Thứ 6, 19/04/2024 21:50:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:34, 29/01/2014 GMT+7

Xuân về nghe chiến sĩ điện biên kể chuyện

Thứ 4, 29/01/2014 | 07:34:00 2,830 lượt xem

Trong không khí rạo rực của những ngày cuối năm, chúng tôi vinh dự được gặp những chiến sĩ Điện Biên năm xưa trên mảnh đất Phú Riềng Đỏ anh hùng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa 60 năm và những chiến sĩ ngày ấy, giờ đây đều đã trên dưới tuổi 90, nhưng cái chất “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn còn nguyên vẹn.


TỰ HÀO LÀ NGƯỜI LÍNH ĐIỆN BIÊN

Ông Nguyễn Huy Nhiệm

Trong căn nhà nhỏ nép bên cánh rừng cao su ở thôn Phú Vinh, xã Phú Riềng (Bù Gia Mập), tiếp chúng tôi là ông lão có nước da nâu săn chắc và nụ cười hiền. Ông Nguyễn Huy Nhiệm (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) kể: Năm 1951, tôi vào bộ đội, là chiến sĩ của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Sau khi tham gia đánh địch trên nhiều chiến trường, năm 1954, đơn vị được điều về Điện Biên. Trước khi mở màn chiến dịch, chúng tôi được giao nhiệm vụ tiễu trừ phỉ (lính người bản địa, được Pháp huấn luyện bài bản để bảo vệ vòng ngoài tập đoàn cứ điểm). Điện Biên Phủ được giải phóng, đơn vị tôi chịu trách nhiệm áp giải tù binh về Phú Thọ. Tôi luôn cảm thấy vinh dự vì mình được tham gia chiến dịch dù chỉ đánh giặc ở vòng ngoài.

Sau giải phóng Điện Biên, đơn vị ông tiếp tục truy đuổi tàn quân địch ở Bùi Chu - Phát Diệm (Ninh Bình), rồi về tiếp quản thủ đô. Hạnh phúc nhất khi đoàn quân tiến về thủ đô là được nhân dân chào đón như đón những người con đi xa sau bao năm trở về. Năm 1960, ông trở về địa phương tham gia công tác xã hội. Năm 1984 ông cùng gia đình vào Bình Phước lập nghiệp và làm công nhân cao su đến năm 1990 mới nghỉ.

Nay đã 85 tuổi (sinh năm 1928) nhưng ký ức về một thời hào hùng vẫn in đậm trong ông. Hiện 8 người con của ông đều có cuộc sống ổn định. “Mỗi khi có công việc, con cháu tụ họp đông vui, tôi đều kể cho các cháu nghe những chiến tích của thế hệ cha anh đi trước và động viên con cháu tích cực học tập, tham gia công tác xã hội cùng các hoạt động phong trào ở địa phương” - ông Nhiệm cho biết.


GAN KHÔNG NÚNG, CHÍ KHÔNG MÒN

Ông Nguyễn Đăng Biên

Dù mới đi chữa bệnh về, nhưng ông Nguyễn Đăng Biên ở thôn Phú Hòa, xã Phú Riềng vẫn gượng dậy tiếp chúng tôi. Ông đi bộ đội năm 1948, sau khi huấn luyện tân binh, được điều đi học đồ bản, về làm công tác tham mưu tại Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Trong chiến dịch, ông được giao nhiệm vụ điều tra nắm tình hình hoạt động, địa hình, địa vật thực tế của địch để làm sa bàn hướng dẫn cho đơn vị đánh địch. Đây là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi người thực hiện phải cần mẫn, tỉ mỉ và lòng quả cảm. Nhiều lúc phải giả làm con buôn, phu bốc vác luồn lách vào bên trong nắm tình hình địch, nhất là việc bố trí hệ thống giao thông hào, các điểm hỏa lực trọng yếu... Không được ghi chép, nhưng mọi chi tiết nắm được phải bảo đảm chính xác tuyệt đối, bởi chỉ cần một sơ suất dù nhỏ cũng sẽ dẫn đến những thiệt hại rất lớn cho ta.

“Trong một lần đi trinh sát, tôi thấy bọn sĩ quan địch xiềng lính pháo binh vào bệ pháo, cho thấy tâm lý bọn giặc đã rệu rã và không còn ý chí chiến đấu hoặc chúng đang liều chết vì u muội. Kỷ niệm này luôn nhắc nhở tôi, sống và chiến đấu phải có lý tưởng, phải vì hòa bình, độc lập của dân tộc” - ông Biên bộc bạch.

Trước đó, ông còn tham gia các chiến dịch: Hòa Bình lần 1 (1949), Hà Nam Ninh (1950), Phúc Yên - Vĩnh Phúc (1950), Hòa Bình lần 2 (1952)... và chiến đấu trên chiến trường nước bạn Lào. Sau giải phóng Điện Biên, ông tiếp tục phục vụ quân đội 2 năm nữa mới phục viên, về làm công tác xã hội tại địa phương. Năm 1991, ông đưa cả gia đình vào đất Phú Hòa lập nghiệp và hiện đang sống cùng người con út. Nay đã ở tuổi 92, nhưng người con của quê hương Yên Thành xứ Nghệ vẫn luôn tự hào mình là chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

KÝ ỨC MỘT THỜI OANH LIỆT

Ông Hoàng Văn Đông

Không được khỏe do bệnh của người già, nhưng ông Hoàng Văn Đông (sinh năm 1928) ở thôn Phú Tân, xã Phú Riềng vẫn nhiệt tình tiếp chuyện chúng tôi. Bên ly trà nóng ngày cuối năm, những dòng ký ức về một thời oanh liệt lại trở về trong ông. Năm 1948 ông vào bộ đội, là chiến sĩ của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Sau thời gian chiến đấu bên nước bạn Lào, năm 1952, đơn vị tiếp tục về đánh địch ở chiến trường Phú Thọ, rồi lên Điện Biên.

“Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị tôi trực tiếp đánh giặc ở đồi Độc Lập. Đây là cứ điểm có hệ thống lô cốt và hầm hào kiên cố, được địch bố trí trên một quả đồi nằm độc lập với các cứ điểm khác, án ngữ con đường từ Lai Châu về Mường Thanh. Đồi Độc Lập được xác định là một trong hai cánh cửa thép bảo vệ tuyến phòng ngự phía Bắc của trung tâm Mường Thanh. Do vậy, ngoài việc bố trí lực lượng hùng hậu, kẻ địch còn giăng dây thép gai chằng chịt và các loại mìn xung quanh ngọn đồi. Trước khi tấn công, đơn vị phải hoàn tất việc đào giao thông hào. Những hôm mưa gió, việc đào giao thông hào vô cùng khổ cực. Nhiều đoạn vừa đào, vừa ngụy trang che mắt địch và lấy sức bằng những nắm cơm vắt. Đơn vị phải bám sát trận địa và chiến đấu giành giật từng tấc đất với địch suốt 15 ngày. Mặc dù chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, bom đạn ác liệt, giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội vẫn gắn bó và coi nhau như anh em ruột thịt” - ông Đông bùi ngùi kể.

Sau chiến thắng, ông được phong quân hàm trung úy, về làm việc tại Ban liên lạc khu Tây Bắc đóng ở Sơn La. Năm 1960, ông về Trung đoàn 95, Sư đoàn 330 - đơn vị quân đội chuyên làm đường giao thông rồi phục viên về công tác tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1981, ông đưa gia đình vào Phú Riềng sinh sống. Đến nay, những người con của ông đều có cuộc sống ổn định, thường xuyên động viên, chăm sóc bố những lúc ốm đau. Những lúc khỏe ông đều tham gia sinh hoạt hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi và câu lạc bộ “ông kể cháu nghe” để vui tuổi già.

Ông Đặng Ngọc Biên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Riềng cho biết: Tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng cái chất “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn được các chiến sĩ Điện Biên năm xưa thể hiện rõ trong việc nuôi dạy và giáo dục con cháu, xứng đáng là những tấm gương để chúng tôi và các thế hệ sau học tập. 

Lâm Phương

  • Từ khóa
10754

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu