Thứ 3, 19/03/2024 18:32:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:14, 20/04/2014 GMT+7

Trạm cân điện tử hư hỏng trên QL14 sau 36 giờ hoạt động: Hàng loạt bất cập nảy sinh chưa thể giải quyết

Chủ nhật, 20/04/2014 | 07:14:00 305 lượt xem
 
Theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải, bắt đầu từ ngày 1-4-2014, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều triển khai cân tải trọng xe. Tỉnh Bình Phước được cấp một bộ cân điện tử (gồm xe ôtô và hệ thống máy tính, cân và một số thiết bị khác) để lập trạm cân lưu động, trị giá hơn 3 tỷ đồng.

Hàng trăm xe tải né trạm cân đậu hai bên QL14 (đoạn xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú)

 
Được đưa vào sử dụng từ lúc 8 giờ ngày 15-4, nhưng chỉ sau 36 giờ trạm cân điện tử hoạt động trên QL14 đã phải tạm ngưng vì thiết bị hư hỏng và hàng loạt vấn đề “không giống ai” đã phát sinh mà không thể giải quyết tại chỗ hoặc bằng văn bản của tỉnh.


NÉ TRẠM CÂN

Theo thống kê của thanh tra giao thông, trong 24 giờ, từ 18 giờ ngày 15-4 đến 18 giờ ngày 16-4, có 205 xe qua trạm cân, trong đó 22 xe rơ-moóc, còn lại là xe tải.
Sau khi cân, có 170 xe không vượt tải trọng, 35 xe vượt tải trọng cho phép. Trong số 35 xe vượt tải trọng, có 22 xe vượt 10-20%, 9 xe vượt 20-50%, 4 xe vượt hơn 50%.

Phát hiện có trạm cân tải trọng trên QL14 đặt tại khu vực xã Đồng Tâm, ngay trong ngày 15-4, hàng loạt xe tải đã dừng dọc QL14 hoặc trên đường ĐT741 đoạn thuộc địa bàn huyện Đồng Phú, thị xã Đồng Xoài (tuyến TP. Hồ Chí Minh - Tây nguyên).

Sáng 16-4, người đi đường đã bất ngờ với hình ảnh dọc tuyến QL14 hàng trăm chiếc xe tải nối đuôi nhau đậu bên lề đường, cây xăng, quán ăn uống, các bãi đất trống, nhà dân, ngõ hẻm... Đặc biệt, ngay khu vực đặt trạm cân, trên đoạn đường khoảng 1km, xe tải đậu đông đặc, chỉ cách chiếc cân và lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đang làm nhiệm vụ chưa đầy... 100m.

Cũng ngay tại nơi dừng đậu, một số xe đã thuê người bốc hàng xuống để giảm tải, rồi từ từ qua trạm. Điều đáng nói là việc này diễn ra ngay trước mặt lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Trong khi đó, một số tài xế xe khác vật vờ khắp nơi hoặc vào cà phê võng nằm chờ... trời mưa - cân điện tử gần như phải thu dọn, không hoạt động được - để qua trạm. Việc các xe tải bất hợp tác dừng hai bên đường, ra vào không hợp lý cũng ảnh hưởng đến trật tự giao thông ở khu vực đặt trạm cân.

Biết rõ vượt tải trọng cho phép, nên rất ít tài xế “dũng cảm” lái xe vào trạm để cân

Một cán bộ thanh tra giao thông cho biết: Xe dừng bên đường, tài xế có nhiều lý do, như xe hư hỏng, chờ lên xuống hàng theo điều động của chủ hàng... Họ chưa vi phạm và chưa đến khu vực yêu cầu vào cân tải trọng nên rất khó xử lý. Hơn nữa, nếu làm căng, họ quay đầu né trạm xa hơn, cũng vậy mà thôi.

Một tài xế lái xe tuyến Sài Gòn - Đắk Nông thừa nhận: Hầu hết xe tải đường dài đều chở hàng vượt tải trọng. Giá chở một tấn hàng từ Sài Gòn lên Đắk Nông chỉ có 800 ngàn đồng. Nếu chở đúng tải trọng, chủ xe cầm chắc thua lỗ. Tuy nhiên, nếu để bị phạt vượt tải trọng, thì còn lỗ nặng hơn.

QUÁ TẢI SẼ BỊ PHẠT NẶNG

Nghị định 171/2013/NĐ-CP, ngày 13-11-2013 quy định:

Phạt từ 2-3 triệu đồng đối với xe vượt quá tải trọng của cầu, đường từ 10% đến 20%, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng.

Phạt từ 3-5 triệu đồng đối với xe vượt quá tải trọng của cầu, đường từ 20% đến 50%, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Phạt 5-7 triệu đồng đối với xe vượt quá tải trọng của cầu, đường trên 50%, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Phạt 2-4 triệu đồng chủ xe là cá nhân có phương tiện vi phạm; phạt 4-8 triệu đồng chủ xe là tổ chức có phương tiện vi phạm.

Phạt tiền từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng, giữ giấy phép lái xe 1 tháng đối với hành vi chở hàng vượt trọng tải từ 10% đến 40% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, và từ 5% đến 30% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên.

Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng, giữ giấy phép lái xe 2 tháng đối với hành vi chở hàng vượt trọng tải trên 40% đến 60% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, và trên 30% đến 50% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên.

Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng, giữ giấy phép lái xe 2 tháng đối với hành vi chở hàng vượt trọng tải trên 60% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và trên 50% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên.

Tất cả các trường hợp vượt tải trọng đều phải hạ ngay phần quá tải.


RỒI ÀO ÀO QUA TRẠM, CÂN CÓ CŨNG
NHƯ KHÔNG

Tìm hiểu từ các tài xế, được biết những xe quá tải trọng đi qua trạm cân chịu nộp phạt là do có sự thống nhất hoặc yêu cầu của doanh nghiệp, chủ hàng. Chủ hàng sẽ chịu tổn thất chi phí. Ghi nhận qua 2 ngày đầu tiên triển khai trạm cân, chúng tôi nhận thấy những xe chấp nhận vào cân và chịu phạt để qua đường hầu hết là chở hàng nông sản, trái cây hoặc những hàng cần giao cho đối tác gấp. Đó là nguyên nhân lý giải có hàng trăm xe đậu bên đường không vào trạm cân, có xe biết chắc sẽ vượt tải trọng nhiều vẫn chấp nhận qua trạm để cân và chịu phạt.

Đến khoảng 20 giờ ngày 16-4, do thiết bị máy móc gặp sự cố, trạm cân dừng việc kiểm tra tải trọng, cũng là lúc đoàn xe quá tải ào ào vượt trạm. Thông tin này đã nhanh chóng được cánh tài xế loan báo, truyền cho nhau. Gần như ngay sau đó, hàng trăm xe tải, xe rơ-moóc chất đầy hàng hóa “ăn chực nằm chờ” dọc QL14, đường ĐT741... ùn ùn đổ về đi qua khu vực đặt trạm kiểm soát - khác hẳn với không khí vắng vẻ trước đó.

NHIỀU VẤN ĐỀ CHƯA THỂ KHẮC PHỤC NGAY

Về việc trạm cân mới hoạt động được 36 giờ đã hỏng, ông Hồ Văn Hữu, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết:

Trạm cân chính thức hoạt động 8 giờ sáng ngày 15-4 và phải ngưng hoạt động vào khoảng 20 giờ ngày 16-4. Nguyên nhân do mặt cân B không hoạt động (cân có 2 mặt A và B). Hiện tại, sở đã chỉ đạo cán bộ phụ trách trạm cân làm tường trình về việc ngưng hoạt động của trạm cân. Sở cũng đã liên hệ với Công ty TNHH MTV Hanel để bảo hành trạm cân. Trước mắt, sở yêu cầu thay thế mặt cân B hoặc công ty cử cán bộ trực tiếp vào Bình Phước bảo hành. Nếu không có biện pháp bảo hành sớm, sở sẽ báo cáo trực tiếp Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.

Trước tình trạng xe tải “né” trạm cân, sở có giải pháp gì thưa ông?

Chúng tôi đã báo cáo vấn đề này lên Bộ Giao thông - Vận tải. Bộ chỉ đạo dựng các bảng cấm đỗ, dừng xe trên QL14 (khu vực gần trạm cân), nếu xe dừng sai quy định sẽ xử phạt. Đối với những xe “trốn” trong các quán nước, trạm xăng ven đường hoặc hạ tải trước khi qua trạm cân, sở chưa có giải pháp xử lý, vì những xe này vi phạm nhưng luật chưa điều chỉnh.

Xin ông cho biết còn những bất cập gì trong quá trình triển khai trạm cân?

Cân điện tử chỉ cân từng trục của xe, nếu trục nào quá tải xử phạt trục đó. Từ đó phát sinh vấn đề bất cập: Xe qua trạm cân đủ tải, nhưng khi vào cân thì có trục quá tải, trục không đủ tải... Do đó, tài xế không chịu đóng phạt hoặc hạ tải theo yêu cầu. Chúng tôi đã hướng dẫn chủ xe san đều hàng trước khi vào cân. Nếu quá tải, theo quy định phải hạ tải, nhưng thực hiện được là chuyện khó. Vì hạ tải là việc của chủ xe, nếu chủ hàng cho xe khác đến trực tiếp hạ tải thì không phải bàn. Nhưng thực tế khi yêu cầu hạ tải, chủ xe không chấp hành, giữ giấy tờ xe thì họ đậu luôn tại trạm cân, làm ách tắc trạm cân.

Mặt khác, nếu chủ xe không chịu hạ tải thì ai là lực lượng hạ tải, quản lý hàng hạ tải, kho để hàng hạ tải... Một bất cập khác là: Công ty TNHH MTV Hanel khuyến cáo trạm cân không nên hoạt động trong điều kiện trời mưa, do đó xe tải lợi dụng vấn đề này để nối đuôi nhau chờ... trời mưa.   

T.Phương - T.Thông - N.Sơn

  • Từ khóa
92427

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu