Thứ 6, 29/03/2024 01:25:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:16, 23/01/2019 GMT+7

Trách nhiệm của nhà mạng với khách hàng

Thứ 4, 23/01/2019 | 09:16:00 126 lượt xem

BP - Từ ngày 21-1-2019, Thông tư số 16/2018/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-BTTTT, ngày 26-12-2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung trong lĩnh vực viễn thông chính thức có hiệu lực thi hành. Thông tư này tiếp tục đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn với các nhà mạng trong việc thực hiện hợp đồng với khách hàng. Cụ thể, các nhà mạng có nghĩa vụ đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng và chỉ được chuyển giao thông tin cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của khách hàng, trừ các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng theo đúng chất lượng đã công bố; không được từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng. Trong trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông, nhà mạng phải thông báo cho khách hàng trước 30 ngày.

Một sự thật hiển nhiên là các doanh nghiệp viễn thông luôn biết khách hàng sử dụng dịch vụ ở đâu, truy cập trang web nào... và đang tải ứng dụng gì? Các nhà mạng cũng biết rõ việc bảo đảm bí mật thông tin người sử dụng là yêu cầu bắt buộc. Tại Điểm 10, Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, ngày 24-4-2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6-4-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông; Điều 30 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện nêu rõ: Thông tin thuê bao người dân cung cấp chỉ được sử dụng cho các mục đích cụ thể sau: Phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phục vụ công tác quản lý nhà nước về viễn thông; phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông. Ngoài những mục đích nêu trên, thông tin thuê bao di động phải được bảo mật tuyệt đối. Nhà mạng không được tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trái pháp luật. Nếu tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trái pháp luật sẽ bị xử phạt từ 30 đến 50 triệu đồng. Sẽ phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng về hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, tình trạng lộ, lọt thông tin khách hàng vẫn xảy ra, khiến không ít người dùng lo lắng.

Sự lo lắng của khách hàng không phải không có căn cứ, bởi việc thực hiện đăng ký trên ứng dụng nhà mạng cung cấp không có bất kỳ một khuyến cáo hay điều khoản bảo đảm nào. Không ít khách hàng e ngại cuộc sống đời tư sẽ bị ảnh hưởng nếu thông tin của bản thân bị đối tượng xấu lợi dụng; nhất là thời gian gần đây tình trạng lộ, lọt thông tin trên internet đang được dư luận quan tâm.

Hy vọng, Thông tư số 16/2018/TT-BTTTT sẽ là lá chắn thép giúp người dân an tâm, tin tưởng khi sử dụng dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, trước thực trạng báo động về nguy cơ mất dữ liệu trên thiết bị di động hiện nay, để người dùng mới yên tâm sử dụng, đòi hỏi các nhà mạng phải sớm hoàn thiện về bảo mật cho các cổng đăng ký thông tin trước khi vận hành; tăng cường khuyến cáo người dùng về các hình thức giả mạo để ăn cắp thông tin có thể xảy ra... Đặc biệt, phải tích cực vào cuộc làm rõ cũng như công khai đền bù cho khách hàng nếu để lộ, lọt thông tin. Về phía người dùng cũng phải cẩn trọng trong việc bảo mật thông tin của chính mình.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109037

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu