Thứ 3, 23/04/2024 23:25:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:19, 04/03/2015 GMT+7

Trả lại nét đẹp văn hóa cho lễ hội

Thứ 4, 04/03/2015 | 07:19:00 95 lượt xem

BP - Tết cổ truyền đã qua và mùa lễ hội đang đến trên đất nước ta. Nhiều lễ hội lớn ở miền Bắc đã được khai hội, có nơi kéo dài đến tận tháng 3 (Âm lịch). Lễ hội truyền thống Việt Nam có hai nội dung chính là phần lễ và phần hội. Hai yếu tố này quan hệ chặt chẽ với đời sống con người. Lễ gồm các hoạt động mang tính tâm linh như thờ cúng, tín ngưỡng, tôn giáo. Hội là hoạt động của con người mang tính vui chơi, giải trí. Vì vậy, lễ hội thể hiện văn hóa tinh thần của cộng đồng, là hình thức để duy trì bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Năm nào cũng vậy, vào mùa lễ hội là nảy sinh biết bao hiện tượng tiêu cực. Năm nay, mặc dù đã có sự chỉ đạo sát sao từ trung ương; Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã vào cuộc một cách quyết liệt, thế nhưng vẫn chưa thể chấm dứt được những cảnh “chướng tai, gai mắt”. Nguyên nhân của thực trạng nhiễu loạn ấy là do lễ hội đã bị nhuốm màu trục lợi. Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam nhận xét: “Bây giờ, những lễ hội ở Việt Nam phần nhiều đều mang tính vụ lợi, người tham dự lễ hội vụ lợi, những người tổ chức lễ hội cũng vụ lợi”.

Các thanh niên quá khích cầm gậy đánh nhau tại đền Gióng  - Ảnh internet

Lễ hội đã bị lạm dụng, trở thành nơi buôn thần bán thánh, nơi kinh doanh. Và nguy hiểm hơn, lễ hội nhiều lại càng thấy văn hóa xuống cấp trầm trọng. Vẫn còn đó cảnh người ta xô đẩy, giẫm đạp, phá rào để cố giành giật cho được thứ mình muốn. Nhìn đám đông hung hãn tranh cướp ấn, hoa tre, chiếu trong lễ hội đền Gióng ngày 24-2 và cảnh một số thanh niên cầm dao truy sát nhau tại sân đình Đông Lai, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) ngày 25-2 không ai còn có thể xem đó là một lễ hội văn hóa. Ở các chùa nổi tiếng, vẫn còn đó cảnh chen chúc như nêm, ai cũng muốn mình được đến gần Phật hơn, được thắp một nén nhang. Lòng thành với Phật không biết được bao nhiêu nhưng lòng tham thì nhiều. Bởi vì, ai cũng khấn vái cho mình giàu có, thành đạt, thăng tiến, vinh thân phì gia. Người này sợ người khác giành hết “lộc, phước” của thần của phật nên tranh nhau đến trước. Ở các điểm lễ hội đều có dịch vụ bán lễ vật. Người ta tin lễ vật càng to thì khả năng mặc cả với thần, phật càng cao làm cho dịch vụ này năm nào cũng đắt khách. Năm nay, mặc dù đã có quy định cấm đổi tiền lẻ, nhưng bất chấp việc cấm, dịch vụ  này vẫn cứ phát triển. Vẫn còn đó cảnh chà tiền, nhét tiền vào tượng thần, phật. Sự tôn nghiêm trở thành bất kính, tín ngưỡng thiêng liêng vô tình bị nhạo báng. Rất nhiều người ở miền Nam muốn về quê đi lễ hội miền Bắc nhưng bị ám ảnh vì rất sợ bị “chặt chém”, móc túi... Một vấn nạn khác ở các lễ hội là tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Ở đâu tập trung đông người, sau đó đều để lại một bãi rác khủng khiếp.

Phải trả lại nét đẹp, nét văn hóa đích thực cho lễ hội! Đó là yêu cầu khẩn thiết của tất cả mọi người. Bởi lẽ, đối với mỗi người dân Việt Nam, lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh. Để bảo đảm cho các lễ hội vui tươi và lành mạnh, cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế mở hội. Phải ngăn chặn tích cực và triệt để các hoạt động mê tín dị đoan, các tệ nạn cờ bạc, kiên quyết không để thương mại hóa lễ hội. Tổ chức và quản lý tốt lễ hội là thiết thực bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa cổ truyền, góp phần vun đắp bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Hà Thanh

  • Từ khóa
91092

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu