Thứ 7, 20/04/2024 00:10:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 16:28, 29/08/2018 GMT+7

Tố cáo bằng hình ảnh - coi chừng tự mua dây trói mình

Thứ 4, 29/08/2018 | 16:28:00 748 lượt xem

BP - Những năm gần đây, sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã làm thay đổi đời sống của con người một cách đột biến. Và Facebook là một trong những phát minh hữu ích nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI. Bởi Facebook và các trang mạng xã hội giúp con người có được sự kết nối, sẻ chia dù bất cứ ở đâu trên trái đất này. Tuy nhiên, Facebook cùng các trang mạng xã hội cũng đã và đang đặt ra những thách thức trong công tác quản lý xã hội. Đó là khi các trang mạng xã hội phát triển, rất nhiều hình ảnh của cá nhân, những clip, những đoạn ghi âm được phát tán trên internet. Sự lan truyền trong các trang mạng xã hội nhanh đến mức chóng mặt, những bình luận theo đó đều ít nhiều gây ảnh hưởng đến người có hình ảnh, clip bị phát tán.

Có không ít trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác đưa lên mạng với mục đích tố cáo hoặc chỉ vì “thấy ghét” ai đó rồi cũng đưa lên mạng với những lời bình làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của người khác. Và bài viết không ngoài mục đích cùng bạn đọc tìm hiểu về những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, để chúng ta sử dụng Facebook và những trang mạng xã hội một cách hữu ích hơn.

Trước hết, cần xem xét dưới góc độ pháp lý về hành vi phát tán clip có được xem là việc tố cáo và người phát tán có phải là người tố cáo hay không? Đồng thời, đối với những hình ảnh, clip được người đăng nhằm mục đích tố giác hành vi vi phạm pháp luật của người có hình ảnh và có mặt trong nội dung clip được phát tán trên internet, nhưng không được gửi đến các cơ quan chức năng để đề nghị xử lý thì có được xem là hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Theo Luật Tố cáo hiện hành (năm 2011) thì tố cáo là việc công dân theo thủ tục do luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, tại Điều 9 của luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo như sau: Người tố cáo có các quyền gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật... Và người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây: Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình.

Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 2, Điều 31, Bộ luật Dân sự, thì: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Và tại Khoản 3, Điều 31 còn quy định: Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Đồng thời, tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự quy định về quyền bí mật đời tư như sau: Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Như vậy, căn cứ vào những quy định như đã nêu thì việc tùy tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi xâm phạm bí mật đời tư, chứ không phải là hành vi tố cáo.

Trong Bộ luật Dân sự cũng quy định về việc bồi thường những thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Cụ thể, tại Điều 611 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, gồm: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm... Người có hành vi vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra và phải xin lỗi, cải chính công khai. Về trách nhiệm bồi thường, tại Điều 307 quy định như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.

Và không những bị xử lý hành chính, mà hành vi phát tán hình ảnh, clip có thể xem xét để xử lý hình sự. Cụ thể, tại Điều 121 quy định về tội làm nhục người khác như sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tại Điều 226 của Bộ luật Hình sự quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, internet như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

L.G

  • Từ khóa
31176

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu