Thứ 3, 19/03/2024 11:11:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 17:05, 24/02/2011 GMT+7

Tăng giá xăng, giá điện:

Thứ 5, 24/02/2011 | 17:05:00 1,833 lượt xem

KHÔNG THỂ KHÔNG ĐIỀU CHỈNH

* Xăng theo giá thị trường thế giới
* 7 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, hỗ trợ người nghèo

“Không thể không điều chỉnh” là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp giao ban trực tuyến qua mạng điện tử cùng các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày 24-2. Sau khi nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phân tích tình hình và nêu lên lý do tăng giá xăng và điện, tham gia phiên họp giao ban trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi và lãnh đạo nhiều sở, ngành, đoàn thể cũng chia sẻ cùng quan điểm đó.

Lãnh đạo tỉnh và các ngành của Bình Phước tham gia họp trực tuyến tại trụ sở UBND tỉnh


Phiên họp giao ban trực tuyến là phiên họp đột xuất nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ được ký trong đêm 23-2-2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ trì phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, chỉ trong hai tháng đầu năm, tỷ lệ lạm phát nước ta đã lên 2,79%. Trong khi đó, cả năm 2011 mục tiêu đặt ra lạm phát phải dưới 7%. Giá cả tăng cao làm tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô nước ta. Vì vậy, kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên số 1 hiện nay của Chính phủ và các địa phương. Chính phủ đưa ra 7 nhóm giải pháp, gồm: Chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; Chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước; Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; Điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; Tổ chức các cơ quan thực hiện.

Ngừng ứng vốn thực hiện dự án

Trong phiên họp giao ban, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp triển khai và chỉ đạo việc thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã được bố trí vốn năm 2011, xác định củ thể các công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ, thu hồi hoặc điều chuyển các khoản đã bố trí nhưng chưa cấp bách, không đúng mục tiêu, báo cáo và đề xuất Thủ tướng biện pháp xử lý trong tháng 3-2011. Ngân hàng phát triển giảm tối thiểu 10% kế hoạch tín dụng đầu tư từ nguồn vốn tín dụng Nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, trước mắt chấm dứt ngay ứng vốn thực hiện các dự án, làm đến đâu bố trí vốn đến đó.

Các nhóm giải pháp này điều chỉnh hoạt động của nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó trọng tâm là chính sách về tài chính ngân hàng, kinh doanh vàng và ngoại tệ, chi ngân sách (kế hoạch năm 2011 giảm bội chi ngân sách dưới 5% GDP, tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong những tháng còn lại của năm để tạo nguồn cải cách tiền lương). Đối với vấn đề dân sinh, ảnh hưởng lớn nhất là quyết định đưa giá xăng dầu trở lại với giá thị trường thế giới và điều chỉnh giá điện.

Bộ trưởng bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: Năm 2010, Nhà nước phải bù lỗ cho ngành điện xấp xỉ 28.000 tỷ đồng, bù lỗ xăng dầu xấp xỉ 16.400 tỷ đồng. Nếu giữ chính sách bù giá năm 2011, Nhà nước phải bù lỗ chỉ riêng cho ngành điện đã khoảng 29.000 tỷ đồng… Trong khi giá xăng các nước lân cận tương đối sát với thị trường, như Lào hơn 24.000 đồng/lít, Campuchia hơn 23.000 đồng/lít, Trung Quốc hơn 22.000 đồng/lít, Singapo hơn 30.000 đồng/lít. Vì thế, đưa giá xăng dầu trở lại với thị trường là biện pháp cấp bách và hợp lí.

Đối với giá điện, từ ngày 1-3-2011 sẽ tăng bình quân 1.242 đồng/kwh. Tuy nhiên, giá điện tăng nhưng Chính phủ cũng đưa ra giải pháp không làm ảnh hưởng đến người nghèo. Cụ thể là các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ tiền trực tiếp 30.000 đồng/tháng sau khi giá điện điều chỉnh. Cách tính giá điện theo hạn mức tiếp tục được áp dụng theo hướng hỗ trợ người nghèo và khuyến khích tiết kiệm năng lượng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương lập tức triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ, quyết tâm cao độ kiềm chế lạm phát và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tại buổi họp giao ban, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trả lời ngay các kiến nghị của một số tỉnh, thành phố: 10% tiết kiệm chi ngân sách các địa phương không được giữ lại mà phải thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ. Sẽ có hướng dẫn cụ thể của bộ Tài chính về vấn đề này.

Trần Phương

  • Từ khóa
3338

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu