Thứ 3, 19/03/2024 11:53:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:26, 11/08/2017 GMT+7

Trái tim có hình hộ khẩu

Nguồn SGGP
Thứ 6, 11/08/2017 | 15:26:00 274 lượt xem
BPO - “Nhớ lại chuyện mấy bà má Nam bộ thường nói với cán bộ ta: Mấy đứa bay lúc nào cũng mở miệng kêu triệt để. Bây giờ mấy má mới hiểu, tụi bay chỗ nào muốn triệt là bay triệt, chỗ nào muốn để là bay để!” (Triệt để).

Trái tim có hình  hộ khẩu


“Bởi khi ta đã say vì khen, quen được khen thì mắt rồi sẽ mờ tai rồi sẽ điếc… Ta nhìn đời mà chỉ toàn thấy ta, chỉ biết cho ta, chỉ nghĩ đến ta, chỉ nghĩ cho ta, chết là chắc” (Khen cho nó chết).
 
Đó là những bài học mà nhà báo Dương Thành Truyền muốn gửi gắm đến với bạn đọc trong 40 câu chuyện phiếm đàn về cuộc đời nhân sinh. Với lối hài hước, dí dỏm, tuyển tập Trái tim có hình hộ khẩu (ảnh) là những lát cắt cuộc sống, bày tỏ suy nghĩ của tác giả trước các sự kiện, hiện tượng, con người… Bút pháp trào phúng, cách tiếp cận và phân tích vấn đề nhẹ nhàng nhưng rất sâu, tập phiếm đàm cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn độc đáo về xã hội, đánh thức trách nhiệm công dân trong mỗi người qua các hành vi cụ thể.

Tuyển tập gồm 2 phần là dọc và ngang: chuyện vặt, chuyện vớ vẩn, không đầu không đuôi, nhặt được bên đường, chép nghe chơi, chuyện nhỏ, chuyện không nhỏ, bộ phận không nhỏ, theo dòng thời gian, nói hay dừng. Tưởng chừng như hai phần không liên quan đến nhau nhưng thực ra, cả hai phần đều là góc nhìn của tác giả, nhìn hết cả cuộc đời để mang đến cho bạn đọc cái nhìn bao quát nhất. Để rồi mới chợt nhận ra rằng: Nhìn ngang nhìn dọc, đều như thế cả! Có lẽ là do “Thời đại bùng nổ thông tin… Thời đại toàn cầu hóa… Mọi thứ trên dưới, cao thấp, ngang dọc… đều bị san bằng?” (Thế giới phẳng).

Những câu chuyện phiếm đàm về điều được nghe qua, được kể cho, tưởng vui chơi trên bàn nhậu lại mang cho người đọc ý nghĩ sâu xa, về những cái danh lợi, cái ảo tưởng, ôm mộng của con người. Cái hay của tác giả là ở chỗ đã vận dụng rất khéo những câu ca dao tục ngữ, để lại bài học sâu sắc cho bạn đọc, song người đọc lại không cảm thấy nặng nề, mà có khi, chỉ tự thấy nhồn nhột rồi tự sửa chữa cho mình. Có lẽ là do lối viết của Dương Thành Truyền, có hóm hỉnh, hài hước, và cách sử dụng điển tích điển cố cũng rất ngọt nên mới tạo ra tác phẩm có duyên như vậy.

  • Từ khóa
87369

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu