Thứ 4, 24/04/2024 06:36:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:16, 27/04/2019 GMT+7

Trăn trở với nông sản sạch

Thứ 7, 27/04/2019 | 08:16:00 208 lượt xem
BP - “Sản xuất rau sạch không khó về kỹ thuật mà khó nhất là thị trường tiêu thụ. Thứ nhất là giá rau sạch cao hơn, thứ hai là lòng tin của người tiêu dùng” - ông Ngô Duy Hợp, một trong những nông dân tiên phong trồng rau sạch ở thành phố Đồng Xoài chia sẻ với chúng tôi.

Tâm huyết với rau sạch

Ông Hợp đã có hơn 5 năm gắn bó với nghề trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2014, để trồng rau sạch, ông đầu tư hệ thống nhà lưới, giống, nguồn nước, thiết kế khu vực sản xuất, vệ sinh môi trường đảm bảo an toàn sinh học. Tất cả quy trình này tiêu tốn không dưới 1 tỷ đồng. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ với cái tâm của một người sản xuất rau sạch. Ông tiếp tục mày mò tạo ra chế phẩm sinh học an toàn phòng trừ sâu, bệnh và tăng sức đề kháng cho rau.

Ông Ngô Duy Hợp (trái) ở phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài chia sẻ về phương pháp trồng rau sạch

Ông Hợp chia sẻ kinh nghiệm: Tỏi, ớt và các loại trái cây như: táo, bưởi, dưa hấu,... tôi cho vào thùng nhựa 20 lít, sau đó thêm 1 lít men sinh học EM1 và 5 lít nước sạch ủ từ 20-30 ngày. Sau đó, chế phẩm pha với nước và phun đều trên mặt rau. Tưới vào đất cũng được nhưng phun qua lá rau sẽ hấp thụ nhanh hơn. Rau khỏe sẽ chống chọi được với thời tiết và cả sâu, bệnh. Cách làm này giúp hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo rau an toàn.

Để sản xuất rau sạch, ông phải sử dụng rất nhiều phương pháp kết hợp: Nhà lồng cản bớt sự xâm nhập của sâu bệnh; dùng chế phẩm sinh học từ trái cây để cung ứng chất cho rau; chọn giống, phơi đất để giảm bớt côn trùng gây hại... Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì phải chấp nhận rau xấu hơn, không xanh mướt như dùng thuốc nhưng đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, từ đó tạo được chỗ đứng trên thị trường.

Khó tìm thị trường tại chỗ

Điều ông Hợp trăn trở nhất là đầu ra cho sản phẩm. 5 năm qua, nơi tiêu thụ rau của ông chủ yếu vẫn là thị trường thành phố Hồ Chí Minh mà không phải là Đồng Xoài - nơi ông sản xuất rau sạch.

Ông Ngô Duy Hợp chăm sóc lứa rau gần đến ngày thu hoạch

Dạo quanh một vòng chợ trung tâm thành phố Đồng Xoài, chúng tôi không khó để lý giải những trăn trở của ông. Trong chợ có tới hàng chục quầy rau quả nhưng chỉ duy nhất một quầy rau gắn biển “Địa điểm bán rau an toàn”. Tuy nhiên, quầy rau an toàn này vô hình trung cũng đang tự đánh đồng với các quầy khác khi cung cấp lẫn lộn các loại, từ rau theo tiêu chuẩn VietGAP đến rau do người sản xuất nhỏ lẻ trồng. Vậy nên dần dà, người tiêu dùng quên đi định danh của quầy rau an toàn này. Bà Bùi Xuân Anh ở phường Tân Đồng (Đồng Xoài) nói: “Bán các loại rau từ nhiều nguồn cung cấp như vậy thì mình đâu biết sản phẩm nào sạch, sản phẩm nào không. Ra chợ thấy chỗ nào tiện thì mua”.

Hiện nay, thị trường rau sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của Bình Phước bị thu hẹp ở thị trường truyền thống là các chợ trên địa bàn và chỉ một số ít rau được tiêu thụ trong siêu thị. Trên thực tế, nhu cầu nông sản sạch trên thị trường rất lớn. Minh chứng ở việc các shop bán hàng online cung cấp nông sản sạch vẫn “đi hàng” đều đều, đặc biệt là các sản phẩm trồng theo phương pháp hữu cơ dù mức giá cao hơn rất nhiều so với nông sản thông thường. Nhưng ở chợ truyền thống thì ngược lại. Người mua không biết phải tìm nông sản sạch ở đâu và lại càng không chắc chắn về mức độ “sạch” của nó.

Rõ ràng, sản xuất nông sản theo hướng an toàn hay áp dụng khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp là hướng đi bền vững mà người nông dân cần phải hướng tới. Thế nhưng, tìm được chỗ đứng cho nông sản sạch ở ngay thị trường tại chỗ mới là bài toán khó cần có lời giải. “Ở đây tôi sản xuất 11 loại rau nhưng duy trì thay đổi trên vườn chỉ khoảng 7 loại, tùy theo thị trường tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng thị trường tiêu thụ hạn chế nên không thể làm hết công suất” - ông Hợp trăn trở.

Hạ Băng

  • Từ khóa
44225

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu