Thứ 6, 19/04/2024 19:48:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:00, 09/02/2017 GMT+7

Tôi vi phạm - không phải lỗi do tôi

Thứ 5, 09/02/2017 | 13:00:00 105 lượt xem
BP - Đây có lẽ là câu cửa miệng của không ít bộ phận người dân Việt chúng ta hiện nay khi vi phạm pháp luật và gây ra hậu quả nghiêm trọng, có khi đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và sự việc đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì thường đổ lỗi cho mọi lý do.

Lấy ví dụ từ một trường hợp có thật và đây là căn nguyên sâu xa của mọi vấn đề: Có một lần, tôi cùng anh bạn đi ăn ở nhà hàng nọ và được chứng kiến cảnh hai gia đình - 1 gia đình Việt và 1 gia đình người ngoại quốc. Cả hai gia đình đều có 1 đứa trẻ gần tuổi nhau. Ban đầu, bé con của gia đình người ngoại quốc bị té, nhưng cả 2 vợ chồng họ đều vẫn ngồi đó và chỉ quay qua nói với con 1 câu “Đứng lên đi con”, rồi tiếp tục ăn tối. Sự việc cảm thấy rất nhẹ nhàng.

Một lát sau, thằng bé con của gia đình người Việt bị té, nhưng khác với cách cư xử của gia đình người ngoại quốc, người mẹ vội chạy tới đỡ con dậy và quay qua trách bố nó “Anh trông con kiểu gì vậy?”. Thế là ông bố tức quá mới phản ứng lại “Cô làm mẹ kiểu gì mà để con té vậy?”. Bữa ăn tối cũng mất vui và đứa bé được dịp khóc to hơn nữa. Thấy tình hình căng thẳng, bà nội của nó chạy lại bảo rằng: “Thôi thôi, không phải lỗi của bố mẹ cháu, lỗi tại bà, lỗi tại cái sàn nhà này làm cháu bà ngã”.

Và hành động này của những ông bố, bà mẹ Việt đã vô tình tạo ra nếp suy nghĩ cho những đứa trẻ Việt rằng, bất kỳ những hậu quả gì xảy đến với chúng đều không phải lỗi do bản thân, mà là lỗi của người khác, lỗi tại những vật vô tri vô giác.

Lúc đi học, nếu học không giỏi thì trách thầy cô dạy dở, giáo trình biên soạn cao quá mức... Lúc ra trường không xin được việc làm thì trách tại công ty đòi hỏi cao, tại lúc đi học không được dạy những thứ đó... Lúc đi làm gây ra sự cố thì do cái này, tại cái kia, bởi cái nọ... Và đến lúc không hoàn thành trách nhiệm, thì cũng không có thói quen xin từ chức, nhận trách nhiệm về mình mà thông thường viện dẫn lý do A, lý do B... hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, tại cơ quan này, bộ phận kia... ít có ai thừa nhận đó là lỗi do mình.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ tội phạm hình sự ngày càng gia tăng đáng kể, hàng loạt các vụ án giết người thương tâm xảy ra, hết báo này, tạp chí nọ cứ nêu rằng nguyên nhân chính làm gia tăng phạm tội là do gia đình, nhà trường và xã hội. Tại sao báo chí phản ánh về các vụ án thì nhiều, nhưng chẳng có bài báo nào nêu rõ nguyên nhân phạm tội là tại họ, tại chính bản thân họ lười biếng, không tự thân vận động làm việc để tự nuôi sống và làm giàu cho chính mình và gia đình, không tự tìm hiểu pháp luật...

Đến khi bị xử lý hình sự với mức phạt nặng thì lại nói rằng do tôi không biết và viện ra “n lý do”. Rồi trách phía cơ quan nhà nước không chịu sâu sát với dân, đưa pháp luật đến với dân... Thế nhưng đến nay, các cơ quan nhà nước đã cố gắng hết các mức để tuyên truyền pháp luật trong nhân dân với đủ thứ phương tiện, báo đài, băng rôn, internet, tổ chức các buổi tư vấn pháp lý miễn phí... Đủ kênh chia sẻ pháp luật đến dân, kề cận với dân chúng rồi, không biết pháp luật là lỗi do bản thân, không phải do cơ quan nhà nước.

Còn về phía cơ quan nhà nước, cũng có một bộ phận không nhỏ, khi có lỗi nhưng lại không chịu nhận trách nhiệm về mình, chủ yếu vì tính sĩ diện, ngại nói mình sai... Không nhận trách nhiệm về mình, đồng nghĩa với việc đùn đẩy cho người khác và thế là các sai phạm vẫn còn đó mà không có ai khắc phục. Cái sai này nối tiếp cái sai kia và trở thành sai có hệ thống, đến khi muốn khắc phục, sửa chữa thì khó mà thực thi được.

Thật đáng buồn là trong xã hội ngày nay có rất nhiều người mắc bệnh này, vì thế mà tốc độ phát triển của nước ta không cao bằng những nước khác và tỷ lệ phạm tội giảm chậm, thậm chí có loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng (tội phạm về ma túy), mặc dù hình phạt được nâng lên nhiều so với trước. Vậy làm sao để chữa được căn bệnh này? Tìm lời giải cho câu hỏi này là trách nhiệm không của riêng ai.

Đỗ Văn Thắng

  • Từ khóa
57719

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu