Thứ 4, 24/04/2024 18:38:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:25, 07/10/2015 GMT+7

Tổ hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị ở Thanh Lương: Vì sao thiếu bền vững?!

Thứ 4, 07/10/2015 | 10:25:00 207 lượt xem
BP - Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo chuỗi giá trị là người chăn nuôi (nông dân) liên kết với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn nhằm nâng cao lợi nhuận, phát triển ổn định và bền vững. Tuy nhiên còn nhiều điểm bất cập dẫn đến mối liên kết không chặt chẽ, có nguy cơ bị đổ bể bất cứ lúc nào mà tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long là một ví dụ.

BƯỚC ĐỘT PHÁ

Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn xã Thanh Lương được thành lập cuối năm 2013. Ban đầu có 13 thành viên và nay là 19, nuôi trung bình 300-500 ngàn con/năm. Tổ hợp tác thực hiện chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Đây cũng là mô hình thực hiện đầu tiên tại Bình Long. Đó là các công ty Cao Khanh, Bình Minh, Minh Dư cung ứng giống; Công ty thuốc thú y Tân Tiến cung ứng thuốc, vắc-xin; Công ty ADECO (Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp thanh niên xung phong TP. Hồ Chí Minh) cung ứng thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm. Các công ty đảm bảo cung ứng sản phẩm đầu vào chất lượng, uy tín, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp. Thành viên trong tổ nuôi gà sử dụng cùng loại thuốc và thức ăn, rồi bán lại sản phẩm chăn nuôi theo giá như hợp đồng đã thỏa thuận vào đầu mỗi năm.

Đại diện các doanh nghiệp và nông dân đối thoại tại buổi tổng kết Tổ hợp tác chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị xã Thanh Lương tháng 1-2015

Thời gian đầu, chuỗi giá trị vận hành tương đối tốt, đạt hiệu quả cao. Cuối năm 2014, tổ hợp tác tổng kết rút kinh nghiệm nhằm phát triển ổn định và nhân rộng mô hình.

Năm 2015 chăn nuôi theo chuỗi giá trị nảy sinh vấn đề không như mong muốn. Nguyên nhân bởi các lý do sau:

Năm 2014, Công ty ADECO ký hợp đồng với nông dân mua sản phẩm 65 ngàn đồng/kg, gà nuôi đến khi xuất chuồng thì công ty cho xe lên chở cuốn chiếu trong vòng 1-2 ngày là hết. Trong khi đó, giá thị trường thương lái mua tại trại chỉ 60-62 ngàn đồng/kg. Lúc này, người nông dân có lãi còn Công ty ADECO bị lỗ.

Đầu năm 2015, công ty ký hợp đồng mua sản phẩm với giá 60 ngàn đồng/kg (với giá giống sàn 14 ngàn đồng/con. Nếu giá giống cao hơn sẽ chia đôi phần chênh lệch và công ty sẽ cộng giá giống vào giá thu mua sản phẩm. Giá thị trường từ đầu năm đến tháng 7-2015 các thương lái luôn mua ở mức cao, trung bình 77-80 ngàn đồng/kg. Trước tình hình đó, Công ty ADECO hỗ trợ 5 hộ nuôi do giá giống tăng lên 22 ngàn đồng/con với số tiền 30 triệu đồng, tương đương với giá thu mua từ 63-64 ngàn đồng/kg trong tổng 19 tấn gà thịt.

Từ sự chênh lệch giá thu mua đó, 1 hộ chăn nuôi đã bán gà cho thương lái mà không bán cho công ty như hợp đồng đã ký. Một số hộ khác thì bán một phần cho thương lái, một phần bán cho công ty.

VẪN CÒN TƯ DUY “ĂN XỔI”

Ông Phan Văn Túy, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi gà cho biết: Năm 2015, việc vận hành của tổ và các thành viên chưa nhịp nhàng, ăn khớp. Việc thu mua của công ty chưa đồng bộ. Công ty cử thương lái đến thu mua với số lượng nhỏ, không tập trung, thời gian thu mua sản phẩm kéo dài hơn năm trước (một trại trước đây thu mua tập trung trong khoảng 1-2 ngày thì nay kéo dài tới 5-6 ngày) làm ảnh hưởng đến tâm lý, quá trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm của người chăn nuôi. Hơn nữa, một số hộ bán ra ngoài sẽ rất khó thu hồi vốn (do họ ứng vốn từ việc mua giống, thuốc, thức ăn). Hộ bán ra ngoài đã cho ra khỏi tổ và giữ lại phần chiết khấu được chia để trừ vào thiệt hại của hợp đồng.

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, mô hình nuôi gà thả vườn theo chuỗi giá trị tại xã Thanh Lương chưa bền vững và đạt hiệu quả không cao vì người chăn nuôi chưa hiểu hết ý nghĩa, bản chất và tầm quan trọng của việc chăn nuôi theo chuỗi giá trị mà vẫn nặng tư duy chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ và chạy theo lợi ích trước mắt. Các bên chưa thực hiện nghiêm nội dung hợp đồng đã ký, chưa có biện pháp xử lý nghiêm nếu vi phạm hợp đồng. Giữa các công ty và người chăn nuôi chưa tìm được điểm chung về việc chia lợi ích, rủi ro trong quá trình sản xuất, chưa ứng phó kịp thời,  nhạy bén trước sự biến động thực tế của giá cả thị trường để thay đổi các điều khoản của hợp đồng. Mục đích chính của Công ty ADECO là cung ứng thức ăn chăn nuôi, thu mua sản phẩm chỉ mang tính hỗ trợ, không phải kinh doanh chính nên việc thực hiện các  điều khoản hợp đồng còn lỏng lẻo, tạo tâm lý dễ dãi, làm cho chuỗi liên kết giá trị không đi theo đúng bản chất thực tế. Sự liên kết, hỗ trợ của 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học) chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm và chưa thực sự chủ động, tích cực khai thác các tiềm lực, lợi thế để phát triển chuỗi giá trị.

Chăn nuôi theo chuỗi giá trị nói chung và theo chuỗi giá trị của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn xã Thanh Lương nói riêng để đem lại hiệu quả cao, các bên tham gia phải tích cực thay đổi tư duy, cách làm, tìm được tiếng nói chung, phù hợp trong việc chia sẻ lợi ích, rủi ro; nhạy bén với thị trường. Tạo sự hợp tác chặt chẽ, tận dụng tốt cơ hội, tiềm năng, lợi thế. Có như vậy mới nâng được giá trị sản phẩm, tạo tính cạnh tranh, đạt hiệu quả cao, ổn định và bền vững.

Nguyễn Thị Hạnh
Trạm Khuyến nông thị xã Bình Long

  • Từ khóa
39295

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu