Thứ 6, 19/04/2024 11:23:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 15:29, 15/10/2016 GMT+7

Tình yêu cuối đời

Nguồn PNO
Thứ 7, 15/10/2016 | 15:29:00 282 lượt xem
BPO - Cái hiếu thảo giữ phần cho người chết và giữ danh dự cho người sống là thứ hiếu thảo vô cùng man rợ. Chẳng có thứ đạo đức nào bắt buộc những người già phải khư khư ôm nấm mồ của bạn đời để tròn vai thủ tiết.

Bữa rồi tôi về quê, thấy một người đàn bà lạ trong nhà. Cô Duệ. Cô đến tìm bố mẹ tôi xin làm giúp việc, nhà cô ở xóm trên, 7g sáng mỗi ngày cô tới dọn dẹp - làm vườn - nấu nướng, ăn tối xong cô về và sáng mai lại đến.

Cô Duệ gần 60 tuổi, cô khéo thu vén nên mẹ tôi quý. Cô góa chồng sớm, ở vậy nuôi con cho đến khi lập gia đình xong xuôi cho cả hai đứa, cô cắt đất chia cho con mỗi đứa một mảnh, phần nhà cũ cô giữ để hương khói thờ chồng.

Hôm ấy, có một người đàn ông luống tuổi dáng dấp lam lũ đến nhà xin đón cô Duệ về từ đầu chiều, cô lúng túng giới thiệu là chồng. Cả nhà tôi hơi băn khoăn, nhưng cũng vui vẻ để cô về.

Cô nghỉ hai ngày, bữa quay lại làm cô mới rủ rỉ tâm sự với mẹ tôi: “Ông ấy góa vợ, bọn em gặp nhau trong một lần cùng đi viện. Rồi đem lòng thương nhau, ông ấy bảo cưới xong em muốn ở nhà em hay nhà ông ấy cũng được - để em được thoải mái.

Em nói chuyện với các con, chúng nó nổi giận, quát mắng nhục mạ em là nhịn được đến từng này tuổi còn dở rói trai gái. Chúng nó cấm. Rằng nếu để gã đàn ông nào bước qua cửa nhà, chúng nó sẽ lấy ảnh thờ của bố đập cho vỡ mặt. Còn nếu cố tình “theo giai”, chúng nó không cho em động vào các cháu nữa.

Ông ấy động viên, là em đã nuôi dạy con cực khổ từng ấy năm, lo xong cho con rồi giờ cũng phải biết nghĩ đến thân mình. Em về với ông ấy, tuổi già nương tựa bầu bạn với nhau, ông ấy sẽ bù đắp cho em”.

Tinh yeu cuoi doi

Để cô Duệ khỏi tủi là “theo không”, người đàn ông nọ biện mấy mâm cỗ, mời họ hàng bạn bè đến chứng cho mối duyên muộn của hai người. “Tiệc cưới” làm nhờ nhà bạn thân, vì chính các con ruột của ông cũng không đồng ý cho bố tái giá.

Khi cỗ sắp dọn ra, cô Duệ được báo con trai mình đang hùng hổ kéo đến cùng một lũ đầu trâu mặt ngựa, chúng muốn phá cho tan nát bẽ bàng đám cưới. Ngại ảnh hưởng đến mọi người, hai vợ chồng đèo nhau lên xe máy đi mất, để lại cỗ bàn chỏng trơ không có chủ tiệc. Tối tân hôn của cặp vợ chồng già diễn ra trong một nhà nghỉ rẻ tiền, sau đó cô Duệ bước vào cuộc đời “làm dâu”.

Điều kiện để người đàn ông được mang vợ về, là cô Duệ phải làm giúp việc không công cho các con ông, vì chính ông cũng đang phải sống nhờ con cái. Trông đàn cháu, việc nhà cửa ruộng vườn, ngày nào cũng tay năm tay mười mới xuể việc.

Được gần hai năm, sau một trận ốm thì cô Duệ tỉnh người nhận ra: ở ngôi nhà này, cô chưa bao giờ là gì hơn một người ở, và nếu chồng cô lỡ đau yếu mà đi trước - cô sẽ bị bọn con chồng tống cổ ra ngoài đường không thương tiếc.

“Chồng em xót vợ, nhưng không có tiền thì chẳng nói được gì. Ngày em quyết liệt trở về nhà, ông ấy phải bán trộm cặp gà cho em đi đường” - cô Duệ dấm dứt khóc khi nhắc lại.

Thì cuộc sống méo mó vẹo vọ cỡ nào mình cũng phải nương theo để sống. Hai vợ chồng đó đã hẹn thề thực hiện một kế hoạch cuối đời trùng phùng. Chồng cô xuống thành phố đi trông xe, cô đi làm giúp việc - chịu đựng thêm vài năm nữa họ sẽ gom được tiền dựng một ngôi nhà nhỏ trên đất đồi.

“Ăn uống hàng ngày đã được nơi làm lo cho, ông ấy ngủ ở cửa hàng, em thì về nhà - bọn em chỉ phải tiêu tiền cho việc lâu lâu thuê phòng nghỉ để được ở với nhau một tối. Trời không cho ốm thì cũng chỉ mất 5 năm nữa là được sống cùng nhau dưới một mái nhà”.

Cô Duệ còn phân bua: “Bọn em không giận gì con cái. Chúng nó cũng chỉ giữ cho người đã khuất, và không muốn bố/mẹ bị mang tiếng già còn đổ đốn với người đời…”.

Cái hiếu thảo giữ phần cho người chết và giữ danh dự cho người sống ấy là thứ hiếu thảo vô cùng man rợ. Bọn con cái ích kỷ muốn bố mẹ góa sống một đời, phải vùi tắt quyền được yêu và quyền hồi sinh với hạnh phúc mới. Chẳng có thứ đạo đức nào và nghĩa vụ nào bắt buộc những người già phải khư khư ôm nấm mồ của bạn đời để tròn vai thủ tiết.

Báo hiếu, cuối cùng chẳng phải là nuôi cơm hay mua quà bánh, lo đủ quần áo thuốc thang cho cha mẹ. Báo hiếu là tôn trọng những lựa chọn của người già, là tìm mọi cơ hội để cha mẹ mình được sống hạnh phúc như cách họ mong muốn.

Hàng tối trở về ngôi nhà rộng quạnh vắng, cô Duệ hẳn chạnh lòng nghĩ đến người chồng phải nằm trên ghế xếp, trong một cabin bảo vệ, chỉ cách cô một đoạn đường. Nhưng dù thế, cô Duệ vẫn hát nho nhỏ khi cuốc vườn, tôi nghĩ lúc ấy chắc cô đang mơ đến ngôi nhà tường đất trên đồi cao.

Ngôi nhà do một người đàn ông dựng lên tặng cô bằng tình yêu tủi cực cuối đời, ngôi nhà mà cô sẽ được gieo rau cải vào mùa đông, trồng mùng tơi rau đay vào mùa hè - để nấu những bát canh thật ngọt lành cho người đàn ông cô thương yêu. Và người ta có thể nhẹ nhàng đi hết đày đọa của kiếp người, vì còn có một mái ấm, một đoàn tụ đợi họ ở nơi rất xa…

  • Từ khóa
107785

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu