Thứ 4, 24/04/2024 07:31:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 08:22, 18/05/2017 GMT+7

Trách nhiệm bồi thường và những bất cập

Thứ 5, 18/05/2017 | 08:22:00 399 lượt xem
BP - Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18-6-2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ra đời góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta trong thời kỳ mới, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại vì oan sai.

Tuy nhiên, sau gần 8 năm đi vào cuộc sống, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã bộc lộ những tồn tại, vướng mắc cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là những quy định về căn cứ để bồi thường và trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi và dự thảo luật này đã được công bố để lấy ý kiến của các cấp, ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước.

Ngay sau khi dự luật này được công bố, trong xã hội đã có nhiều ý kiến trái chiều đối với những quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cụ thể, theo quy định tại Điều 7 của dự luật này thì Nhà nước có trách nhiệm giải quyết bồi thường khi có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại sau đây: Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án, vụ việc dân sự giải quyết bồi thường. Sau khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại. Sau khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án dân sự, thi hành án hình sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Sau khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật gây oan của bị cáo là người tiến hành tố tụng gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Luật này. Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Theo quy định như trên, vấn đề bất cập phát sinh trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự đối với 2 trường hợp như sau: Thứ nhất là với trường hợp viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng sau đó cơ quan điều tra cũng tiến hành điều tra lại và ra kết luận điều tra bổ sung, song trong kết luận đó lại vẫn giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu. Căn cứ vào kết luận điều tra bổ sung này, viện kiểm sát quyết định đình chỉ vụ án vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của người này không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra mà cơ quan điều tra vẫn không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội. Và vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm bồi thường đối với trường hợp này thuộc về đơn vị nào - cơ quan điều tra hay viện kiểm sát?

 Thứ hai, tương tự như trên nhưng là đối với trường hợp tòa án có bản án đã tuyên hoặc quyết định đã công bố và trong đó xác định bị cáo có tội. Nhưng sau đó, bản án, quyết định này bị kháng cáo, kháng nghị và bị tòa án ở cấp có thẩm quyền tuyên hủy bản án, quyết định đó để điều tra lại. Sau đó, cơ quan điều tra tiếp tục ra kết luận điều tra bổ sung hoặc giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu và đề nghị viện kiểm sát truy tố, nhưng viện kiểm sát đình chỉ vụ án vì bị can không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Vậy thì với trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thuộc về tòa án hay cơ quan điều tra?

Vẫn biết rằng, nguyên tắc bất di bất dịch của pháp luật là ai vi phạm thì người đó phải bị xử lý và ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Và hậu quả của việc cơ quan nào làm sai thì trách nhiệm bồi thường cũng là của Nhà nước, nhưng ở đây cần có quy định cụ thể, rõ ràng thì những quy định của pháp luật mới đi vào cuộc sống. Hơn nữa, uy tín, danh dự của các cơ quan bảo vệ pháp luật (cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân và tòa án nhân dân các cấp) không thể là chuyện ai muốn nhận sai cũng được!

N.V

  • Từ khóa
29626

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu