Thứ 5, 25/04/2024 09:04:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:30, 18/04/2017 GMT+7

Trách nhiệm trước hội viên của mình

Thứ 3, 18/04/2017 | 08:30:00 98 lượt xem

BP - Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt giam Trần Đức Trung (56 tuổi) và Lê Thị Hằng (54 tuổi), nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam. Trước đó, núp dưới chương trình “Trái tim Việt Nam”, Trung và Hằng đã lừa đảo hàng chục tỷ đồng của hàng chục ngàn nông dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước bằng cách dụ dỗ người dân nộp tiền ủng hộ cho trung tâm để được hưởng lợi.

Đọc tin này ai cũng phẫn nộ. Bởi trong khi hàng triệu người đang mở rộng tấm lòng “lá lành đùm lá rách” thì lại có kẻ mặt mũi sáng láng, ăn mặc lịch thiệp nhưng đi lừa đảo những nông dân nghèo. Ai liên quan đến vụ việc này chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Song, ở góc độ quản lý xã hội, vụ việc cho thấy còn những lỗ hổng rất lớn trong quản lý ở nước ta hiện nay.

 Nông dân nghèo thường thật thà, cả tin. Đó là một trong những lý do khiến nhiều kẻ xấu lợi dụng họ. Trên địa bàn tỉnh, Báo Bình Phước đã nhiều lần phản ánh tình trạng lừa đảo bán hàng đa cấp, lừa đảo bằng dịch vụ chăm sóc sức khỏe để bán hàng đa cấp trá hình, lừa đảo bán những sản phẩm kém chất lượng... và đối tượng chúng hướng tới đều là nông dân. Tuyên truyền như thế, nhưng tình trạng này đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nông dân tham gia tổ chức hội nông dân, hội phụ nữ... Phía sau họ còn có chính quyền, có ngành chức năng cấp phép cho các hoạt động. Những kẻ lừa đảo trên quy mô lớn hàng ngàn người chỉ có “đất sống” khi chính những tổ chức, cơ quan có thẩm quyền buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm với công việc, vô cảm với sự mất mát của người dân, còn ngược lại thì không thể. 

Xin lấy một ví dụ điển hình với chính chương trình “Trái tim Việt Nam” đã nêu ở trên: Năm 2015, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An chính thức cảnh báo, ban hành công văn yêu cầu hội nông dân các huyện, thành, thị trực thuộc vào cuộc phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sự bất thường của chương trình “Trái tim Việt Nam”. Ngay sau đó, Công an tỉnh Nghệ An chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng thuộc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam. Công an tỉnh Nghệ An đã xác định trung tâm này vi phạm pháp luật, giả mạo giấy tờ, mượn danh một số lãnh đạo, tổ chức và có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phát triển theo hình thức đa cấp... Thế nhưng, rất tiếc, hiệu ứng trách nhiệm của cơ quan chức năng Nghệ An chỉ ở phạm vi trong tỉnh. Và cái vòi bạch tuộc ấy chỉ bị chặt đứt ở Nghệ An. Bởi khi vươn đến địa bàn khác, các tổ chức, cơ quan chức năng của những địa phương đó đã ngó lơ để nó tung hoành.

Không chỉ có một chương trình “Trái tim Việt Nam”. Thực tế cho thấy đã, đang và có thể sẽ có những chương trình tương tự. Còn nhiều tổ chức, cá nhân đang âm mưu lừa gạt nông dân, người lao động nghèo với nhiều chiêu bài khác nhau. Vụ việc chương trình “Trái tim Việt Nam” không chỉ cần được rút ra bài học sâu sắc với người dân, với chính quyền trong việc nêu cao cảnh giác mà đặc biệt là bài học về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động xảy ra trên địa bàn, trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội trước hội viên của mình như ở Nghệ An vậy!

Trần Phương

  • Từ khóa
108618

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu