Thứ 6, 29/03/2024 14:25:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:23, 12/07/2018 GMT+7

Tổ công tác xã hội - nơi kết nối những tấm lòng

Thứ 5, 12/07/2018 | 14:23:00 2,080 lượt xem
BP - Không để người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đơn độc trong cuộc chiến chống bệnh tật, 2 năm qua, Tổ công tác xã hội (CTXH), Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, tìm nguồn hỗ trợ bệnh nhân khó khăn. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Giúp đỡ khi người bệnh cần

Nhập viện trong tình trạng suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân Thị Xinh ở ấp Sóc Răng, xã Thanh Bình (Hớn Quản) may mắn được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa qua cơn nguy kịch. Chi phí chạy thận hằng tuần rất cao, trong khi gia đình chị Xinh thuộc diện khó khăn, không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nên không đủ khả năng chi trả. Các bác sĩ đã thông báo gấp cho Tổ CTXH phối hợp giúp đỡ. Các thành viên đã nhanh chóng liên hệ với địa phương, nơi chị Xinh cư trú để xét làm thẻ BHYT. Trong 1 tháng chờ hoàn tất thủ tục làm thẻ BHYT, chi phí chạy thận lên đến 22 triệu đồng đều do tổ kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ.

Thành viên Tổ CTXH và các nhà hảo tâm trao tiền hỗ trợ gia đình chị Thị Sinh ở thôn Bù Núi, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh)

Chị Đỗ Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ CTXH, Phó trưởng Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện đa khoa tỉnh, nhớ như in trường hợp chị Thị Sinh ở thôn Bù Núi, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) 1 năm trước vào viện trong tình trạng bị tật 2 chân, không đi lại được nhưng mang thai song sinh. Sau sinh, một bé quá yếu nên không qua khỏi, một bé phải nằm lại viện theo dõi. Nắm được thông tin, tổ nhanh chóng kêu gọi Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh cùng các tổ chức thiện nguyện quyên góp được 56 triệu đồng trao tận tay chị Thị Sinh, giúp trang trải viện phí và có chút vốn nuôi con.

“Nhiều ca vào viện trong tình trạng nguy kịch, chi phí điều trị cao nhưng không có giấy tờ, người thân. Chỉ cần bệnh nhân cung cấp thông tin, địa chỉ, các thành viên trong tổ chủ động liên lạc về địa phương xác minh, tìm người thân. Nếu bệnh nhân không thuộc diện hưởng bảo hiểm xã hội hay chế độ gì thì kịp thời kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ. Khó khăn nhất là trường hợp sản phụ đi sinh, bà ngoại đi cùng đều không có giấy tờ tùy thân. Chị em trong tổ phải gọi điện thoại về thôn, ấp xác minh, sau đó liên hệ xã làm giấy khai sinh cho bà ngoại và mẹ để đủ cơ sở pháp lý làm giấy khai sinh và bảo hiểm cho con” - chị Hiền chia sẻ.

Để kịp thời giúp đỡ người bệnh, hằng ngày, tổ đều bố trí nhân viên đón tiếp, hướng dẫn tại các khoa để chỉ dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân về quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh; giới thiệu, cung cấp thông tin, tư vấn về dịch vụ khám, chữa bệnh; giải thích cho bệnh nhân, người nhà người bệnh trong trường hợp người bệnh có chỉ định chuyển viện, ra viện; tư vấn các chính sách xã hội về BHYT, trợ cấp xã hội...

Thành viên tổ ai làm việc nấy, tạo thành một ê-kíp chuyên nghiệp. Những trường hợp đã tư vấn, giúp đỡ đều được ghi lại cẩn thận trong sổ tay, kèm theo số điện thoại liên lạc. Bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, không thân nhân, sau khi xuất viện các chị vẫn gọi điện hỏi thăm, tư vấn và tiếp tục giúp đỡ khi cần. “Bệnh nhân được giúp đỡ có người nhớ, người quên. Người nhớ thì gọi điện thoại cảm ơn, đó là động lực giúp chúng tôi tiếp tục công việc của mình” - chị Hiền nói.

Hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Mới thành lập 2 năm, nhưng hoạt động Tổ CTXH mang lại có ý nghĩa rất lớn với người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo trong khám, chữa bệnh. Công việc hằng ngày của tổ góp phần giảm tải đáng kể những khó khăn trong quá trình khám, điều trị tại bệnh viện, tạo mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với bệnh viện, qua đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tổ CTXH đang trở thành địa chỉ tin cậy, chắp nối nhu cầu của bệnh nhân nghèo với các nhà hảo tâm.

Chị Hiền cho biết thêm: Tổ CTXH không chỉ đón nhận quà, tiền làm từ thiện mà còn là nhịp cầu đưa các nhà hảo tâm tới giúp đỡ bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Trong 2 năm tổ đã hỗ trợ, tư vấn 542 trường hợp, với tổng viện phí 3 tỷ 655 triệu đồng; hỗ trợ thủ tục pháp lý 267 trường hợp. Trong đó, bệnh nhân hưởng sau khi có can thiệp của tổ gần 2 tỷ đồng; bệnh nhân đóng viện phí 331 triệu đồng. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, mỗi ngày đón hàng trăm lượt bệnh nhân và đa phần là người nghèo. Không ít bệnh nhân sau khi điều trị khỏe mạnh đã trốn viện nên chi phí thất thu khoảng 20 triệu đồng/tháng. 2 năm qua, tổ đã gọi điện thoại về gia đình, địa phương vận động 275 trường hợp trốn viện quay lại đóng viện phí với tổng 1 tỷ 404 triệu đồng.

“Cái tâm của người làm CTXH là luôn lắng nghe, tham vấn cho người bệnh một cách thấu đáo; đồng thời nắm bắt hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, xác định mức độ và có phương án hỗ trợ kịp thời. Ngoài kiến thức cơ bản về nghề, nhân viên CTXH cần có nhiều kỹ năng mềm, nhất là phải có cái tâm và sự đồng cảm sâu sắc. Nếu không sẽ khó thành công” - chị Hiền khẳng định.

N.

  • Từ khóa
2144

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu