Thứ 6, 19/04/2024 19:47:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:57, 20/10/2018 GMT+7

KỶ NIỆM 88 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LHPN VIỆT NAM (20-10-1930 - 20-10-2018)

Tỏa hương, góp mật cho đời

Thứ 7, 20/10/2018 | 07:57:00 647 lượt xem
BP - Khép lại ký ức một thời của thanh niên xung phong, những cô gái trở về từ chiến trận khi đất nước hòa bình lại nhận nhiệm vụ đi xây dựng vùng kinh tế mới. Trên mảnh đất Bình Phước, trải qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ của những ngày đầu, giờ đây những nữ thanh niên xung phong như bà Hoàng Thị Châu, Hà Thị Là của phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, đã có thể tự hào với truyền thống “xung phong” trên mọi mặt trận.

Bàn tay ta làm nên tất cả

Không nói nhiều về 2 năm từ 1973-1975 làm thanh niên xung phong tại tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP. Hà Nội), bà Hoàng Thị Châu (60 tuổi), trú tổ 9, khu phố Xa Cam, kể về quá trình để có cơ ngơi tiền tỷ ngày hôm nay. Bởi bà nói trong chiến tranh, mọi khổ cực là điều người dân nào cũng phải gánh chịu. Bước ra khỏi chiến tranh, hưởng ứng lời kêu gọi kiến thiết đất nước thì mỗi người dân phải làm sao để cuộc sống của mình tiến bộ lên. Năm 1978, bà cùng rất nhiều thanh niên miền Bắc được kêu gọi vào Nam xây dựng kinh tế mới. Vào Bình Phước, bà được phân công nấu ăn cho công nhân cạo mủ cao su, phát chồi. 1 năm sau, bà lập gia đình với người đồng hương trong nhóm thanh niên cùng vào Nam.

Trên con đường tổ 9, khu phố Xa Cam, phường Hưng Chiến (Bình Long) vừa làm xong, 2 cựu thanh niên xung phong Hà Thị Là và Hoàng Thị Châu mãn nguyện với sự góp sức của mình cho xã hội

Cuộc sống vợ chồng được 20 năm với 4 mặt con thì trong ngần ấy năm bà cắn răng chịu đựng người chồng vũ phu, gia đình chồng hắt hủi. Không chỉ bị đánh đập thừa sống thiếu chết, bà còn chứng kiến chồng mình dành tình cảm cho người phụ nữ khác. Không phụ vun vén kinh tế, quán tạp hóa của gia đình còn thường xuyên bị chính người chồng đập phá. Quá sức chịu đựng, một lần nghĩ non nghĩ dại bà đã tìm đến thuốc trừ sâu để kết thúc cuộc đời. Cũng may được bà con chòm xóm đưa đi cấp cứu kịp thời nên bà giữ được tính mạng, trong khi người chồng thì thản nhiên bỏ mặc. Sau lần đau đớn tột cùng đó, bà quyết định ly hôn.

“Ngôi nhà này tôi mới làm được hơn năm nay, hoàn thiện là tròn 1 tỷ đồng. Khi làm, phía trước vẫn còn ngôi nhà cũ xập xệ nên lúc đập nhà cũ bà con chòm xóm mới biết tôi làm nhà to thế này. Cả khu Xa Cam nói tôi trúng số” - bà Châu cười kể lại. Nhìn ngôi nhà mái Thái với bề ngang 11m lộng lẫy tọa lạc tại trục đường chính của khu phố, không ai tin một mẹ đơn thân với 4 người con nheo nhóc năm nào giờ đã làm được. Họ đồn trúng số cũng không ngạc nhiên!

Trời không phụ người có công nhưng không phải trúng số mà theo bà “trời thương” cho mọi người giúp đỡ. Sau khi ly hôn, mảnh đất vườn hơn 1 ha người chồng lấy và không nhận nuôi con. 5 mẹ con bà sống trên mảnh đất hơn 1 sào và số nợ 5 triệu đồng vay mượn khi bà nằm viện. Con cái nheo nhóc, quần áo không có để mặc nhưng thâm tâm bà vẫn phải cho các con ăn học đàng hoàng. Động lực đó đã thúc đẩy bà lao vào công việc từ buôn gánh bán bưng đến phát chồi, làm cỏ và chạy luôn xe ôm. Có thời điểm mỗi buổi chiều bà nấu một nồi cháo vịt 2kg gạo chỉ bán từ 1 giờ đến 5 giờ là hết. “Tôi mua từng 5 phân vàng, rồi tích cóp đổi thành 1 chỉ. Cứ vậy đến khi làm nhà tôi bán 15 cây vàng cộng với số tiền gửi ngân hàng vừa đủ thanh toán” - bà kể.

“Thú thật thời điểm đó nếu tôi không “cứng” thì 4 đứa con (3 gái, 1 trai) không được như bây giờ. Mặc dù khó khăn nhưng tôi vẫn động viên các con đi học. Khi chúng không học lên cao được nữa thì tôi cho đi học nghề để mưu sinh. 2 con gái đầu chọn học may, con gái thứ ba học nghề làm tóc, con trai út học điện cơ. Giờ các con đã có gia đình riêng, kinh tế khá giả. Tôi chia cho mỗi đứa một lô đất nhưng chúng cũng không cần” - bà Châu hạnh phúc chia sẻ.

Nổi tiếng ở mảnh đất Xa Cam là người “trực tính và tốt bụng”, bà Nguyễn Thị Thuần, người được bà Châu giúp đỡ một chỗ ngồi cạnh nhà để buôn bán nhỏ, cho biết: “Bà Châu là người hiếm thấy. Hễ ai có việc ma chay, cưới hỏi, tai nạn cấp cứu hỏi mượn tiền bất kể đêm khuya bà ấy đều giúp. Số tiền bao nhiêu cũng không lấy một đồng lãi nào. Hai bà cháu tôi cô quạnh nhận không biết bao nhiêu sự giúp đỡ của bà ấy mà chưa trả ơn được gì”. Bà Nguyễn Thị Lan, hàng xóm của bà Châu kể: “Ngày trước, bà ấy khổ lắm, tôi phải đi xin đồ cho mặc. Nhờ tinh thần vươn lên mà giờ có cơ ngơi tiền tỷ và quay lại giúp đỡ những người khó khăn. Bà ấy còn trực tiếp đứng lên nhận vận động người dân trong tổ làm 2 con đường bê tông xi măng. Hộ nào chưa có tiền đóng thì bà ấy cho vay”.

Thấu hiểu cảnh ngộ vay 5 triệu đồng để nằm viện 1 tuần về phải trả 250 ngàn đồng tiền lãi vào năm 1999, nên khi có điều kiện bà Châu tâm nguyện giúp đỡ tất cả những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn. “Bất kỳ lúc nào họ cần tôi đều giúp” là lời khẳng định khí chất của một thanh niên xung phong!

Có cũng làm, không có cũng làm

15 tuổi đi thanh niên xung phong bên nước bạn Lào, 3 năm sau (năm 1973) trở về quê Thanh Hóa, bà Hà Thị Là (67 tuổi) vừa tiếp tục học văn hóa vừa dạy mẫu giáo. Nhưng chỉ dạy được 2 tháng thì khí chất của người thanh niên yêu nước lại giục bà đăng ký đi bộ đội vào mặt trận Quảng Bình. Vì thiếu cân nặng, bà phải nhờ một người bạn gái đứng lên cân thay để được đi. Hòa bình lập lại, bà trở về quê tiếp tục dạy học.

Cuối năm 1983, bà cùng chồng con vào Nam theo diện kinh tế mới và làm công nhân trồng mới được 7 năm thì hưởng chế độ hưu một lần. Trong khoảng thời gian này, ngoài làm công nhân bà còn nuôi bò, heo, nấu rượu và bán dạo bánh ướt; chồng bà đi xẻ nọc tiêu thuê. Trong khi mọi người còn khó khăn thì bà đã có tiền tích lũy và mua được 5 ha tiêu, điều, cao su. 4 người con của bà đều được học hành.

Kinh tế gia đình ổn định, lúc này bà nghĩ đến thực hiện một việc rất yêu thích đó là làm công tác xã hội. Đến nay, bà đã có 23 năm trải qua các công việc phụ nữ, cựu chiến binh từ ấp đến huyện (khi Bình Long chưa tách) và giờ là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Hưng Chiến. “Có đồng nào cũng làm, không có cũng làm, đã làm thì phải cho tốt” đó là câu trả lời khi chồng và các con động viên bà nghỉ vì đã lớn tuổi. “Phong trào nó ngấm vào máu rồi cháu ạ. Mình làm được mà không nhận thì thấy có lỗi với sự tín nhiệm của mọi người” - bà Là chia sẻ. Đúng như bà nói, người làm công tác xã hội phải có đam mê, nhiệt huyết mới làm tốt được. Vì vậy mà không ngạc nhiên khi bà khoe là đang tập văn nghệ để chuẩn bị đi biểu diễn bên tỉnh vào ngày 22-12.

Hình ảnh một phụ nữ ốm nhom, bước vào tuổi thất thập rong ruổi trên chiếc xe cup đi đến tận nhà hội viên làm lại hồ sơ để họ được hưởng chế độ tử tuất với phụ cấp mỗi tháng hơn 1 triệu đồng làm người ta không khỏi chạnh lòng. Nhưng với bà đó là công việc yêu thích. Và dù đã hơn một lần bị tai nạn đến gãy xương vai mà các con vẫn không thuyết phục được bà nghỉ làm.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
23828

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu