Thứ 3, 23/04/2024 23:32:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 08:48, 15/10/2019 GMT+7

Trách nhiệm của ngư dân trong việc gỡ bỏ “thẻ vàng”

Thứ 3, 15/10/2019 | 08:48:00 335 lượt xem
BP - “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo đối với hải sản khai thác của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23-10-2017. Đến nay đã gần 2 năm, “hình phạt” này đã tác động tiêu cực đến ngành thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Mặc dù cơ quan chức năng và các doanh nghiệp đã rất nỗ lực nhưng hiện vẫn chưa gỡ bỏ được “thẻ vàng” do tình trạng khai thác hải sản trái phép còn diễn biến phức tạp. Điều đó cho thấy, ngư dân là những người đánh bắt hải sản có trách nhiệm lớn trong việc chung tay gỡ bỏ “thẻ vàng”.

TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, sau 2 năm EC cảnh báo “thẻ vàng”, xuất khẩu hải sản sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm 6,5%, còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và 9 tháng năm 2019 ước đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2% so cùng kỳ năm 2018. 3 tháng cuối năm cũng khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2018. Hiện tại, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm xuất khẩu, chi phí sản phẩm bị đội lên và thời gian xuất khẩu kéo dài. Bên cạnh đó, “thẻ vàng” không chỉ ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành khai thác hải sản Việt Nam mà còn có những tác động gián tiếp khác, vì EU là thị trường lớn trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. “Thẻ vàng” đã làm giảm xuất khẩu hải sản khai thác sang EU thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới nếu không được gỡ bỏ. Xuất khẩu các mặt hàng như: mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang EU sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận, xác nhận nguồn gốc khai thác theo quy định.


“Thẻ vàng” của EC ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu hải sản Việt Nam - Ảnh minh họa

Làm việc với ngành thủy sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Quyết tâm của Việt Nam là khắc phục được “thẻ vàng” của EC, từ đó hình thành nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm; tiến đến xây dựng ngành kinh tế thủy sản phát triển bền vững. Việc EC áp dụng “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam cũng là cơ hội để Việt Nam thay đổi nhận thức và hướng tới nghề cá phát triển bền vững; chấn chỉnh lại việc quản lý tài nguyên biển”. Tuy nhiên, để làm được điều này trách nhiệm của ngư dân, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải rõ hơn và quyết liệt hơn nữa, trong đó ngư dân cần thay đổi thói quen đánh bắt lâu nay cũng như chủ động hợp tác, tuân thủ các quy định theo hướng khai thác bền vững thì mới sớm gỡ bỏ được “thẻ vàng”.

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯ DÂN

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất bị EC phạt “thẻ vàng” vì IUU. Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, đến nay đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ từng bị EC áp dụng biện pháp phạt thẻ, trong đó có 6 quốc gia đã phải nhận “thẻ đỏ”. Trong khu vực ASEAN, Campuchia đã nhận “thẻ đỏ” của EC từ tháng 3-2014; Philippines nhận “thẻ vàng” vào tháng 6-2014, nhưng được xóa 10 tháng sau đó. Ngoài ra, cũng do đánh bắt cá trái phép tràn lan, Thái Lan nhận “thẻ vàng” từ EC vào tháng 4-2015 và sau gần 4 năm “thẻ vàng” mới được gỡ bỏ...

Hiện nay, Việt Nam có gần 133.000 tàu cá, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh và tỷ lệ bật định vị 24/24 giờ trên ngư trường rất ít. Nếu tàu của ngư dân thiếu định vị thì kiểm soát vùng đánh bắt cá, kiểm soát vi phạm rất khó. Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), khắc phục “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam, hướng tới xây dựng nghề cá bền vững, Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đưa ra bộ nguyên tắc tuyên truyền đến ngư dân để thực hiện Luật Thủy sản năm 2017. Theo đó, mỗi chủ tàu cá và ngư dân ra khơi cần ghi nhớ những quy định tối thiểu sau: Phải có giấy phép khai thác thủy sản; treo cờ Việt Nam khi hoạt động; không sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; không vi phạm về khai thác bất hợp pháp (IUU); tham gia cứu hộ, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển; tàu từ 12m trở lên phải ghi nhật ký khai thác và nộp theo quy định; tàu từ 15m trở lên: phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định; thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ sau khi rời cảng; phải thông báo cho cảng cá ít nhất 1 giờ trước khi cập cảng; tàu cá khai thác ngoài vùng biển Việt Nam phải có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế và có văn bản chấp thuận hoặc giấy phép của Tổng cục Thủy sản.

Sau gần 2 năm bị “thẻ vàng”, ảnh hưởng đối với ngành thủy sản đã thấy rõ như xuất khẩu giảm sút, gia tăng chi phí kiểm tra, lưu kho... và trong thời gian dài hạn nó sẽ gây tác động tiêu cực đến tâm lý các nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam tại những thị trường khác. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, đại sứ EU tại Việt Nam lại cho rằng: “Nhận được “thẻ xanh” là một điều tuyệt vời, nhưng cũng đừng xem “thẻ vàng” là một sự trừng phạt của EC. Hãy xem “thẻ vàng” là động lực giúp Việt Nam hiện đại hóa ngành thủy sản, nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn so với các nước trong khu vực”. Đây cũng chính là mục tiêu của Chính phủ nhằm thực hiện chính sách phát triển nghề cá bền vững; phòng, chống và hướng tới chấm dứt các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111430

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu