Thứ 5, 25/04/2024 17:02:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:34, 15/08/2018 GMT+7

Tỏa sáng truyền thống ngàn đời của dân tộc

Thứ 4, 15/08/2018 | 16:34:00 869 lượt xem
BPO - “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, đó là truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Ghi nhận công lao to lớn của những người đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, từ năm 1947 đến nay, tháng 7 hằng năm với người Việt Nam luôn gắn liền công tác đền ơn, đáp nghĩa. Theo truyền thống ấy, đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Bình Phước đã có nhiều hoạt động tri ân, hỗ trợ, giúp đỡ những thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, nạn nhân chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống.

Mảnh đất anh hùng Bình Phước đã sinh ra, nuôi dưỡng những người con kiên trung, bất khuất. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, cùng với quân và dân cả nước, người Bình Phước đã không quản sức người, sức của phục vụ kháng chiến. Người dân cả nước biết đến Bình Phước qua những chiến tích oai hùng “Đồng Xoài rực lửa chiến công”, “Bình Long mùa hè đỏ lửa”, “Phước Long xây chiến thắng”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”... Những địa danh, di tích lịch sử trên mảnh đất anh hùng này vẫn còn mãi với thời gian. Đó là địa điểm ghi dấu chiến thắng Đồng Xoài; Di tích mộ 3.000 người; Di tích Nhà tù Bà Rá, Di tích căn cứ Tà Thiết... Và để có quê hương Bình Phước thanh bình hôm nay, biết bao người con ưu tú đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Những người may mắn trở về thì đã mất một phần thân thể hoặc mang trong mình rất nhiều căn bệnh do ảnh hưởng chất độc da cam.

Đoàn viên thanh niên giúp gia đình chính sách xã Quang Minh (Chơn Thành) xây nhà - Ảnh: N.K

Tri ân những người con anh dũng đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Phước bằng tình cảm và trách nhiệm đã làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở khắp các huyện, thị với nhiều hoạt động phong phú, nhiều việc làm nhân ái, nghĩa tình. Thống kê trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, toàn tỉnh đã vận động xây mới gần 1.950 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 46 tỷ đồng; sửa chữa gần 600 căn nhà với kinh phí gần 6,3 tỷ đồng; tặng 920 sổ tiết kiệm trị giá gần 672 triệu đồng; phụng dưỡng suốt đời 34 Mẹ Việt Nam anh hùng và 46 người có công già yếu, neo đơn... Cùng với ngân sách Nhà nước, các địa phương đã kêu gọi cả xã hội chung tay chăm sóc, tu sửa, nâng cấp 5 nghĩa trang liệt sĩ, 7 nhà bia ghi tên liệt sĩ và đài tưởng niệm cấp huyện; 33 nhà bia ghi tên liệt sĩ tại các xã anh hùng, biên giới. Từ năm 1997 đến nay, tỉnh đã quy tập hơn 3.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó chủ yếu là hài cốt liệt sĩ từ nước bạn Campuchia về nước.

Nhìn lại những hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” thời gian qua mới thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, trong đó có Bình Phước đã nỗ lực đến thế nào. Không chỉ ngân sách hằng năm dành một phần đáng kể cho hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, hoạt động này còn thu hút sự chung tay của cả cộng đồng. Và dù có khắt khe đến mấy cũng không thể phủ nhận hiệu quả thấy rõ khi Đảng, Nhà nước và cả cộng đồng trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài cùng chung tay đền ơn đáp nghĩa thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Nhiều chính sách tri ân được ban hành ngày càng phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Nhờ đó, không ít thương binh, liệt sĩ dù đã mất hết giấy tờ chứng minh công trạng, nay đã được vinh danh. Nhiều bộ hồ sơ, trong đó có những người mất cách đây hơn nửa thế kỉ cũng đã được xác minh, tôn vinh, trả lại sự công bằng.

Sau những nỗ lực của ngành LĐTBXH, tháng 7 vừa qua, liệt sĩ chống Mỹ Nguyễn Thị Hớn, nguyên quán xã Tân Khai (Hớn Quản) đã được công nhận liệt sĩ. Thân nhân của liệt sĩ cũng đã hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước và nhận bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ.

Tại Bình Phước, dịp kỷ niệm 71 năm Ngày thương binh - liệt sĩ vừa qua, toàn tỉnh đã vận động 22.244 phần quà tặng các gia đình chính sách, tổng trị giá gần 7,2 tỷ đồng. Ngoài việc các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp đến thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công,  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn ra mắt cuốn sách “Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bình Phước” nhằm tri ân sự hy sinh to lớn của các mẹ. Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, chính quyền mỗi cấp đều dành một phần ngân sách; đồng thời vận động toàn xã hội cùng chung tay chăm sóc các gia đình chính sách. Nhờ đó, đời sống các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã được cải thiện, không còn gia đình chính sách là hộ nghèo hoặc khó khăn về nhà ở.

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, thị xã Đồng Xoài đã giải quyết 646 hồ sơ đối tượng chính sách, người có công; xây dựng và bàn giao 3 căn nhà tình nghĩa cho người có công; sửa chữa 13 căn nhà cho các đối tượng, tặng 1 sổ tiết kiệm cho Mẹ Việt Nam anh hùng và vận động phụng dưỡng hằng tháng 1 Mẹ Việt Nam anh hùng; tặng 1.643 phần quà cho gia đình chính sách, người có công. Kỷ niệm 71 năm Ngày thương binh - liệt sĩ, Đồng Xoài đã công nhận danh hiệu 93 “Gia đình cách mạng gương mẫu”; công nhận danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu” cho 431 đối tượng là thương - bệnh binh đã phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và gương mẫu tại địa phương. Huyện Phú Riềng hiện có 19 Mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng và truy tặng; 204 thương binh, 61 bệnh binh và 282 người có công, thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hằng tháng và khoảng 3.000 người có công hưởng trợ cấp 1 lần. Những năm qua, huyện đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công. Từ năm 2015 đến nay, Phú Riềng đã cấp trên 2.600 thẻ BHYT cho người có công và thân nhân người có công; giải quyết trên 200 hồ sơ các loại liên quan đến chính sách người có công. Huyện Đồng Phú đang thực hiện chế độ ưu đãi cho 2.851 đối tượng chính sách. Trong đó có 560 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng, 838 người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần, 205 thanh niên xung phong; 1.565 người tham gia kháng chiến, cựu chiến binh và thân nhân người có công hưởng bảo hiểm y tế; 217 thân nhân thờ cúng liệt sĩ.…

Đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tiếp nối truyền thống anh hùng đã phấn đấu vươn lên trong lao động, xây dựng cuộc sống. Nhiều thương binh, bệnh binh trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh hoặc tham gia rất tích cực vào các hoạt động xã hội, từ thiện, giải quyết việc làm cho con em thương binh, gia đình liệt sĩ. Đến nay, tất cả gia đình thương, bệnh binh, liệt sĩ và người có công có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Thảo Linh

  • Từ khóa
22455

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu