Thứ 5, 25/04/2024 17:41:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:13, 24/03/2015 GMT+7

Trách nhiệm của hậu thế

Thứ 3, 24/03/2015 | 14:13:00 113 lượt xem

BP -Theo sách “Đại Việt thông sử”, trước tình thế quân Minh đang bị nghĩa quân Lam Sơn vây đánh khốn đốn, triều đình nhà Minh đã sai viên tướng Vương Thông đem 5 vạn quân sang cứu viện. Vì háo hức muốn lập công, Vương Thông đã lập tức chia quân làm ba mũi, dự tính sẽ nhất tề đánh vào Ninh Kiều. Mũi thứ nhất xuất phát từ Thanh Oai. Mũi thứ hai xuất phát từ Sa Đôi. Và mũi thứ ba xuất phát từ Cổ Sở. Với 10 vạn quân trong tay (kể cả 5 vạn quân có sẵn trong thành và ở các nơi khác kéo về), Vương Thông hy vọng sẽ bóp nát đạo quân thứ nhất của Lam Sơn ở Ninh Kiều bằng một trận tấn công thật ồ ạt và bất ngờ.

Nhưng ngay khi Vương Thông chưa kịp ra tay thì từ Ninh Kiều, các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lý Triện và Đỗ Bí đã chủ động đem quân tấn công vào lực lượng quân Minh ở Thanh Oai. Giặc ở Thanh Oai hốt hoảng tháo chạy tán loạn. Nhân đà thắng lợi đó, quân Lam Sơn truy đuổi rất quyết liệt và chính cuộc truy đuổi này đã khiến cho cánh quân thứ hai của giặc ở Sa Đôi cũng khiếp đảm mà rút thẳng về Thăng Long, bỏ mặc cánh quân do Vương Thông trực tiếp cầm đầu chơ vơ ở đất Cổ Sở.

Vương Thông tức tối hạ lệnh tập trung hết lực lượng về Cổ Sở để đích thân Vương Thông trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công vào Ninh Kiều. Nhưng khi quân của Vương Thông rầm rộ tiến vào thì Ninh Kiều chỉ còn là một vùng hoang vắng, bởi lẽ Lý Triện cùng các tướng của Lam Sơn đã nhanh chóng cho lực lượng của mình rút khỏi Ninh Kiều từ trước đó. Giận dữ bởi trận vồ hụt ở Ninh Kiều, Vương Thông lập tức tung quân do thám đi khắp nơi, quyết tìm cho bằng được nơi đóng quân của Lam Sơn. Và chẳng bao lâu sau đó, chúng đã biết được nơi đóng quân mới của Lam Sơn là Cao Bộ (nay thuộc Hà Nội).

Vương Thông chia quân làm hai đạo. Đạo thứ nhất gọi là chính binh, đánh trực diện vào Cao Bộ, cốt thu hút sự chú ý của lực lượng Lam Sơn. Đạo thứ hai gọi là kỳ binh, có nhiệm vụ vòng ra phía sau Cao Bộ, bất ngờ đánh úp và cùng với chính binh, tiêu diệt toàn bộ quân Lam Sơn tại đây. Hai đạo chính binh và kỳ binh hẹn nhau rằng, hễ đạo nào vào Cao Bộ trước thì nổi lửa và nổi pháo hiệu để thông báo cho đạo kia tiến thật gấp. Kế hoạch của Vương Thông quả là rất nguy hiểm, chứng tỏ Vương Thông thực sự là viên tướng có tài cầm quân. Rất tiếc là tướng Lý Triện đã bắt được khá nhiều lính do thám của Vương Thông, rồi nhờ khéo khai thác nên đã nắm trước được mưu toan này. Theo đề nghị của Lý Triện, các tướng chỉ huy đạo quân thứ nhất của Lam Sơn đã “tương kế tựu kế”, bí mật rút khỏi Cao Bộ và bố trí một trận mai phục có quy mô lớn tại Tốt Động - Chúc Động.

Ngày 7-11-1426, Vương Thông hí hửng hạ lệnh cho cả chính binh lẫn kỳ binh theo đúng kế hoạch đã định mà đánh vào Cao Bộ. Nhưng khi chính binh của giặc vừa lọt vào ổ mai phục ở Tốt Động, Chúc Động, thì từ Cao Bộ mật hiệu của giặc đã được quân Lam Sơn thay thế. Vì vậy, chính binh của giặc cứ tưởng là kỳ binh tiến quá nhanh, ngược lại kỳ binh cứ tưởng là chính binh tiến quá nhanh. Chúng vội cột vũ khí lại gấp rút vượt đồng lầy Tốt Động, Chúc Động để kịp vào Cao Bộ. Đúng lúc đó, quân mai phục của Lam Sơn liền nổi lên. Hàng ngũ của giặc bị rối loạn. Lam Sơn nhanh chóng chia cắt đội hình chúng để tiêu diệt. Với khí thế áp đảo, Lam Sơn đã dồn Vương Thông vào cảnh bất lực hoàn toàn. Hàng vạn quân giặc phải bỏ xác trên cánh đồng Tốt Động, Chúc Động. Bản thân Vương Thông cũng bị thương, phải hốt hoảng tháo chạy về Đông Quan. Sử cũ chép về việc này như sau:

Quân Lam Sơn cản phá giặc, chém được Trần Hiệp và Lý Lượng cùng hơn 5 vạn sĩ tốt. Giặc bị chết đuối rất nhiều, bị bắt sống hơn 1 vạn tên và thu giữ nhiều loại khí giới, ngựa chiến cùng các thứ khác không biết bao nhiêu mà kể. Bọn tướng giặc là Vương Thông, Mã Anh, Sơn Thọ và Mã Kỳ chạy thoát thân vào thành Đông Quan. Như vậy, cha đẻ của kế hoạch nhanh chóng rút lui khỏi Cao Bộ và đặt mai phục tại Tốt Động, Chúc Động là tướng Lý Triện. Ông là linh hồn của trận quyết chiến chiến lược quan trọng này.

Lời bàn:

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn rất coi trọng việc tạo thời, lập thế, từng bước chuyển hóa lực lượng, xoay chuyển tình thế. Sự phát triển của nghĩa quân gắn liền với nghệ thuật từng bước chuyển thế trận. Nghĩa quân càng đánh càng mạnh, “mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn”, còn quân địch càng đánh càng thua “mạnh hóa ra yếu, yếu lại thành nguy”. Đồng thời, nhiều hình thức chiến thuật đã được Bộ chỉ huy nghĩa quân vận dụng thành công. Phục kích, tập kích là chiến thuật sở trường nhất của nghĩa quân, được sử dụng có hiệu quả trong suốt quá trình khởi nghĩa. Chiến thuật vây thành và đánh thành cũng được vận dụng thành công trong quá trình khởi nghĩa và chiến tranh. Nghĩa quân chủ trương vây thành là chính, nhưng khi cần thiết để phục vụ yêu cầu chiến lược và khi có điều kiện, nghĩa quân cũng thực hiện công thành, hạ thành để tiêu diệt địch, nhất là đối với những thành nằm dọc trên đường mà viện binh giặc có thể đi qua.

Với việc lựa chọn rất đúng phương hướng và mục tiêu của các cuộc tiến công chiến lược, khéo kết hợp giữa vây thành với diệt viện, Bộ chỉ huy nghĩa quân đã dẫn giải cuộc chiến tranh giải phóng đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cuối cùng đi đến thắng lợi hoàn toàn. Và Lý Triện là một trong những vị tướng của nghĩa quân Lam Sơn đã sử dụng một cách linh hoạt, tài tình các chiến thuật, chiến lược và ông đã đóng góp công lao to lớn vào chiến thắng chống quân Minh xâm lược. Trách nhiệm của hậu thế hôm nay là phải biết giữ gìn và phát huy di sản quý báu của tổ tiên để giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước.

N.V

  • Từ khóa
109644

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu