Thứ 5, 25/04/2024 09:22:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:33, 31/07/2015 GMT+7

KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO 1-8

Trải nghiệm từ nghề

Thứ 6, 31/07/2015 | 16:33:00 1,323 lượt xem
BP - Nhân kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo, tôi viết bài này với mong muốn được chia sẻ với những ai đã và đang làm công tác tuyên giáo.

Từng làm cán bộ tuyên giáo, tôi hiểu đây là công việc của “người lính gác cổng” trong lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng (của cấp ủy), là một chiến sĩ tiên phong, gương mẫu trong mọi lĩnh vực, phải luôn cẩn trọng trong phát ngôn, đạo đức, lối sống.

Bản thân tôi khi được phân công làm công tác tuyên giáo, vấn đề đặt ra thật   cụ thể nhưng với tôi rất quan trọng, đó là phải học và tự học. Ngoài việc học ở trường lớp theo quy định mà còn phải học ở mọi lúc, mọi nơi như Lê Nin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”.

Càng công tác lâu tôi càng hiểu sự cần thiết phải học và tự học. Học và tự học giúp tôi tích lũy vốn sống, tự hoàn thiện để có điều kiện làm tốt hơn công việc của mình. Khi làm công tác tuyên giáo, tôi đặt ra cho mình phương pháp học và tự học thường xuyên, học suốt đời. Đọc sách, báo, tạp chí, nghiên cứu tài liệu là việc học tốt nhất của người làm công tác tuyên giáo. Xem tivi, dự hội nghị, hội thảo, đi cơ sở, đi tham quan thực tế với người làm nghề tuyên giáo đều là học. Quan trọng phải biết cách học, biết tiếp nhận cái mới, những điều ta chưa biết, biết sàng lọc thông tin, cập nhật những thông tin cần thiết để phục vụ cho công việc.

Nghề tuyên giáo phải chú trọng khâu nói và viết. Nói của người làm tuyên giáo là để chuyển tải chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và nhân nhân. Khi đi tuyên truyền ở cơ sở cần lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ đảng viên và nhân dân. Đó là cơ sở, là điều kiện giúp người làm công tác tuyên giáo chuyển tải, phản ánh với cấp ủy đảng những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của nhân dân. Làm công tác tuyên giáo là làm cầu nối gắn kết giữa Đảng với nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo khối đại đoàn kết toàn dân để thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng của Đảng. Viết của người làm tuyên giáo là phải đúng quan điểm của Đảng, rõ ràng, mạch lạc, viết phải chặt chẽ, logic để người đọc dễ hiểu; viết phải có trọng tâm trọng điểm, có tính giáo dục cao. Tránh tình trạng viết chung chung, dài dòng, khiến người đọc không hiểu, hoặc hiểu sai văn bản của Đảng. Như vậy, cách viết, cách nói của người làm công tác tuyên giáo phải đúng, làm sao cho người nghe, người đọc cảm nhận được, hiểu được sâu sắc quan điểm và tư tưởng của Đảng, từ đó hành động đúng. Đó mới là người làm công tác tuyên giáo đạt yêu cầu.

Do vậy, khi làm công tác tuyên giáo, tôi luôn canh cánh phải làm sao để làm tốt chức năng nói và viết. Và thực tế cho thấy, muốn làm tốt công tác tuyên giáo, người làm tuyên giáo phải hội đủ tri thức, lý luận, kinh nghiệm thực tế, vốn sống phong phú. Hay nói cách khác là người vừa có tầm vừa có tâm. Tất cả phải học tập và lao động tích lũy dần mà có.

Người làm tuyên giáo phải là người trung thực, sống đúng mực, gương mẫu và có trách nhiệm. Sống đúng mực, gương mẫu, trách nhiệm không phải chỉ với gia đình mà cần phải đúng mực, gương mẫu, có trách nhiệm với mỗi người trong khu phố, thôn ấp nơi mình sinh sống. Gương mẫu, trách nhiệm với cán bộ, đảng viên trong đơn vị mình công tác, với bạn bè, rộng hơn là với cộng đồng. Nói thì đơn giản nhưng để thực hiện được điều đó phải trường kỳ phấn đấu, rèn luyện, luôn “soi mình trong gương” để tự hoàn thiện. Nếu người làm tuyên giáo thiếu trung thực, sống thiếu đúng mực, thiếu gương mẫu thì “nói chẳng ai nghe”, hoặc nói một đường làm một nẻo, nói không đi đôi với làm, nói không có sức thuyết phục sẽ phản tác dụng.

Khi gắn bó với nghề, tâm huyết với nghề, sẽ tạo cho người làm tuyên giáo sự yêu nghề, niềm vui, niềm đam  mê với nghề. Nhất là khi nhận được thông tin từ cán bộ, đảng viên nói báo cáo viên A, báo cáo viên B truyền đạt nghị quyết rất tốt, hay, dễ hiểu... điều đó chứng tỏ người nghe, người đọc đón nhận, cảm phục. Đó chính là niềm vui lớn nhất với người làm tuyên giáo.

May mắn cho tôi được làm trong ngành tuyên giáo hơn 10 năm, với tôi mà nói, thời gian đó gần như đã tốt nghiệp thêm một trường đại học tổng hợp. Những tri thức, kinh nghiệm, vốn sống mà tôi có đều xuất phát từ khi công tác trong ngành tuyên giáo. Đó là điều kiện thuận lợi khi tôi chuyển công tác khác, ở môi trường khác. Mỗi công việc đều có yêu cầu, đòi hỏi khác nhau, nhưng trải nghiệm từ nghề tuyên giáo đã giúp tôi rất nhiều, để tôi giải quyết những vấn đề đặt ra ở ngành, lĩnh vực mình phụ trách thuận lợi hơn.

Phạm Thị Liễu
Chủ tịch Hội LHPN thị xã Phước Long

  • Từ khóa
13569

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu