Thứ 5, 25/04/2024 17:53:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:14, 05/06/2015 GMT+7

Làm giàu từ cây xoài

Thứ 6, 05/06/2015 | 07:14:00 453 lượt xem
BP - Vườn xoài 17 năm tuổi, diện tích 2,5 ha của anh Hà Minh Tuấn tại ấp Suối Da, xã Tân Hưng (Đồng Phú), đang vào mùa thu hoạch. Lúc chúng tôi đến, anh Tuấn đang cùng 2 nhân công dùng lồng vợt thu xoài. Xoài cắt xuống sẽ đóng vào thùng, mỗi thùng trọng lượng 45kg, xe tải đến chở về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ với giá 30 ngàn đồng/kg. Anh Tuấn cho biết, sản lượng xoài năm nay có thể đạt 15 tấn trở lên, gia đình anh sẽ thu 450-500 triệu đồng.


Anh Tuấn giới thiệu cây xoài cát Hòa Lộc được bọc trái non đến khi thu hoạch

Anh Tuấn quê ở Đồng Tháp, cùng gia đình lên Bình Phước lập nghiệp làm kinh tế. Bước đầu anh trồng điều xen xoài, nhãn và một ít sầu riêng. Anh Tuấn chọn giống xoài cát Hòa Lộc và Thái Kim Sa Vơ. Đây là 2 loại xoài được người tiêu dùng ưa chuộng nhất. Ưu điểm của xoài cát Hòa Lộc là thịt dai, ngọt, có độ bùi, còn xoài Thái Kim Sa Vơ ăn sống giòn, có vị ngọt thanh. Nhận thấy đây là loại cây có giá trị kinh tế cao nên anh cắt bỏ các loại cây khác để trồng chuyên canh xoài. Từ đó đến nay, dù xoài có những năm giá rẻ, anh vẫn “chung thủy” không đốn bỏ. Kiên nhẫn đầu tư chăm sóc đúng khoa học - kỹ thuật, cây xoài lại hợp thổ nhưỡng và được phát hiện phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên vườn xoài gia đình anh luôn đạt sản lượng cao.

 Để có vườn xoài bội thu, việc áp dụng khoa học - công nghệ luôn được anh đặt lên hàng đầu. Sau khi thu hết trái, anh Tuấn tỉa tàn bón phân, chủ yếu phân NPK, 20-20-15 để xoài không mất sức sau khi thu hoạch. Vào thời điểm tháng 4, 5, bắt đầu mùa mưa, xử lý thuốc kích thích cho ra đọt mạnh, giúp đọt không sâu bệnh. Anh Tuấn cho biết: “Cây xoài thường bị bệnh nấm hồng, thán thư, rệp sáp, bọ trĩ. Đặc biệt thời tiết nắng nóng, bọ trĩ, rệp sáp, nhện đỏ cắn quéo lá non, làm khô lá. Vì vậy, người trồng phải chăm cho lá đẹp. Khi lá đỏ đều, xử lý thuốc vào gốc để hạn chế sâu đục thân. Sau 1 tháng xử lý các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh dùng thuốc kích thích ra bông. Đồng thời xịt thuốc chống bệnh thán thư, sâu bọ để cây ra trái. Người trồng phải dùng đúng thuốc, đúng thời điểm, thời gian, phù hợp thời tiết để xoài đậu trái nhiều. Từ khi ra bông đậu trái đến khi thu hoạch là 4 tháng”.

 Để phòng trừ sâu rầy, kháng bệnh tốt, nhất là sương muối, anh Tuấn còn dùng bọc Made in Taiwan (loại bọc có chất thuốc dùng riêng bọc trái xoài của Đài Loan) để bọc trái từ lúc còn bằng ngón chân cái cho đến khi thu hoạch. Xoài được bọc giữ màu da đẹp, bán giá cao hơn từ 10-15 ngàn đồng. Ngoài các yếu tố cần thiết trên, chủ vườn còn phải chú trọng đến nguồn nước tưới. Anh Tuấn chủ động đào ao, đảm bảo khâu nước tưới cho cây xoài vào mùa khô, đánh bồn quanh gốc xoài, tưới trực tiếp vào gốc, sau mới bỏ phân. Khi phân thấm dần vào đất, tiếp tục tưới 1-2 đợt, đợi mưa xuống. Cắt tỉa thoáng mát, cho ra đọt mới. Với nhiều cây công nghiệp thì cây ăn trái cũng hợp với đất Bình Phước và xoài là loại cây kinh tế mũi nhọn của gia đình anh Tuấn, rất đáng để mọi người tham khảo để phát triển kinh tế hộ.

Duy Hiến  

  • Từ khóa
38725

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu