia trong giới kinh doanh cổ phiếu OTC.

Hàng chục biệt thự, căn hộ cao cấp

Sau đó Huyền Như đã dần chuyển sang đầu tư nhà đất với số lượng mua bán, giao dịch rất nhiều. Đến thời điểm Huyền Như bị khởi tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi những lá đơn khởi kiện đầu tiên, đại gia này vẫn còn đang sở hữu hàng chục bất động sản là căn hộ sang trọng, đất nền, biệt thự tại khu biệt thự Nam Phú (quận 7), An Phú Đông (quận 12), biệt thự tại khu du lịch Sanctuary (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), villa tại Điện Bàn (Quảng Nam), căn hộ Ruby tại tòa tháp Ruby (khu dân cư Sài Gòn Pearl), căn hộ Orient Apartment (quận 4) và nhà đất tại Đà Lạt, Lâm Đồng... và một số tiền đã dùng để mua nhà đất tại năm công ty bất động sản.

Huyền Như đã sử dụng và sở hữu đến ba chiếc xe hơi, chiếc đắt nhất có giá 3,6 tỉ đồng. Tất cả tiền đầu tư và mua sắm tài sản đắt tiền một phần lớn do Huyền Như vay nặng lãi (thậm chí lên tới 3,7%/ngày). Đầu tư bất động sản dàn trải bằng tiền đi vay ngân hàng, vay cá nhân thì đến giữa năm 2010 bất động sản bắt đầu khó giao dịch, nhưng tiền lãi đến kỳ vẫn phải trả.

Hồ sơ vụ án thể hiện, trong các giao dịch với những bạn làm ăn cũ, Huyền Như là người biết giữ lời hứa. Nhưng số nợ cũ và lãi mới cứ lũy tiến mà bất động sản không bán được khiến “lần sau cho vay trả lãi cao hơn lần trước” là nguyên nhân để đại gia này đổ nợ. Và cuối cùng để thoát thân, nữ đại gia đã lừa hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân để lấy chỗ nọ đập vào chỗ kia khiến nhiều doanh nghiệp, ngân hàng phải khốn đốn.

Nguồn TTO

  • Từ khóa
25918

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu