Thứ 6, 29/03/2024 20:28:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:49, 21/08/2014 GMT+7

Tờ báo "Chiến khu" ngày ấy… bây giờ

Thứ 5, 21/08/2014 | 07:49:00 1,611 lượt xem
BPO - Hoà chung với niềm vui phấn khởi cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Sự kiện Báo Quân khu Một ra số đầu tiên đúng vào ngày 19-8-1946 (sau 1 năm kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công) không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà đó là dấu ấn lịch sử đối với một tờ báo mang tên "Chiến khu" lần đầu tiên ra mắt bạn đọc sau một năm cách mạng tháng Tám thành công.

Âm vang tờ báo "Chiến khu"

Nhớ lại ngày này 68 năm trước, tờ Báo Quân khu Một được mang các tên gọi gắn liền với các sự kiện lịch sử của dân tộc như: " Chiến khu", " Việt Bắc quyết chiến", " Bắc Sơn", " Giữ nước", " Quân Việt Bắc", " Chiến sĩ Quân khu Một" và "Báo Quân khu Một". Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy gian khổ, để kịp thời động viên phong trào cách mạng của quân và dân các dân tộc Việt Bắc, Chiến khu uỷ đã quyết định xuất bản số báo đầu tiên  đúng vào ngày 19-8-1946, tờ báo được mang tên gọi" Chiến khu". Việc tổ chức ra tờ báo ở Thái Nguyên hồi đó không dễ dàng; người viết báo lúc đó chỉ có đồng chí Tạ Xuân Thu - Chính trị viên Chiến khu (làm chủ nhiệm tờ báo) và đồng chí Kỳ Ân làm chủ bút,  sau này bổ xung thêm các đồng chí: Phạm Viên, Hà Thế Long, Cao Nhị, Nhị Ca, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn, Tô Ân, Lê Kim… Để có nội dung đăng báo ra đúng thời hạn, toà soạn phải "đặt cọc" với các cơ quan: Tham mưu, Chính trị, Quân giới, Quân y đến các đơn vị trực thuộc, mỗi đơn vị viết cho một bài, biên tập xong phải đưa về in ở nhà in Hàn Thuyên (Hà Nội). Báo xuất bản mỗi kỳ 6000 tờ được phát hành rộng rãi ở 2 nơi (Thủ đô Hà Nội và Chiến khu Việt Bắc). Tờ báo "Chiến Khu" ra đời được đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi thư chào mừng.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Báo Quân khu Một có đội ngũ phóng viên tương đối hùng hậu (tổng số toà soạn được biên chế 12 đồng chí). Các nhà báo có tên tuổi là: Bá Đôm, Duy Quyền, Đức Khang (bút danh Hồng Nhâm); Đặng Vương Hưng (bút danh Hiền Thắm), Nguyễn Văn Tông (bút danh Hà Phương Thiện), Nguyễn Quốc Trí, Đinh Hồng Phước, Nguyễn Bình Phương, Hoàng Thiềng, Thế Ngự…


Đồng chí Dương Ngọc Long- Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng Báo Quân khu Một

Mỗi phóng viên, biên tập viên, công nhân viên từ cơ quan toà soạn đến xưởng in đều lao động quên mình dưới bom rơi, đạn nổ để có những bài viết phóng sự, ghi nhanh, những tin tức nóng hổi từ mặt trận gửi về, từ hậu phương gửi ra tiền tuyến. Chính vì vậy đã động viên kịp thời, làm vững tâm những người con đang cầm súng chiến đấu ở ngoài mặt trận và ấm lòng hơn đối với những người đang “chắc tay cày, hay tay súng” ở hậu phương. Báo có những bài viết phản ánh những tấm gương sáng trong chiến đấu và lao động sản xuất, tình cảm của hậu phương đối với tiền tuyến thật cảm động như bài:“Người con trai của dân tộc Sán Chỉ trên mâm pháo”; “Tiếng nổ giữa lòng địch”; “Trai Việt Bắc trên đường số 9 anh hùng”; “Chiến công sau ngày vào Đảng”; “Bức thư từ quê nhà”; “Dòng máu hậu phương”; "Quà hậu phương gửi ra tiền tuyến”… Các phóng viên như: Triệu Bôn, Văn Kháng, Đức Kiên, Trần Ngọc…là những cây bút sắc sảo của báo, các anh đã có nhiều tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Bên cạnh các bài viết mang tính định hướng, Ban biên tập còn tìm tòi, nghiên cứu, tổ chức các chuyên trang, chuyên mục trên báo đã có tác dụng tốt tới bạn đọc. Báo có các chuyên trang như: Trang "Huấn luyện chiến đấu- xây dựng chính quy"; trang "Quân sự địa phương"; trang "văn hoá- văn nghệ" và chuyên trang về bảo đảm trật tự ATGT… Chẳng hạn như bước vào thời điểm Quân khu đang tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện và xây dựng nếp sống chính quy, Báo có chuyên mục "Luyện cán rồi mới rèn binh"; trong thực hiện phong trào thi đua quyết thắng - Báo có chuyên mục "Những tập thể điển hình, những cá nhân tiên tiến", " Hoa ngàn Việt Bắc". Trong công tác dân vận, có chuyên mục "Bộ đội Quân khu gần dân, hiểu dân để phục vụ nhân dân", " Từ Pác Bó- Chi Lăng đến Phú Đình- Yên Thế"... hoặc trên địa bàn Quân khu, tình hình tôn giáo, dân tộc đang là vấn đề phức tạp, báo cũng kịp thời xây dựng chuyên mục, có các bài viết để định hướng dư luận về vấn đề này…

Từ lúc 3 tháng mới xuất bản được 1 kỳ báo, với 1.500 bản báo/1 kỳ xuất bản; đến nay, Báo Quân khu đã xuất bản đều đặn 1 tháng 4 kỳ với tổng số 5.600 bản báo/1 kỳ xuất bản; báo  được phát hành rộng rãi tới cấp trung đội trở lên đối với các đơn vị chủ lực; tới cấp xã, phường, thị trấn trở lên đối với địa phương 6 tỉnh trên địa bàn Quân khu Một; chất lượng cả nội dung và hình thức của tờ báo ngày càng tiến bộ, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh.

Báo Quân khu Một hôm nay

Phát huy truyền thống tờ báo "Chiến khu", cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên của Báo Quân khu Một (lớp người làm báo của thế hệ thứ 4) hôm nay đã và đang ra sức phấn đấu để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh Quân khu, của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Việt Bắc. Trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ, phóng viên của Báo Quân khu Một đã có bước trưởng thành; chỉ tính từ năm 1994 đến nay, đã có 8 lượt cán bộ, phóng viên của báo đoạt được giải thưởng báo chí từ cấp Tổng cục đến giải báo chí quốc gia. Một đồng chí được tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Cùng đông đảo đội ngũ TTV, CTV các cơ quan, đơn vị có tinh thần nhiệt tình trách nhiệm, tâm huyết với nghề viết báo, thường xuyên tham gia tuyên truyền trên Báo Quân khu Một. Đặc biệt, có sự tham gia cộng tác của các đồng chí thủ trưởng trong Bộ Tư lệnh Quân khu, thủ trưởng các Cục, các cơ quan, phòng, ban; lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị; cùng với sự phối hợp, cộng tác có hiệu quả của các cơ quan Báo, Đài Phát thanh- Truyền hình 6 tỉnh trên địa bàn Quân khu… đã góp phần làm cho Tờ báo Quân khu Một luôn giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích và từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc cả trong và ngoài quân đội.


Phóng viên Truyền hình Quân khu tác nghiệp tại Lữ đoàn Xe tăng 409

Trong công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Ban biên tập Báo luôn tìm ra phương pháp nhanh nhạy, kịp thời và hiệu quả. Nội dung của Báo luôn bám sát chỉ thị, nghị quyết và định hướng của trên, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của LLVT Quân khu Một; phản ánh kịp thời các hoạt động và phong trào thi đua quyết thắng ở các cơ quan, đơn vị. Coi trọng việc phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, tập thể điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; công tác hậu cần, kỹ thuật; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc và tuyên truyền về lực lượng vũ trang Quân khu Một tích cực tham gia giúp dân xoá đói, giảm nghèo tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa biên giới.

Ngoài loại hình báo viết, hiện nay cán bộ, phóng viên Báo Quân khu Một còn tích cực tham gia làm báo hình, báo nói để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương. Ban biên tập Báo đã  tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Do vậy, chỉ tính riêng trong 2 năm qua, ngoài việc xuất bản báo theo định kỳ tuần/ số, Ban biên tập Báo Quân khu còn tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương được hàng nghìn tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình được phát trên chương trình truyền hình quân đội nhân dân, chương trình thời sự Đài truyền hình Việt Nam( sóng VTV1) và trên sóng truyền hình - Đài phát thanh- truyền hình tỉnh Thái Nguyên. Năm 2005, Báo Quân khu Một xây dựng 3 phim phóng sự tài liệu: "Đảng viên Sằm Văn Dé", "Nơi đàn chim trở về" và "Hãy cứu lấy rừng Khuôn Mánh" tham gia dự thi Liên hoan phim truyền hình toàn quân lần thứ VI  ( tháng 7/2005) tại Đà Nẵng đã đạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc; trong đó phim phóng sự Đảng viên "Sằm Văn Dé" đạt Huy chương Vàng, được Ban tổ chức trao giải là một trong 2 phim xuất sắc nhất Liên hoan và là phim được Tổng cục Chính trị  chọn để tham gia Liên hoan phim  truyền hình toàn quốc lần thứ XV. Năm 2007, Báo Quân khu tham gia thi liên hoan truyền hình toàn quân lần thứ VII đạt 1 Huy chương Vàng cho phim phóng sự tài liệu "Chuyện ở Mỏ Ba". Năm 2009 Báo Quân khu Một tham gia thi liên hoan truyền hình toàn quân lần thứ VIII đạt 1 Huy chương Vàng cho phim phóng sự " Nơi ngọn nguồn Khe Rạc", 2 Huy chương Bạc cho phim phóng sự " Người lái xe tăng địch vào thành Huế" và Chuyên mục Truyền hình Quân khu. Năm 2011, tham gia liên hoan truyền hình toàn quân lần thứ IX, Báo Quân khu Một đạt 1 Huy chương Vàng cho phim phóng sự: “Khoảng trống tin học, ngoại ngữ trong sĩ quan trẻ hiện nay” và năm 2013, tham gia liên hoan truyền hình toàn quân lần thứ XI, Báo Quân khu Một đạt Huy chương Vàng phim phóng sự “Thư gửi anh bộ đội”… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong suốt chặng đường 68 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ làm báo Quân khu Một hôm nay luôn kế tục, phát huy truyền thống của một Tờ báo được ra đời trên vùng đất chiến khu cách mạng. Xây dựng Báo Quân khu Một phát triển đi lên xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu- Tiếng nói của lực lượng vũ trang Quân khu Một.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
11597

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu