Thứ 3, 16/04/2024 17:09:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 17:55, 25/09/2016 GMT+7

Top 5 dòng xe tăng hiện đại: Nga, Mỹ vẫn dẫn đầu

Nguồn QĐND
Chủ nhật, 25/09/2016 | 17:55:00 318 lượt xem
BPO - Với sự xuất hiện của một loạt dòng MBT thế hệ mới gần đây, giới chuyên gia quân sự quốc tế đã đưa ra bảng xếp hạng Top 5 dòng MBT hiện đại. Có nhiều dòng MBT trong bảng xếp hạng Top 5 chưa từng tham chiến, nhưng với đặc tính kỹ-chiến thuật mang tính đột phá, chúng hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì vai trò của MBT trong ít nhất vài thập kỷ tới...

Các dòng xe tăng hiện đại (MBT) hiện vẫn là nắm đấm thép chủ lực trên chiến trường với khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến cho phép tác chiến bất kể ngày đêm. Mặc dù trong vài thập kỷ gần đây, với sự phát triển vượt trội của các dòng vũ khí chống tăng cá nhân, vai trò của MBT có phần giảm sút, nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn có thể khẳng định xe tăng là đơn vị không thể thiếu trong biên chế quân đội bất kỳ quốc gia nào.

Với sự xuất hiện của một loạt dòng MBT thế hệ mới gần đây, giới chuyên gia quân sự quốc tế đã đưa ra bảng xếp hạng Top 5 dòng MBT hiện đại. Có nhiều dòng MBT trong bản xếp hạng Top 5 chưa từng tham chiến, nhưng với đặc tính kỹ-chiến thuật mang tính đột phá, chúng hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì vai trò của MBT trong ít nhất vài thập kỷ tới.

1. T-14 Armata (Nga)

Dù mới xuất hiện lần đầu tiên từ năm 2015 và chưa từng tham chiến, MBT T-14 Armata được phát triển trên khung gầm xe thiết giáp hạng nặng cùng tên xứng đáng đứng ở vị trí đầu tiên trong Top 5 dòng MBT hiện đại. T-14 hiện là dòng MBT đầu tiên được công nhận thuộc thế hệ thứ 4. So với các dòng MBT khác trên thế giới, T-14 khác biệt ở thiết kế mô-đun hóa, khoang chiến đấu tách biệt với khoang điều khiển; hoạt động tác chiến của xe tăng được điều khiển từ xa bởi kíp lái nằm trong khoang điều khiển nằm chìm trong thân xe; tháp pháo tự động hóa…


 MBT T-14 Armata. 

Thiết kết mang tính cách mạng trên giúp tối ưu hóa khả năng sống sót của kíp lái xe tăng T-14 trong trường hợp xe bị trúng đạn. Ngoài ra, thiết kế đặc biệt của xe tăng T-14 còn mở ra xu hướng phát triển xe tăng robot.

Điểm đặc biệt của MBT T-14 bên cạnh hỏa lực mạnh, còn là khả năng sống sót cao với sự kết hợp giữa giáp compusite hỗn hơn, giáp phản ứng nổ (ERA) và tổ hợp phòng thủ chủ động Afganit. Sự kết hợp trên giúp T-14 có khả năng sống sót cao trong tác chiến bất đối xứng, tác chiến đô thị, những hình thái tác chiến phổ biến trong tương lai.

2. M1A2 SEP Abrams V3 (Mỹ)

Với bản nâng cấp SEP V3, MBT M1A2 Abrams trở thành một trong những xe tăng phương Tây hiện đại bậc nhất. M1A2 SEP Abrams V3 tiếp tục sử dụng khiên chống đạn làm từ hợp kim Uranium nén ở mặt trước tháp pháo; hệ thống điều khiển hỏa lực tân tiến và động cơ turbin khí mạnh mẽ.


Xe tăng  M1A2 được gia cường giáp thân xe giúp tăng khả năng sống sót khi trúng đạn.

Điểm nhấn tiếp theo của xe tăng Mỹ là pháo chính RH-120 mới theo bản quyền mua từ Đức. Pháo chính mới cho phép M1A2 SEP Abrams V3 sử dụng các dòng đạn chống tăng có thanh xuyên dưới cỡ làm từ hợp kim Uranium nén thế hệ mới uy lực hơn.

Dựa trên những kinh nghiệm chiến trường quý báu thu được từ hai cuộc chiến Vùng Vịnh, Mỹ đã trang bị trên M1A2 SEP Abrams V3 nhiều công nghệ tiên tiến giúp tối ưu khả năng tác chiến, đặc biệt là đối với các dòng xe tăng được sản xuất dưới thời Liên Xô và Nga.

3. Leopard 2A7 + (Đức)

MBT Leopard 2A7 + là phiên bản mới nhất của gia đình xe tăng Leopard 2. Phiên bản Leopard 2A7 + được giới chuyên gia quân sự thế giới đánh giá là dòng xe tăng tối ưu giữa hỏa lực và khả năng bảo vệ. So với 5 biến thể trước đó, Leopard 2A7 + được nâng cấp pháo chính, bổ sung thêm giáp chống lại các loại đạn chống tăng hóa năng. Tuy nhiên, Leopard 2A7 +  cũng có những yếu điểm do phát triển trên khung gầm thiết giáp xuất hiện từ những năm 1970: Việc bổ sung thêm giáp làm trọng lượng của Leopard 2A7 +  tăng đột biến lên hơn 70 tấn; không có tổ hợp phòng thủ chủ động và đạn tên lửa bắn qua nòng pháo chính giúp tăng tầm bắn của xe tăng.


Xe tăng Leopard 2A7 +. 

Giống như phần lớn các dòng MBT thế hệ thứ 3 của phương Tây, Leopard 2A7 + vẫn sử dụng cơ cấu nạp đạn bằng tay (kíp lái gồm 4 người). Điều này buộc thiết kế khoang chiến đấu lớn hơn dẫn tới tăng trọng lượng toàn xe.

4. Merkava Mk4M (Israel)

Trong Top 5, MBT Merkava Mk4M được coi là xe tăng được thử lửa nhiều nhất. Với địa hình tác chiến chủ yếu là trên sa mạc Trung Đông, trọng lượng 70 tấn của Merkava Mk4M không phải là điểm điểm. Tuy nhiên, nếu chuyển môi trường chiến đấu sang các vùng đất có nhiều rừng hoặc sông ngòi, thì đây sẽ là điểm yếu chết người. Đây cũng chính là điểm làm Merkava Mk4M không được đánh giá cao do chỉ được thiết kế theo yêu cầu của giới chức quân sự Israel.


Xe tăng Merkava Mk4. 

Điểm đặc biệt là Merkava Mk4M là dòng MBT duy nhất của phương Tây có tổ hợp phòng thủ chủ động Trophy. Tính năng của hệ thống này đã được chứng minh khi giúp Merkava Mk4M ngăn chặn tới 90% đạn chống tăng hóa năng bắn tới. Ngoài ra, dòng xe tăng Israel này còn có thêm chức năng chở quân rất hữu dụng trong tác chiến đô thị.

Về hỏa lực, Merkava Mk4M cũng được lắp đặt pháo chính RH-120 mua bản quyền từ Đức, nhưng có ưu thế hơn với khả năng bắn tên lửa LAHAT qua nòng pháo chính.

5. T-90AM (Nga)

MBT T-90AM được coi là sự thay thế hoàn hảo cho các biến thể của xe tăng T-72 và cũng là bản nâng cấp cuối cùng của dòng xe tăng T-90.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, T-90AM được phát triển không phải vì mục đích chính là trang bị cho Quân đội Nga, mà là nhằm tới mục đích xuất khẩu cho các quốc gia đang sử dụng các dòng xe tăng thế hệ cũ sản xuất dưới thời Liên Xô.


Xe tăng T-90AM. 

Không giống như các dòng MBT phương Tây, T-90AM có kíp lái 3 người (sử dụng hệ thống nạp đạn tự động). Điều này giúp cho xe tăng Nga có tổng trọng lượng chỉ khoảng 48 tấn và kích thước nhỏ gọn. Hạn chế lớn nhất của T-90AM là vẫn theo thiết kế truyền thống của xe tăng dưới thời Liên Xô với việc kíp lái chung khoang với pháo chính và máy nạp đạn. Thiết kế này giống như trên xe tăng T-62, T-72 và T-80, nếu giáp chính bị xuyên thủng thì khả sống sót của kíp lái rất thấp. Tuy nhiên, người Nga cũng cố gắng giảm thiểu mối nguy cơ này với việc bọc giáp máy nạp đạn tự động.

T-90AM sử dụng pháo chính 2A46M-5 có độ chính xác cao hơn so với các dòng MBT thế hệ cũ của Nga. Tuy nhiên, điểm yếu chung của xe tăng sử dụng đạn pháo tăng sử dụng liều phóng rời là tầm bắn kém hơn so với đạn pháo tăng truyền thống. Vấn đề này được khắc phục phần nào nhờ đạn tên lửa bắn qua nòng pháo chính.

Ngoài các dòng MBT lọp vào Top 5, trên thế giới còn nhiều dòng xe tăng hiện đại khác như Leclerc (Pháp), Challenger 2 (Anh), K2 (Hàn Quốc), Type-10 (Nhật Bản) và Type-99 (Trung Quốc)…, nhưng xét về nhiều đặc điểm kỹ-chiến thuật, chúng không có tính đặc trưng như các dòng MBT lọt vào Top 5. 

  • Từ khóa
75425

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu