Thứ 3, 23/04/2024 16:55:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:30, 18/01/2017 GMT+7

Tổ hợp tác phụ nữ trồng rau an toàn ở Tân Lập: Hướng đến thương hiệu riêng

Thứ 4, 18/01/2017 | 16:30:00 421 lượt xem
BP - Tháng 10-2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Lập (Đồng Phú) thành lập Tổ hợp tác phụ nữ trồng rau an toàn với 30 hội viên. Đến nay, tổ hợp tác đã và đang hoạt động hiệu quả, không chỉ giúp các thành viên phát triển kinh tế mà còn tập hợp, gắn kết phụ nữ giúp nhau tiến bộ.

CẢI THIỆN NGUỒN THU

Là thành viên tổ hợp tác, chị Nguyễn Thị Toan ở ấp 9, xã Tân Lập được tham gia lớp tập huấn do Hội LHPN xã tổ chức nên tuân thủ nghiêm quy trình trong các khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, hơn 1 sào rau thơm của gia đình không chỉ cho năng suất cao mà còn đảm bảo chất lượng để cung ứng ra thị trường. Chị Toan cho biết, ban đầu, do các thành viên trong tổ chưa có sự phối hợp nên toàn trồng rau ăn lá, vậy là “đụng hàng”. Qua các buổi sinh hoạt tổ, các chị đã chia sẻ, chọn trồng các loại rau, củ, quả đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ đó, chị Toan đã chuyển hẳn sang trồng rau tía tô, kinh giới và húng quế.

Ngoài ra, chị còn trồng thêm các loại rau ngót, mồng tơi, rau đay... để lấy ngắn nuôi dài. “Các loại rau thơm thường có vòng đời từ 2-3 tháng, trong khi rau xanh các loại chỉ 20 ngày là có thu nên tôi trồng xen để có tiền đi chợ hằng ngày. Cứ nghĩ là không bao nhiêu nhưng nhờ biết chi tiêu phù hợp, cùng với kết hợp thêm các loại chuối, gừng trong vườn nên cũng đủ chi tiêu cho gia đình. Trung bình một lao động mỗi tháng trồng rau thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Vì vậy cách làm này rất phù hợp với phụ nữ nông thôn” - chị Toan nói.

Đại diện Hội LHPN huyện Đồng Phú và các thành viên tổ hợp tác trong vườn rau nhà chị Nguyễn Thị Toan ở ấp 9, xã Tân Lập

Trung bình mỗi năm, chị Toan thu lợi từ 1 sào rau thơm khoảng 50 triệu đồng. Hiện các loại rau, củ, quả của tổ hợp tác chỉ đủ bỏ mối cho bạn hàng tại các chợ xung quanh huyện Đồng Phú. Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về máy xới đất nên công làm đất giảm nhiều, năng suất và hiệu quả lao động của tổ hợp tác ngày càng tăng.

Cũng như chị Toan, chị Nguyễn Thị Thắm, Võ Thị Lộc đã gắn bó với tổ hợp tác hơn 2 năm nay. Chị Thắm và chị Lộc chuyên trồng các loại mướp, bầu, đậu, khổ qua... Kinh tế gia đình các chị trước phụ thuộc hoàn toàn vào vườn, rẫy thì thời gian gần đây đã tăng thu nhập nhờ trồng rau nên cải thiện rõ rệt. Chị Thắm chia sẻ: Trước đây, tôi nghĩ phụ nữ nông thôn chỉ biết vườn, rẫy, chăm lo gia đình. Tham gia các hội, đoàn thể, tổ hợp tác, tôi thấy mình năng động hơn. Từ khi trồng rau và mang ra chợ bán tôi thấy mình có duyên buôn bán. Tăng thu nhập không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho bản thân, gia đình mà còn góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ.

CẦN ĐƯỢC HỖ TRỢ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Lúc mới thành lập tổ hợp tác  được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ 5 máy xới đất, mỗi tổ viên 1,7 triệu đồng để mua giống, bạt, lưới vây... Tổ hợp tác còn được tham gia 2 lớp tập huấn về quy trình sản xuất rau an toàn. Bà Nguyễn Thị Gái, Tổ trưởng cho biết: Tổ hợp tác hiện có 3 nhóm, mỗi nhóm gồm 10 tổ viên tại các ấp 1, 2, 3, 5, 9; hộ có diện tích ít nhất 1 sào, nhiều nhất 6 sào. Tổ hợp tác trồng các loại rau ăn lá và củ, quả như bầu, bí, dưa leo, khổ qua... Ban đầu, khi chưa tìm được đầu ra ổn định, có chị đã dựng sạp bán rau trong chợ. Tuy nhiên đến nay có nhiều người biết đến Tổ hợp tác phụ nữ trồng rau an toàn, thương lái đã tìm đến tận vườn mua, góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm.

Nhằm giúp nhau chủ động vốn để mua phân bón, vật tư, hạt giống, các tổ viên đã tự nguyện đóng góp 100 ngàn đồng/tháng để xây dựng quỹ. Đến nay, tổng số quỹ hội đóng góp được 81 triệu đồng, đã cho 27 chị vay, mỗi người 3 triệu đồng với lãi suất 1%/tháng. Tiền lãi thu được, các chị đã tổ chức thăm hỏi tổ viên lúc ốm đau, hoạn nạn, hội họp. Ngoài ra, tổ hợp tác còn sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần, giúp tổ viên cập nhật kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm và động viên nhau giữ vững thương hiệu rau an toàn. Năm 2016, do ảnh hưởng thời tiết nên nguồn cung có thời điểm ít, giá cao nên những hộ trồng rau an toàn ở xã Tân Lập “được mùa”. Vì vậy, một số tổ viên như Phạm Thị Hương, Trần Thị Nơi (ấp 5), các chị Hà, Huệ, Dậu (ấp 1) có thu nhập khá cao.

Bà Nguyễn Thị Gái cho biết thêm: Chúng tôi luôn trăn trở làm thế nào để sản phẩm của Tổ hợp tác phụ nữ trồng rau an toàn ở Tân Lập có thể đến với nhiều người tiêu dùng. Vì vậy năm 2017, tổ hợp tác sẽ vận động tổ viên mới tham gia sinh hoạt, tổ viên cũ tăng gia sản xuất, đồng thời tăng cường quản lý, kiểm tra quy trình trồng rau an toàn. Trong các buổi sinh hoạt, ban chủ nhiệm tổ hợp tác luôn chú trọng tuyên truyền, vận động chị em nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sản xuất rau sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe con người và vệ sinh môi trường. Đặc biệt là hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; dùng đúng lúc, đúng liều lượng, đúng thời gian để đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Bà Gái cũng mong muốn tổ hợp tác tiếp tục được các cấp hội, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đầu ra ổn định để có cơ sở tăng diện tích vườn rau; tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về quy trình trồng rau an toàn giúp thành viên có thêm kiến thức để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và người tiêu dùng. Từ đó mở đường cho sản phẩm đi vào các siêu thị uy tín.

P. Dung

  • Từ khóa
93192

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu