Thứ 6, 19/04/2024 12:41:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:41, 26/11/2016 GMT+7

Trải nghiệm hệ thống giáo dục ở Canada

Thứ 7, 26/11/2016 | 09:41:00 326 lượt xem
BP - Những trải nghiệm qua khóa đào tạo sau đại học về quản lý giáo dục tại tỉnh bang Alberta, Canada, qua hoạt động giao lưu và tham gia với các nhóm học tập của học sinh thuộc các trường trong thành phố Calgary.

Một hoạt động ngoài trời của giáo sinh tại University Of Calgary, CanadaMột hoạt động ngoài trời của giáo sinh tại University Of Calgary, Canada

Canada có diện tích rộng lớn gồm 10 tỉnh và 3 vùng lãnh thổ. Alberta, nơi chúng tôi tham dự khóa học là tỉnh cực tây với diện tích khoảng 600.000km2, dân số trên 2 triệu người. Châm ngôn của tỉnh bang là: “Hùng mạnh và tự do”. Câu châm ngôn phản ánh lối sống độc lập của người dân Alberta. Tại Canada, mỗi tỉnh bang có Bộ Giáo dục riêng. Do vậy, giáo dục ở mỗi tỉnh bang khác nhau. Dưới bộ có sở giáo dục, dưới sở có các phòng giáo dục phụ trách theo từng khu vực và các trường học. Ngân sách phân bổ cho các trường học dựa trên số lượng học sinh.

Chương trình lớp ghép cũng được thực hiện tại Canada nhưng chủ yếu từ 1-2 trình độ. Người dân ở đây có 25% người Canada, còn 75% gồm các dân di cư của 175 nước trên thế giới, trong đó nhiều nhất là các nước châu Á. Trẻ vào mẫu giáo lúc 5 tuổi và chương trình mẫu giáo được học ghép vào các trường tiểu học. Học sinh vào lớp 1 lúc 6 tuổi và kết thúc lớp 6 chậm nhất ở tuổi 12. Bậc tiểu học được tính từ lớp mẫu giáo đến hết lớp 6.

Khung bậc học được tính như sau:

Tiểu học: Từ mẫu giáo đến lớp 6.

THCS: Từ lớp 7 đến lớp 9.

THPT: Từ lớp 10 đến lớp 12.

Giáo dục bắt buộc cho mọi người là phải học từ lớp 1 đến hết lớp 10. Học sinh tiểu học được học các môn Toán, Anh văn, Khoa học, Mỹ thuật, Âm nhạc, nghiên cứu xã hội, Sức khỏe, Thể dục. Ở bậc trung học thêm môn học Kỹ năng sống. Năm 2015, Bộ Giáo dục Canada đưa một số nội dung mới vào việc giáo dục giới tính cho học sinh. Số tiết cấp tiểu học và THCS 950 giờ/năm, THPT 1.000 giờ/năm. Mẫu giáo 17 học sinh/lớp, tiểu học 23, THCS 25 và THPT 27 học sinh/lớp.

HIỆU TRƯỞNG

Mỗi trường học tại Canada có nét văn hóa riêng nhưng tất cả đều rất thân thiện với cộng đồng. Hiệu trưởng ảnh hưởng rất lớn đến phong cách làm việc của mọi người, đến cách dạy và cách học của học sinh. Những thể hiện bên ngoài như màu sơn, khuôn viên, cây xanh... ảnh hưởng đến văn hóa nhà trường. Hiệu trưởng tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân và đồng nghiệp để làm thế nào môi trường văn hóa ngày càng được cải thiện và phát triển. Vào mỗi trường mới cảm nhận được sự sạch sẽ, thân thiện cũng như ý thức rất rõ của học sinh về văn hóa  nhà trường.

Phẩm chất của người đứng đầu về quản lý giáo dục là: Sử dụng đúng người, đúng việc, có tinh thần trách nhiệm cao; làm việc siêng năng, tự chịu trách nhiệm, nhân hậu; luôn phấn đấu và không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân.

Chính phủ Canada đòi hỏi các nhà lãnh đạo luôn thay đổi, khái niệm giữa quản lý và lãnh đạo là hai lĩnh vực khác nhau. Người quản lý tập trung vào công việc được tiến hành như thế nào, tầm nhìn trong phạm vi hẹp và kế hoạch chủ yếu là kế hoạch ngắn hạn; ngược lại nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa và rộng hơn, kế hoạch xây dựng và phát triển thường là trung hạn, dài hạn (3-5 năm hay xa hơn). Hiệu trưởng các trường được trao quyền lực nhiều hơn ở Việt Nam nhưng đồng thời tự chịu trách nhiệm cũng cao hơn và công việc đòi hỏi tính chính xác, khoa học hơn.

TUYỂN GIÁO VIÊN

Quy trình tuyển dụng ở Canada, cụ thể tại Calgary: Ở đây chỉ có một trường đại học nhưng rất rộng lớn và có đủ tất cả khoa, sư phạm là một trong nhiều khoa ở đó. Canada chỉ có một hệ đào tạo 4 năm rưỡi cho tất cả giáo viên từ tiểu học đến THPT. Trước khi ra trường, các phòng giáo dục đến trường sư phạm để phỏng vấn và tuyển chọn.

Những giáo sinh tốt nghiệp loại giỏi được tuyển chọn và phòng giáo dục điều động giáo viên về trường theo môn học. Đồng thời, ở Canada có những quảng cáo tuyển dụng trên báo chí và giáo viên theo những quảng cáo để đăng ký tuyển dụng. Cách thức tuyển dụng gồm điểm học ở trường đại học, điểm thực tập ở trường và điểm phỏng vấn với tỷ lệ 40% + 40% + 20%. Quá trình phỏng vấn có 3 người ở Bộ Giáo dục và đưa ra 3 tình huống để giáo sinh giải quyết các nội dung, từ đó, xếp loại kết quả, thời gian thực tập, khả năng ứng xử. Xếp loại giáo sinh từ cao xuống thấp; các trường có thể dựa vào xếp loại đó của Bộ Giáo dục để hợp đồng giáo viên. Về công tác thuyên chuyển, giáo viên phải nộp đơn cho Bộ Giáo dục, nếu giáo viên dạy từ 4-5 năm ở vùng nông thôn muốn chuyển ra thành phố thì bộ sẽ dễ dàng đồng ý. Hệ thống điểm được tính như sau: Vùng nông thôn mỗi năm được tính 3 điểm, ở thành phố  được tính 1 điểm/năm. 

TÀI CHÍNH

Về quản lý tài chính, tất cả đều do chính phủ yêu cầu và quy định. Dự toán được giao căn cứ vào số học sinh của mỗi trường. Ngoài ra còn có kinh phí cho những giờ học phụ trội, có ngân quỹ để giúp thêm cho học sinh học ở nhà. Các trường linh hoạt trong việc chi tiêu nhưng phải có báo cáo thật cụ thể. Nhìn chung ngân sách được phân bổ theo mục tiêu. Định kỳ các trường báo cáo cho phòng giáo dục về việc chi tiêu của nhà trường. Ở Canada, quản lý dựa trên nhà trường, hiệu trưởng có quyền phân công nhiệm vụ cho giáo viên, khen thưởng, kỷ luật giáo viên và học sinh; được toàn quyền sử dụng quỹ ngân sách để trang bị cơ sở vật chất cho nhà trường. Mỗi trường đều có kế hoạch 3 năm.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC

Trong một năm học có 4 lần gửi kết quả học tập về cho gia đình học sinh. Trường tự điều chỉnh chương trình học cho phù hợp, hiệu trưởng quyết định việc phân bố chương trình trong cấp học, do đó chương trình thực hiện có khác nhau giữa các trường trong cùng phòng giáo dục nhưng tổng số tiết/năm/môn học đều bằng nhau. Nhiệm vụ của phó hiệu trưởng là quản lý giấy tờ và đứng lớp. Nhiệm vụ của hiệu trưởng là quản lý tài chính, cơ sở vật chất, hoạt động của giáo viên. Việc phát triển chuyên môn thực hiện qua hội thảo và các modul thường được tiến hành khoảng 3-4 ngày, gồm: học tập để nâng cao trình độ, họp nhóm giáo viên, đọc sách, học trên internet mà chủ yếu qua mạng lưới giáo dục Galileo. Galileo được thành lập năm 1999, ban đầu có 1 giáo viên tham gia chủ yếu soạn các giáo trình, modul, hình ảnh hoạt động ngoại khóa để giúp giáo viên phát triển chuyên môn. Đây là chương trình chú trọng phương pháp hoạt động tích cực của học sinh, hoạt động ngoài hiện trường và học sinh làm việc như một chuyên gia.

Nhìn chung, quá trình phát triển chuyên môn cho giáo viên rất đa dạng. Ở Canada, việc phát triển chuyên môn rất được chú trọng, dành khoảng 16 ngày/năm học cho mỗi giáo viên. Hằng năm, trước năm học 3 tháng, giáo viên phải trình cho hiệu trưởng kế hoạch phát triển chuyên môn và được hiệu trưởng tư vấn, theo dõi và đánh giá vào cuối năm học.

Ngô Xuân Quang

(Phòng GD-ĐT Bình Long)

  • Từ khóa
86401

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu