Thứ 5, 28/03/2024 22:19:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 08:44, 19/10/2014 GMT+7

Tọa đàm “Tăng cường công tác dân vận, xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển”

Chủ nhật, 19/10/2014 | 08:44:00 1,861 lượt xem
BP - Nhìn thẳng vào những tồn tại, bất cập, tìm hướng giải quyết khó khăn để công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng nói riêng, công tác dân vận nói chung nhằm xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển là tinh thần chung của buổi tọa đàm: “Tăng cường công tác dân vận, xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển” được Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức vừa qua.

Với đường biên giới dài 260,4km, Bình Phước có 15 xã biên giới thuộc địa bàn 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập. Những năm qua, việc xây dựng các mô hình dân vận khéo trong các tổ chức chính trị, xã hội để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân các xã biên giới luôn được các ban, ngành, đoàn thể chú trọng. Cấp ủy đồn biên phòng phối hợp đảng ủy 15 xã biên giới xây dựng, duy trì 7 câu lạc bộ điểm sáng biên giới, 3 câu lạc bộ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, ấp với hàng trăm lượt hội viên tham gia.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nêu lên một số tồn tại, bất cập trong công tác vận động quần chúng của các đồn biên phòng để tìm giải pháp khắc phục như: Một số nơi, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng các phong trào quần chúng còn thiếu chiều sâu; việc tham mưu xây dựng cơ sở chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo còn hạn chế; sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác vận động quần chúng chưa được quan tâm đúng mức, thiếu ổn định và chưa có quy hoạch lâu dài...

Bà Trần Thị Yến, Phó ban Dân vận Huyện ủy Lộc Ninh cho biết: Công việc dân vận đòi hỏi cán bộ, đảng viên không ngại khó, thật sự gương mẫu, kiên nhẫn, thận trọng, nói đi đôi với làm; cán bộ vừa phải có trình độ, kiến thức, năng lực vừa biết nắm bắt tâm lý, học tiếng dân tộc, am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, biết cách thuyết phục, tập hợp, hướng dẫn người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Để dân vận đạt hiệu quả, cán bộ làm nhiệm vụ này không chỉ tuyên truyền vận động mà còn phải trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn nhân dân làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nội dung, hình thức, biện pháp vận động phải luôn đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, lồng ghép cùng các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội để đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới hiểu sâu sắc và chuyển biến từ nhận thức đến cùng hành động.

Ông Lê Văn Bình, Chính trị viên Đồn biên phòng Bù Gia Mập nói: Khó khăn lớn nhất là một số cán bộ vận động quần chúng không biết tiếng dân tộc thiểu số nên khó đi sâu, sát và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân. Do đặc thù công việc, sự phối hợp giữa đồn biên phòng và các đoàn thể địa phương chưa thường xuyên; hình thức, phương pháp tuyên truyền vận động chưa đa dạng dẫn đến kết quả chưa cao. Giải pháp then chốt gỡ khó là xây dựng đội ngũ cán bộ vận động quần chúng có bản lĩnh chính trị, kiến thức, có kỹ năng tuyên truyền vận động, thực hiện “4 cùng” với nhân dân.

Nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, bà Lê Thị Xuân Trang, Tỉnh ủy viên, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy đã đề xuất một số giải pháp: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; điều tra, khảo sát, nắm vững đặc điểm tình hình khu dân cư, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện; phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phổ biến, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động kết nghĩa dân cư hai bên biên giới.

Tuyết Ly

  • Từ khóa
27764

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu