Thứ 5, 25/04/2024 08:41:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:51, 09/09/2017 GMT+7

Tổ liên kết và hướng đi bền vững ở Thiện Hưng

Thứ 7, 09/09/2017 | 08:51:00 217 lượt xem
BP - Thời gian gần đây, giá các mặt hàng nông sản giảm mạnh, nhất là hồ tiêu - nông sản chủ lực của huyện Bù Đốp, khiến không ít nhà nông lâm vào cảnh khó khăn. Trước thực trạng đó, nhiều người dân đã “hợp sức” và thành lập các tổ liên kết sản xuất giúp nhau phát triển kinh tế. Mô hình liên kết trồng tiêu nuôi dê của thôn 10, xã Thiện Hưng là một điển hình.

Cách đây vài năm, gia đình ông Nguyễn Chí Tiến ở thôn 10, xã Thiện Hưng là một trong những hộ có kinh tế khá của thôn, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng từ 4.000 trụ tiêu. Những năm gần đây, giá tiêu giảm, sau khi trừ chi phí công chăm sóc, làm cỏ, xịt thuốc, bón phân... thì chỉ huề vốn hoặc lỗ. Tuy nhiên nhờ kết hợp nuôi dê, mặc dù giá tiêu giảm mạnh nhưng thu nhập gia đình ông vẫn ổn định. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, hộ ông Tiến chỉ nuôi thử 3 cặp dê giống. Nhờ chịu khó học hỏi cách chăm sóc, phòng dịch bệnh cộng với điều kiện thuận lợi về thức ăn có sẵn nên đàn dê phát triển rất nhanh. Chỉ sau hơn 3 năm nuôi đến nay đàn dê của ông đã trên 30 con, mỗi năm thu lợi hàng trăm triệu đồng. Ông Tiến cho biết: “Gia đình tận dụng lá cây keo làm nọc sống để nuôi dê rồi lấy phân dê bón cho cây tiêu. Từ đó, gia đình phát triển đàn liên tục, năm cao nhất lên đến 80 con, thu nhập hằng năm từ 60-100 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Chí Tiến chăm sóc đàn dê của gia đình

Dù mang lại thu nhập khá, tiềm năng phát triển lớn cho nông dân nhưng do chăn nuôi nhỏ lẻ nên đầu ra cho dê hầu như do thương lái quyết định. Gần đến kỳ xuất bán, người nuôi báo cho thương lái xuống xem đàn, đánh giá chất lượng thịt dê rồi tự quyết định giá mua. Trước thực tế này, ông Tiến đứng ra thành lập Tổ liên kết trồng tiêu kết hợp chăn nuôi dê nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn “tìm” đầu ra cho sản phẩm. Ông Tiến nói: “Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi của gia đình và sự gợi ý của Hội Nông dân xã Thiện Hưng, tôi đã vận động 15 hộ dân tham gia nuôi dê kết hợp trồng tiêu. Đến nay, sau 1 năm tổ hoạt động tốt mang lại lợi ích cho các thành viên, ngoài ra còn vận động nhiều hộ tham gia. Hiện trong thôn đã có trên 60 hộ nuôi dê và trồng tiêu, qua đó từng bước phát triển kinh tế”.

Anh  Lương Văn Bon (dân tộc Thái) ở tổ 6, thôn 10, là thành viên đầu tiên của tổ liên kết. Năm 2010, anh từ Bắc vào Nam lập nghiệp, không quen khí hậu, thổ nhưỡng nên anh không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho giá trị kinh tế cao. Từ khi được các thành viên trong tổ liên kết hướng dẫn nuôi dê và trồng tiêu cũng như hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, thức ăn cho dê, hiện nay gia đình anh đã có trên 20 con dê nái và 1.000 nọc tiêu, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Bon cho biết: “Trước khi thành lập tổ liên kết, tôi nuôi 3 con dê, vào tổ tôi được hỗ trợ 21 triệu đồng mở rộng chuồng trại và nâng số lượng đàn. Thức ăn nuôi dê thì mọi người san sẻ cho nhau”.

Tổ liên kết nuôi dê kết hợp trồng tiêu ở thôn 10, xã Thiện Hưng hiện có 15 tổ viên canh tác hơn 60 ha đất và nuôi trên 400 con dê sinh sản. Trung bình mỗi tổ viên có trên 3 ha đất và 25 con dê sinh sản. Mỗi năm tổ sản xuất ra hàng chục tấn tiêu sạch và dê thịt đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng/tổ viên. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ còn tự góp vốn hỗ trợ nhau lúc khó khăn, hiện nay số vốn lên đến trên 100 triệu đồng. Từ hiệu quả của tổ liên kết thôn 10, Hội Nông dân xã Thiện Hưng đang nhân rộng mô hình này ra toàn xã. Anh Phạm Đình Thoại, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê của thôn 10 sau 1 năm hoạt động đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt và tạo thu nhập cho người dân. Từ đó chúng tôi đã nhân rộng được 2 mô hình trồng tiêu và nuôi dê cho nông dân trong xã. Sắp tới, hội sẽ tiếp tục triển khai cho các thôn khác để mô hình này ngày càng phát triển”.

Tổ liên kết được hình thành trên cơ sở tập hợp, gắn bó hội viên có chung lợi ích và trách nhiệm, tạo ra cơ chế liên kết trong sản xuất. Đây cũng là hình thức tập hợp nông dân vào mô hình kinh tế tập thể hướng đến ra đời các hợp tác xã kiểu mới. Thông qua những tổ liên kết này sẽ giúp nông dân chủ động hơn trong quá trình sản xuất sản phẩm sạch và khâu tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị kinh tế, nhất là trong thời buổi giá nông sản biến động như hiện nay.

Đức Trung

  • Từ khóa
42012

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu