Thứ 4, 24/04/2024 22:40:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:19, 11/10/2017 GMT+7

Trách nhiệm với người nông dân

Thứ 4, 11/10/2017 | 08:19:00 133 lượt xem

BP - Báo cáo từ ngành nông nghiệp cho thấy, năng suất vườn điều của tỉnh niên vụ 2016-2017 chỉ có 7,15 tạ/ha, đạt 62,26% so với mùa vụ trước. Dự báo mùa điều năm nay lại thất thu do tình hình thời tiết bất lợi cho cây điều và năng suất vườn điều có khả năng sẽ thấp hơn 7,15 tạ/ha. Trên cơ sở này, ngành nông nghiệp tỉnh đang dự thảo mức hỗ trợ cho người trồng điều 2 triệu đồng/ha. Đây là con số được tính toán dựa trên cơ sở thực tế người nông dân phải đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây điều từ tháng 9 đến trước khi thu hoạch. Mức hỗ trợ này chưa tính đến công chăm sóc và công cụ sản xuất của người trồng điều.

Tính đến cuối tuần qua, toàn tỉnh có 35.463,72 ha điều bị thiệt hại. Trong đó có đến 21.962,2 ha của các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Chỉ tính riêng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số thì số tiền hỗ trợ lên đến 43 tỷ 924,4 triệu đồng. Nếu tất cả 35.463,72 ha điều bị thiệt hại đều được hỗ trợ với mức 2 triệu đồng/ha thì phải chi 70 tỷ 927,44 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha không đáng là bao, nhưng nhìn tổng diện tích vườn điều bị thiệt hại do sâu bệnh quả thật có vấn đề.

Câu hỏi đầu tiên ai cũng có thể đặt ra là tại sao diện tích vườn điều lại bị thiệt hại với số lượng lớn như thế? Từ trước đến nay chúng ta vẫn thường đổ lỗi cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết chăm sóc, không chịu đầu tư, không ứng dụng khoa học - kỹ thuật... nên năng suất, sản lượng vườn điều của tỉnh đạt thấp. Nhưng nhìn vào số diện tích điều đang bị thiệt hại do sâu, bệnh tấn công mới thấy rõ công tác dự báo tình hình thời tiết, dịch bệnh cũng như việc khuyến cáo giải pháp phòng trừ dịch bệnh của chúng ta quá kém nên gần như người trồng điều hoàn toàn thụ động trước diễn biến bất thường của thời tiết. Trong khi đó, từ tỉnh đến các huyện, thị xã đều có cơ quan và cán bộ làm công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật... Vậy nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra trên cây điều ở diện rộng là tại sao? Câu trả lời không chỉ dành riêng cho ngành nông nghiệp mà cho cả các cơ quan hữu quan.

Dự thảo mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha điều mất mùa là con số rất lớn so với nguồn thu của tỉnh. Bởi vì tỉnh còn nhiều vấn đề đang chờ đợi đầu tư nhưng chưa đến lượt. Nếu mỗi người trồng điều, mỗi cán bộ của ngành nông nghiệp sâu sát với cây điều thì diện tích điều đứng trước nguy cơ mất mùa do thời tiết và sâu bệnh tấn công có lớn đến thế? Bên cạnh đó, người trồng điều biết cách chăm sóc, ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho cây điều sau mỗi lần tham gia tập huấn thì năng suất sẽ không giảm mà còn có thể tăng so với niên vụ trước. Theo tính toán của các nhà nông học, mỗi hécta điều được đầu tư, chăm sóc bài bản cho năng suất dao động từ 3-4 tấn, cá biệt còn có thể lên 4,5-5 tấn/ha. Con số này đã được thực tế chứng minh trên các vườn điều trong những năm qua. Giá điều trên thị trường hiện nay không dưới 30 ngàn đồng/kg. Nếu lấy mức giá này làm chuẩn thì 2 triệu đồng chỉ bằng 70kg hạt điều.

70kg/ha điều liệu có quá khó so với người trồng điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước? Có lẽ không. Người trồng điều có trông chờ 70kg điều hỗ trợ từ nguồn ngân sách? Có lẽ, vấn đề họ trông chờ không phải là 70kg hạt điều ấy, mà là làm thế nào để vườn của họ từ 7,15 tạ lên 3 tấn/ha. Còn làm như thế nào chỉ có ngành nông nghiệp mới giải được bài toán này!

Đ.K

  • Từ khóa
108736

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu