Thứ 6, 29/03/2024 18:27:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 06:44, 31/10/2014 GMT+7

Tội giao cấu với trẻ em có nên quy định thời hiệu tố cáo?

Thứ 6, 31/10/2014 | 06:44:00 2,612 lượt xem
BP - Tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 115 của Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định về tội giao cấu với trẻ em như sau: 1. Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người; c) Có tính chất loạn luân; d) Làm nạn nhân có thai; đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

Từ trước đến nay, phần lớn những người có hành vi vi phạm điều này và bị tòa án đưa ra xét xử là do tố cáo của người bị hại. Căn cứ vào đơn tố cáo của bị hại hoặc người thân của bị hại, các cơ quan chức năng mới vào cuộc để xác minh, điều tra rồi truy tố đối với bị đơn. Và lẽ tất nhiên là người nào có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của luật pháp. Song, ở đây xin không bàn đến việc truy tố, khởi tố hay xét xử hành vi phạm loại tội này của các cơ quan chức năng. Vấn đề đặt ra trong bài viết này là trong Bộ luật Tố tụng hình sự có nên quy định thời hiệu tố cáo đối với loại tội phạm này? Theo quan điểm của cá nhân tôi thì trong Bộ luật Tố tụng hình sự cần có quy định về thời hiệu.

Một bị can bị đưa đến TAND tỉnh xét xử về tội giao cấu với trẻ em (ảnh minh họa) - Ảnh: Trần Phương

Xin viện dẫn về vụ việc dưới đây để minh chứng cho vấn đề này: Báo Bình Phước số 2248, ra ngày 8-8-2014 có đăng bài “Bi kịch làm mẹ tuổi 14”. Nội dung bài báo phản ánh vụ việc Nguyễn Thanh Tùng (1992), trú thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng có quan hệ tình cảm với T.T.T.P (1997), trú thôn Phú Thành, xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập từ năm 2011. Hậu quả là cháu P phải bất đắc dĩ làm mẹ khi mới 14 tuổi. Để chạy tội, gia đình đã lén lút tổ chức đám cưới cho Tùng với cháu P. Thế nhưng, sau mấy tháng chung sống, cháu P phải ôm con về tá túc nhà người dì ruột để mẹ đẻ chăm sóc cháu ngoại vì những xung đột với gia đình nhà chồng, trong đó có lý do là gia đình Tùng không thừa nhận đứa cháu. Ngày 3-9-2014, đại tá Lê Trường Sơn, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Công an tỉnh cho biết, để đảm bảo tính khách quan và đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan Công an huyện Bù Đăng đã tổ chức đưa con trai của cháu P đi giám định ADN. Và kết quả xác định cháu trai là con của Tùng và P.

Xin trở lại vấn đề, vào thời điểm hiện nay, nếu mẹ của cháu P tố cáo thì chắc chắn Tùng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em theo Điều 115. Đây là điều dễ hiểu, bởi theo quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành thì trường hợp cháu P chưa đủ 16 tuổi, chưa nhận thức rõ hành vi của mình, trong khi đó, Tùng đã 19 tuổi và biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng Tùng vẫn cố tình vi phạm. Và theo quy định của pháp luật hình sự hiện nay, dù đến khi P đã đủ 18 tuổi, nếu mẹ của P vì bất đồng quan điểm nào đó đối với Tùng hay gia đình nhà Tùng dẫn đến sự tức giận nên làm đơn tố cáo để “trả đũa”, thì khi đó Tùng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em theo Điều 115.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tùng trong các trường hợp nêu trên là hoàn toàn đúng luật, nên chúng ta không cần bàn luận thêm. Điều cần nói ở đây là nếu vào thời điểm P đã đủ 18 tuổi, tức là có đủ năng lực hành vi dân sự và P vẫn chấp nhận Tùng là chồng của mình và cả hai đang có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Hơn nữa, P cho rằng nếu thời gian có quay trở lại thì P vẫn chọn “như cũ” (nghĩa là dù khi sự việc xảy ra, P chưa đủ 16 tuổi nhưng đã có suy nghĩ giống như khi đủ 18 tuổi), thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tùng lúc này liệu có còn ý nghĩa? Mặt khác, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tùng vào thời điểm này có thể gây ra tiêu cực, như làm tan vỡ cuộc sống hạnh phúc của gia đình và khi Tùng đi tù ai sẽ lo cho con của họ, rồi tình sui gia giữa hai gia đình chắc chắn sẽ cơm không lành, canh không ngọt...

Từ sự việc được dẫn chứng trên đây, theo ý kiến của cá nhân người viết bài thì cần quy định thời hiệu tố cáo dành cho người bị hại. Ví dụ như luật cần quy định rõ như sau: Trong thời hạn x năm kể từ ngày bị hại đủ 18 tuổi (có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) thì không còn quyền tố cáo người gây hại. Quy định như thế sẽ đảm bảo quyền lợi thực sự của bị hại cũng như người “gây hại” không phải sống trong cảnh áp lực (nếu mình “chống đối” vợ hoặc nhà vợ sẽ có nguy cơ ở tù)... Bài viết này chỉ là quan điểm cá nhân, rất mong nhận được sự góp ý, thảo luận của bạn đọc gần xa.              

Luật gia: D.V

  • Từ khóa
25786

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu