Thứ 6, 19/04/2024 05:44:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:54, 25/09/2019 GMT+7

Trách nhiệm đối với dịch bệnh SXH

Thứ 4, 25/09/2019 | 08:54:00 191 lượt xem

BP - Mặc dù mùa mưa chưa chấm dứt nhưng tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 16-9-2019, toàn tỉnh có hơn 6.000 ca mắc SXH và đang tiếp tục tăng, đã có 3 trường hợp tử vong do SXH, trong đó 2 ca tại huyện Bù Đốp, 1 ca tại huyện Lộc Ninh. Và câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao bệnh SXH có thể phòng tránh được nhưng hầu như năm nào SXH cũng diễn ra phức tạp và trách nhiệm của các lực lượng trong “cuộc chiến” này ra sao?

Để phòng chống bệnh SXH hiệu quả thì trước hết lực lượng đi đầu phải là ngành y tế. Bởi chỉ có ngành y tế mới biết nên làm những việc gì là tốt nhất, cần thiết nhất để ngăn chặn dịch bệnh SXH. Ngành y tế phải tuyên truyền trước mùa có khả năng phát sinh dịch bệnh; chủ động phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng để kiểm soát nguy cơ. Công tác tuyên truyền đặc biệt quan trọng nhưng lâu nay mới chỉ chú trọng thực trạng, số ca mắc bệnh... mà chưa tập trung hướng dẫn, cảnh báo cộng đồng ý thức diệt lăng quăng. Cùng với ngành y tế thì cấp ủy, chính quyền cơ sở từ thôn, xã, huyện phải vào cuộc sớm, hành động có trách nhiệm và quyết liệt để huy động lực lượng y tế địa phương thực hiện các kế hoạch hiệu quả nhằm phòng dịch SXH. Tuy nhiên, lực lượng đặc biệt quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh nói chung vẫn là người dân. Kết quả phòng, chống bệnh SXH diễn ra hằng năm cho thấy, nếu thiếu sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng, mỗi người dân thì cuộc chiến với muỗi năm nào cũng có những thất bại. Ý thức của cộng đồng dân cư trong việc thực hành những chỉ dẫn của ngành y tế sẽ giúp ích rất nhiều cho việc ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh SXH.

Từ đầu năm đến nay, những gì đã diễn ra trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh cho thấy, ngành y tế của Bình Phước đã vào cuộc một cách quyết liệt. Chính quyền cơ sở cấp xã, huyện chủ động vào cuộc và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn. Tuy vậy, đối với người dân dù đã được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn chủ quan trong phòng, chống dịch SXH. Từ tháng 9 đến cuối năm là cao điểm của dịch bệnh SXH nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa loại bỏ vật dụng chứa nước không cần thiết, vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển và truyền bệnh. Đã có trường hợp người dân không mở cửa cho nhân viên y tế vào nhà phun thuốc diệt muỗi, với lý do “gia đình không có ai mắc SXH. Hơn nữa, phun thuốc này rất độc hại, chưa chắc muỗi, bọ gậy đã chết mà có thể những người thân trong nhà lại mắc bệnh”.

Từ nhận thức sai lầm của người dân cho thấy công tác tuyên truyền vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nhiều người vẫn chưa hiểu tác hại và các biện pháp phòng, chống SXH. Nếu người dân còn chủ quan, lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó cho việc khống chế, dập tắt dịch. Diệt muỗi, lăng quăng bằng mọi biện pháp và nằm màn khi đi ngủ cả ban ngày và ban đêm là 3 giải pháp cần đặc biệt quan tâm hàng đầu trong chống dịch SXH. Mỗi gia đình phải tự phòng, chống cho chính mình, với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có SXH” và dẹp bỏ những vật dụng chứa nước không cần thiết thì mới diệt tận gốc nguồn phát sinh dịch bệnh.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu